Salar de Uyuni như một chiếc gương khổng lồ, phản chiếu bầu trời xanh thẳm, những cuộn mây trắng như bông, nằm trên độ cao gần 4.000 mét so với mặt nước biển.



Chúng tôi dừng lại “nghĩa địa xe lửa”, cách thị trấn khoảng 3 km. Nơi đây từng là nhà ga xe lửa lớn nhất Bolivia, nhưng giờ đây đã trở thành một khu phế liệu khổng lồ. Khu vực này được xây dựng vào cuối thế kỷ 19. Khi đó, giới lãnh đạo tin rằng, họ sẽ tạo ra được một hệ thống giao thông hiện đại giúp phát triển quốc gia.

 Tuy nhiên, người dân bản địa ở đây lại xem tàu hỏa là một sự xâm lăng, nên thường xuyên phá hoại chúng. Về sau này, vào những năm 1940, khi các tài nguyên đã cạn kiệt và nền công nghiệp khai thác khoáng sản sụp đổ, những đoàn tàu trở nên vô dụng và bị bỏ mặc cho thời gian tàn phá.


Ngôi làng chuyên khai thác và chế biến muối từ Salar de Uyuni. Uyuni không chỉ là một nơi nổi tiếng với khách du lịch về cảnh quan tuyệt diệu, mà còn nổi tiếng về lượng muối cung cấp. Các thợ mỏ làm việc tại đây khai thác khoảng 25.000 tấn muối mỗi năm. Con số này rất nhỏ với trữ lượng 10 tỷ tấn muối tại đây.


Ở Salar de Uyuni, muối được thu hoạch theo cách truyền thống: chất đống thành gò nhỏ để bay hết hơi nước, sau đó sấy khô trên lửa và cuối cùng là thêm i-ốt vào trước khi được đưa vào quy trình đóng gói. Hiện nay, các nhà dân khu vực này còn giới thiệu cho khách xem quy trình sản xuất muối thủ công truyền thống, cho ra những gói muối nho nhỏ để du khách mua về làm lưu niệm. Các ngôi nhà cùng hệ thống khách sạn ở đây được xây dựng hoàn toàn bằng muối, tạo cảm giác thích thú cho khách du lịch đến tham quan.



Điểm đến mong đợi của tôi cuối cùng cũng đến khi mặt trời đã treo trên đỉnh đầu. Cánh đồng muối Salar de Uyuni nằm ở khu vực Tây Nam của Oruno và Potosi, thuộc Bolivia gần biên giới với Chi lê. Cách đây hơn 40.000 năm, khu vực này là một phần của hồ Minchin thời tiền sử.


Theo thời gian, hồ dần cạn nước và lộ ra 2 hồ nhỏ là Poopo và Uru Uru cùng với 2 sa mạc muối khổng lồ là Salar de Coipasa và Salar de Uyuni. Hiện nay Salar de Uyuni là sa mạc muối lớn nhất thế giới, gấp 25 lần so với cánh đồng muối nổi tiếng Bonneville ở Utah của Mỹ.Xe đưa du khách tiến sâu vào Salar de Uyuni.


Xe bắt đầu tăng tốc trên sa mạc muối rộng lớn. Giờ đây chúng tôi chỉ có thể nhìn thấy sự giao hòa giữa trời và đất. Mùa hè, cánh đồng luôn ngập nước. Cả khu vực biến thành tấm gương soi khổng lồ.



Vào mùa mưa, Salar de Uyuni biến thành hồ nước nông.




Hiện nay, ngoài thu hút khách du lịch, Uyuni cũng là mỏ vàng cho ngành khai thác khoáng sản của Bolivia, nơi lưu trữ một nửa lượng li-ti của thế giới mà được dùng làm pin năng lượng cao. Tôi thật sự thích thú và cảm thấy bé nhỏ giữa cánh đồng muối chạy dài vô tận. Bầu trời và mặt đất dường như gần nhau hơn. Mọi người đều phải đeo kính râm để bảo vệ mắt.


Bầu trời trong xanh, độ ẩm thấp, bề mặt nhẵn mịn khổng lồ với tính phản xạ tốt vào mùa mưa, có hiệu chuẩn vệ tinh tốt hơn gấp 5 lần so với bề mặt đại dương khiến Salar de Uyuni có khả năng giúp Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đo độ chính xác của một số vệ tinh quan sát trái đất.


Xung quanh Salar de Uyuni có nhiều hồ nước, nơi tập hợp của các loài hồng hạc Nam Mỹ. Thức ăn của hồng hạc là loại vi khuẩn và tảo trong các hồ nước muối làm cho Uyuni thay đổi màu sắc liên tục theo từng mùa. Vào tháng 11, hàng nghìn con hồng hạc tập trung nơi đây để bước vào thời kỳ giao phối.



Khu vực cắm cờ của các đoàn du khách. Quốc kỳ Việt Nam được treo lên bên cạnh là chục quốc kỳ của khách du lịch trên thế giới như một phần minh chứng cho bản thân cũng như cho những người Việt đã và sẽ tiếp tục đặt chân đến với vùng đất xa lạ mà tuyệt diệu này


Theo Zing