Những cuộc gọi lừa đảo này đưa ra thông báo rằng số điện thoại của người dùng sẽ bị khóa nếu không cập nhật thông tin thuê bao.

"Trung tâm viễn thông xin thông báo số thuê bao của quý khách sẽ bị tạm khóa trong 24h. Để biết thông tin chính xác, quý khách vui lòng bấm phím 1", thông báo được đưa ra trong các cuộc.

Cảnh giác cuộc gọi lừa đảo đe dọa khóa SIM-1
Kẻ gian đang lợi dụng quy định về quản lý thuê báo để thực hiện các cuộc gọi lừa đảo (Ảnh minh họa).

Có thể thấy, kẻ gian đang lợi dụng quy định về quản lý thuê báo để thực hiện các cuộc gọi lừa đảo, nhằm mục đích đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tài sản. Theo tìm hiểu, những cuộc gọi này đến từ rất nhiều số điện thoại và có đầu số khác nhau.

Những kẻ gian liên tục thay đổi phương thức và chiêu trò nhằm thực hiện hành vi lừa đảo. Vào tháng 11/2022, nhiều người dùng cũng đã nhận được một số cuộc gọi tự xưng đến từ "Cục viễn thông" và đe dọa khóa SIM.

Theo các chuyên gia tại Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), đây là một trong những kịch bản phổ biến được nhiều đối tượng lừa đảo sử dụng. Mục đích của các đối tượng lừa đảo nhằm đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng. Những thông tin cá nhân này sau đó có thể bị lạm dụng cho nhiều mục đích khác nhau.

Theo quy định tại Nghị định 49/2017/NĐ-CP, các thuê bao di động cần phải được cập nhật đầy đủ, chính xác thông tin cá nhân (họ và tên, CMND, ngày cấp và nơi cấp,…). Đồng thời, từ ngày 1/8/2022, thuê bao mới phát sinh cũng sẽ phải thực hiện xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Cảnh giác cuộc gọi lừa đảo đe dọa khóa SIM-2
Người dùng có thể thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao tại nhà thông qua mạng Internet hoặc liên hệ với tổng đài (Ảnh minh họa).

Từ ngày 15/3, các nhà mạng di động ở Việt Nam đã gửi tin nhắn tới các thuê bao di động trong diện cần phải chuẩn hóa thông tin, đáp ứng yêu cầu đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Những chủ tài khoản nhận được tin nhắn đa phần là những người dùng có thông tin chưa khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo quy định, sau ngày 31/3, nếu khách hàng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu chuẩn hóa, các nhà mạng sẽ ngừng cung cấp dịch vụ một chiều và tiếp tục gửi tin nhắn thông báo tới chủ thuê bao. 

Đến ngày 15/4, sẽ tiếp tục khóa dịch vụ 2 chiều cho các thuê bao chưa đáp ứng yêu cầu và sẽ thực hiện thu hồi số thuê bao từ ngày 15/5 nếu khách hàng vẫn không bổ sung, điều chỉnh lại thông tin kịp thời.

Người dùng hoàn toàn có thể thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao tại nhà thông qua mạng Internet, hoặc liên hệ với tổng đài thông qua đường dây nóng của mỗi nhà mạng để được hướng dẫn cụ thể.

Theo Dân Trí