Theo MAAC, VFX là quá trình thực hiện và xử lý các hiệu ứng hình ảnh, dựa trên sự kết hợp với các cảnh quay thật được thực hiện trên phim trường. Việc ứng dụng VFX vào các tác phẩm điện ảnh giúp đoàn làm phim tiết kiệm được một khoảng thời gian và chi phí khổng lồ, cũng như góp phần hạn chế những nguy hiểm có thể xảy ra đối với diễn viên.
Nói một cách dễ hiểu, VFX làm cho những điều không có thật trở nên thật nhất. Còn nói một cách hoa mỹ hơn, VFX giúp các nhà sản xuất hiện thực hóa những điều không tưởng.
Tuy vậy, có nhiều cuộc tranh luận nổ ra xung quanh chủ đề này từ lâu. Đa số ủng hộ và khẳng định VFX khiến phim ảnh trở nên hoành tráng hơn và không hề bị gò bó bởi bất kì giới hạn nào. Tuy nhiên, một bộ phận nhỏ khán giả cho rằng, sử dụng kỹ xảo làm cho bộ phim mất đi sự thực tế và tính cảm xúc.
Cuộc cách mạng lịch sử
Georges Melies được cho là là tượng đài của kỹ xảo điện ảnh thế giới thuở ban sơ, người tiên phong với hình ảnh chuyển động và phim khoa học viễn tưởng, mang đến những câu chuyện chỉ có trong tưởng tượng.
Bước ngoặt đầu tiên VFX tạo ra trên màn ảnh là khi đạo diễn quá cố Marcel Delgado cho ra đời King Kong (1933), với việc đem đến hiệu ứng stop-motion đặc biệt, bên cạnh đó là kỹ thuật thu nhỏ, công nghệ rear projection,... Thời bấy giờ, đây được xem là cuộc cách mạng ngành công nghiệp điện ảnh khi những hiệu ứng trong phim là thứ chưa ai từng thấy, vượt xa những khái niệm phim ảnh thông thường trước đó.
Ngoài stop-motion, các kỹ thuật khác cũng lần lượt xuất hiện dọc theo chiều dài lịch sử. The Seventh Voyage of Sinbad (1959) sử dụng kỹ thuật phối cảnh xa gần, split screen, lẫn thủ thuật tạo dựng đạo cụ phục vụ cho cảnh quay. Các kỹ thuật mới khiến phim ảnh trở nên thu hút hơn như CinemaScope, VistaVision, Cinerama và 3D, tạo thêm nhiều tiền đề cho sự phát triển của ngành sản xuất kỹ xảo.
Kể từ sự ra đời của Jason and the Argonauts (1963), tác phẩm theo Tom Hanks nhận xét là bộ phim vĩ đại nhất từng được thực hiện, 2001: A Space Odyssey (1968) và Star Wars (1977) lần lượt ra mắt đánh dấu những tiến triển rạng rỡ của ngành công nghiệp điện ảnh và được coi là một trong những khoảnh khắc vàng son của lịch sử bộ môn nghệ thuật thứ bảy.
VFX trong "The Matrix" gây rúng động thị trường điện ảnh khi ra mắt.
Bước ngoặt VFX lớn thứ hai là khi bộ phim Jurassic Park (1993) công chiếu, đem đến công chúng khái niệm về sự “pha trộn hoàn hảo” với việc kết hợp kỹ thuật số và các mô hình dựng sẵn.
Hiệu ứng hình ảnh trong bom tấn của đạo diễn Spielberg vẫn giữ nguyên chất lượng sau gần 30 năm kể từ khi phát hành, là nguồn cảm hứng cho sự ra đời của những “kỳ tích điện ảnh” như Matrix (1999), The Lord of the Rings (2001) và đặc biệt là Avatar (2009).
Sự kỳ diệu của hiệu ứng kỹ xảo
Theo đánh giá của trang rgb, “VFX là sự bổ sung tuyệt vời cho bất kỳ bộ phim nào. Chúng cho phép các nhà làm phim hình dung, thực hiện những hiệu ứng, thế giới, nhân vật một cách chi tiết và kỳ diệu mà các diễn viên không thể khai thác được trên phim trường”.
Cụ thể hơn, VFX giúp họ thêm thắt những yếu tố kích thích thị giác mạnh mẽ và những khía cạnh tưởng chừng bất khả thi vào trong tác phẩm. Thiếu vắng những hiệu ứng này, chúng ta khó lòng có cơ hội được chiêm ngưỡng những thước phim giải trí mãn nhãn.
Ứng dụng lớn nhất của kỹ xảo điện ảnh chính là việc tạo nên bối cảnh, môi trường giả lập trên phông nền xanh (compositing), giúp đoàn làm phim tiết kiệm chi phí và thời gian khi chỉ cần thực hiện cảnh quay tại studio cố định.
Điển hình là bom tấn Mad Max: Fury Road (2015), bộ phim đạt được 4 tượng vàng Oscar với số điểm số cao chót vót trên trang đánh giá Rotten Tomatoes. Đem đến cho khán giả những phân cảnh hành động, cháy nổ hoành tráng nhưng thực tế, đó chỉ là sản phẩm của VFX giả lập.
Với “bom tấn doanh thu cao nhất mọi thời đại” Avatar (2009), một trong những yếu tố tạo nên sự hấp dẫn lớn cho bộ phim chính là việc sử dụng CGI (mô phỏng hình ảnh bằng máy tính), một dạng hiệu ứng phức tạp hơn của VFX. Đây là thuật ngữ chỉ chung đồ họa được sản xuất kỹ thuật số, có thể tự di chuyển, hoạt động hoặc thêm vào các cảnh hành động có diễn viên.
Đội ngũ làm phim đã tạo dựng kỹ xảo này trải qua nhiều bước, từ tạo mẫu, tô màu, thêm họa tiết hay sử dụng một số yếu tố chuyển động và hoạt hình, điều này khiến cho những nhân vật giả lập trong tác phẩm trở nên chân thực, sống động đến mức đáng kinh ngạc.
Cuối cùng, Motion-capture (ghi hình chuyển động) chính là cách mà VFX tạo ra những con quái vật, hay người khổng lồ trong những bộ phim khoa học viễn tưởng, điển hình như Caesar trong War for the Planet of the Apes (2017), được thủ vai bởi Andy Serkis.
Dưới bàn tay tài năng của cặp đôi nghệ sĩ Joe Letteri và Dan Lemmon, Motion Capture làm sống động các nhân vật giả tưởng, bằng cách bắt kịp chuyển động thật của diễn viên và đưa chúng lên màn ảnh. Với vai diễn trong series bom tấn này, cái tên Andy Serkis đã trở thành huyền thoại trong lĩnh vực Mo-cap.
Cho tới thời điểm hiện tại, VFX đã hoàn thiện hơn nhiều so với trước đây và cũng trở nên phổ biến tới mức, hiếm có bộ phim nào được phát hành mà thiếu vắng công nghệ xử lý này.
Mặt trái của “công nghệ tương lai”
Mở ra một chương mới cho lịch sử điện ảnh, điều đó không đồng nghĩa với việc VFX sẽ luôn tạo ra thiện cảm với khán giả. Xa rời những lợi ích đem lại cho tác phẩm, việc sử dụng thiếu hiệu quả hay lạm dụng VFX đôi khi trở nên “phản tác dụng”, khiến cho giá trị của bộ phim xuống cấp một cách thảm hại.
Bom tấn "World War Z" bị "cha đẻ dòng phim zombie" George Romero đánh giá thấp.
Thực tế, có khá nhiều bộ phim, thậm chí là bom tấn đình đám, đã vướng phải những lùm xùm tranh cãi xung quanh việc sử dụng kỹ xảo điện ảnh này.
Với kinh phí sản xuất lên tới hơn 200 triệu USD, World War Z (2013) là bộ phim chuyển thể thành công về mặt phòng vé với cốt truyện hấp dẫn. Mặc dù vậy, việc lạm dụng CGI khiến bom tấn kinh dị của tài tử Brad Pitt trở nên phi logic, làm giảm tác dụng giải trí đem tới cho khán giả.
Đạo diễn nổi danh George Romero chia sẻ với The Hollywood Reporter: “Cảnh tượng về một đám đông zombie điên cuồng càn quét thị trấn trên kịch bản nghe có vẻ khá tuyệt, nhưng khi được chuyển thể thành phim, kết quả lại trở nên xa vời.''
Thật không may, bộ phim đã loại bỏ hầu hết chi tiết thông minh của cuốn sách để chuyển sang một bộ phim zombie tầm thường. Đáng buồn hơn là thực tế là các hiệu ứng kỹ xảo tệ đến mức nực cười, đặc biệt là những thây ma chuyển động lảo đảo ngớ ngẩn.
The Mummy của Brendan Fraser cũng là một thương hiệu phim đầy hứa hẹn, nhưng thời điểm Mummy Returns (2001) ra mắt màn ảnh rộng, sự lôi cuốn và kịch tính của phim cuối cùng đã bị chôn vùi bởi hiệu ứng VFX tệ hại.
"Các cảnh chiến đấu của phim được dàn dựng tốt và rất thú vị. Đáng tiếc là, biên kịch kiêm đạo diễn Steven Sommers đã sử dụng các hiệu ứng kỹ xảo trông giống như “nhựa” ở hầu hết cảnh phim. The Scorpion King nhìn như một phản diện trong trò chơi điện tử rẻ tiền thay vì một trùm cuối đáng gờm trên màn ảnh rộng”, tờ Common Sense đánh giá.
Chất lượng đồ họa tệ hại khiến cho Mummy Returns mất điểm trong lòng khán giả hâm mộ.
Gần đây nhất, một trong những phim doanh thu cao nhất năm nay - Thor: Love and Thunder - liên tục bị khán giả chỉ trích vì chất lượng VFX thảm hại so với số tiền làm phim khổng lồ của series bom tấn siêu anh hùng. Chính sự cẩu thả của đội ngũ xử lý hậu kỳ khiến người xem cảm thấy bị hụt hẫng, thất vọng sau khoảng thời gian dài chờ đợi phim công chiếu.
Nhà phê bình Mike Terpstra cho rằng, bên cạnh NSX và đạo diễn, khán giả cũng phải chịu trách nhiệm, vì chính họ là người bỏ tiền mua vé ủng hộ những tác phẩm như vậy. Việc dễ dãi trong thưởng thức nghệ thuật của người xem chính là mồi câu cho những tác phẩm thiếu đầu tư chất xám trong kịch bản, diễn xuất mà chỉ “dùng công nghệ để mua chuộc thị giác khán giả”.
Phản bác quan điểm này, Feddie Wong khẳng định thứ thực sự phá hỏng bộ phim không phải là VFX, vì từ thuở sơ khai của điện ảnh, nó đã luôn là một phần của loại hình nghệ thuật này. “Giống như mọi sự đổi mới trong điện ảnh, VFX chỉ đơn giản là một trong số hàng loạt công cụ của nhà làm phim để kể một câu chuyện. Khi kết quả cuối cùng không tốt, đó không phải lỗi của công cụ. Đó là lỗi của nhà làm phim không biết sử dụng chúng một cách khôn ngoan”.
Theo Zing