“Ối giời ơi ông Năm ơi, ông đeo khẩu trang vào đi”
Tiếng kêu thất thanh cùng tiếng xe phanh kít lại, Huệ chạy ào ra đường đưa cho người đàn ông chiếc khẩu trang vải.
“Vội quá quên mất”, ông Năm cười trừ.
Hai ngày nay, Huệ cùng vài thanh niên trong thôn Ái Văn ngồi trước nhà văn hóa phát khẩu trang và nước rửa tay khô miễn phí cho bà con xóm làng. Những người bị nhiễm và nghi nhiễm đã được chuyển đến khu cách ly. Những người còn lại được cho là chưa tiếp xúc với người bị nhiễm nên vẫn được ở lại nhưng được khuyến cáo luôn đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên.
Nhóm của Huệ túc trực cả ngày để hỗ trợ người dân trong xã. Khẩu trang và nước rửa tay khô được các nhà hảo tâm gửi tặng, đảm bảo ai cũng có để sử dụng.
Ngày đầu cách ly
Chiều 13/2, tỉnh Vĩnh Phúc quyết định cách ly phong tỏa toàn bộ xã Sơn Lôi (hơn 10.600 nhân khẩu) thuộc huyện Bình Xuyên. Nội bất xuất, ngoại bất nhập. Gia đình anh Huỳnh Hữu Tuyển là một trong số những hộ dân phải tuân thủ quy định đó.
Năm nay, sau khi nghỉ Tết, vợ chồng anh Tuyển tới thủ đô tiếp tục công việc bán hàng gần một trường học. Nhưng khi học sinh được nghỉ do Covid-19, hàng quán vắng vẻ, anh chị đành trở về quê nhà. Cô con gái đang theo học một trường đại học tại Hà Nội cũng đi đi về về vì lịch nghỉ đột xuất. Mấy ngày sau, kế hoạch phong tỏa xã được thông tin đến từng hộ dân.
Ngồi trong phòng khách, trên bàn là mấy chai nước đóng sẵn, anh Tuyển tiếp phóng viên với một tâm trạng thoải mái. “Không làm ở Hà Nội thì về đi phụ vài việc linh tinh cũng được. Đồ dự trữ có sẵn rồi. Nhà cửa cũng được phun khử trùng rồi”, người đàn ông nói.
Nhà anh Tuyển dùng nước đóng chai từ ngày dịch Covid-19 xuất hiện ở địa phương. Trừ lúc ăn cơm và tắm gội, cả nhà đều đeo khẩu trang kín mít. Các hoạt động hàng ngày vẫn diễn ra bình thường.
Còn chị Hương (vợ anh Tuyển) cùng con gái lọ mọ trong bếp chuẩn bị bữa trưa. Như chợt nhớ ra thiếu gì đó, chị tất tả xách xe đi ra khu chợ cóc gần trung tâm xã.
Trên đường ra chợ, cờ đỏ sao vàng vẫn bay phấp phới. Những cành đào bung nở trước cửa mỗi nhà nay có thêm những băng rôn, khẩu hiệu hướng dẫn cách đeo khẩu trang, mô tả triệu chứng của Covid-19 cùng nhiều khuyến cáo phòng dịch.
Hôm nay, khu chợ cũng không có gì khác biệt, những cửa hàng hoa quả, thịt lợn hết hàng từ sớm. Phía đầu chợ, quầy hàng của chị Hạnh vẫn mở cả ngày với đầy đủ các loại, tất cả đều được chị lấy từ chợ đầu mối ở Hà Nội. “Mọi người đã quá hiểu về căn bệnh cũng như cách phòng dịch nên việc buôn bán ở chợ không bị ảnh hưởng”, chị Hạnh nói khi nhặt cam cho khách.
Đối diện bên kia đường, chủ cửa hàng thịt Nam Anh ngồi chờ bán nốt vài cân giò. Tất cả thịt lợn tươi đã hết sạch. Khi cả xã bị cách ly 20 ngày, mọi người mua thịt nhiều hơn để tích trữ.
Tuy nhiên, không phải ai đi lấy hàng cũng suôn sẻ như chị Hạnh. Chị Liên, chủ quầy hoa bên cạnh, than thở: “Tôi đi lấy hàng không dám nói là người ở Sơn Lôi, sợ bị người ta xì xào. Quả thực, chúng tôi có tạo nên dịch đâu mà người ta lại nghĩ về chúng tôi như vậy”.
Người Sơn Lôi vẫn tiếp tục công việc hàng ngày. Người ra đồng cấy lúa cho vụ xuân hè, người chở từng bao cát cho kịp dựng ngôi nhà, người mua người bán nhộn nhịp cả một con đường...
Chỉ khác là bây giờ ai cũng có chiếc khẩu trang.
Người dân Sơn Lôi vẫn rủ nhau ra quán trà quen thuộc. Họ cẩn thận đeo khẩu trang khi tiếp xúc với nhau theo hướng dẫn phòng dịch.
Một buổi họp thôn Ái Văn được thực hiện sau khi có lệnh phong tỏa. Ông Nguyễn Văn Hải, trưởng thôn, đọc một bảng thông báo dài vài tờ A4 về tất cả các quy định, đặc biệt trong đó là khuyến cáo mọi người chỉ làm việc, sinh hoạt trong phạm vi xã.
Còn người dân trong thôn làm tại các công nghiệp gần đó nên tạm thời nghỉ việc, chấp hành nghiêm túc, phối hợp cùng cơ quan chức năng phòng dịch để cùng bảo vệ bản thân và cộng đồng.
Bên ngoài, nhóm của Huệ vẫn tích cực hướng dẫn bà con đeo khẩu trang và sử dụng nước rửa tay khô thường xuyên.
Không lo thiếu nhu yếu phẩm
Chiều 13/2, con đường dẫn vào trung tâm xã từ KCN Bình Xuyên bỗng nhộn nhịp hơn khi barie được dựng lên. Công an bắt đầu kiểm soát chặt những người ra vào trong xã. Muốn vào, người dân phải trình giấy tờ tùy thân. Một khi đã vào trong sẽ không được quay ra.
Vài người dân hiếu kỳ tập trung xem xét. "Từ thời cha sinh mẹ đẻ chưa bao giờ gặp cảnh tượng này", một người đàn ông chép miệng. Nhóm này nhanh chóng bị lực lượng chức năng yêu cầu giải tán, không tụ tập đông người.
Từ 13/2 đến 3/3, công an tỉnh Vĩnh Phúc bố trí lực lượng chốt chặn các lỗi ra vào xã Sơn Lôi.
Anh Nguyễn Văn Thân tất bật mang xăng từ trạm đến barie để bán cho người dân vì không ai được ra ngoài. Anh kể từ ngày làm việc ở cây xăng này, chưa bao giờ anh có hình thức bán xăng lạ lùng như thế. Bản thân anh cũng là người xã Sơn Lôi nên để tiếp tục công việc này, anh buộc phải ăn ngủ tại trạm.
Một vài người dân cũng mua thêm mì tôm, thịt trứng... để dự trữ. Chính quyền địa phương hỗ trợ mỗi người dân 40.000 đồng/ngày nếu cách ly tại nhà và 60.000 đồng/ngày đối với trường hợp cách ly tập trung.
Ngoài ra, chính quyền còn tổ chức các điểm bán hàng lưu động, đưa hàng hoá thiết yếu vào từng thôn, xóm. Người dân trong xã không quá lo lắng về việc thiếu các nhu yếu phẩm trong 20 ngày tới.
Anh Thân bán được 1 triệu tiền xăng trong 2 giờ đồng hồ.
Nhiều người tranh thủ giao hàng qua barie vì tình hình giao dịch có thể bị siết chặt trong mấy ngày tới.
Ngoài việc lập các chốt chặn để kiểm soát người ra vào, trước đó, UBND huyện Bình Xuyên đã tổ chức phun thuốc khử trùng trên toàn bộ địa bàn xã Sơn Lôi. Tuy nhiên, do địa bàn rộng lớn với diện tích 959,08 ha và gần 2.500 hộ dân, tỉnh Vĩnh Phúc đã tăng cường thêm cán bộ và máy phun thuốc của huyện Vĩnh Tường sang hỗ trợ.
Sở Y tế Vĩnh Phúc đã huy động 151 cán bộ y tế tăng cường cho 13 xã trọng điểm ở huyện Bình Xuyên.
Trong tổng số 11 ca nhiễm virus corona ở Vĩnh Phúc, đến nay đã có 7 người khỏi bệnh.
Khi được hỏi về việc tại sao không ở Hà Nội tránh dịch, anh Tuyển cười: “Chẳng biết bao giờ mới hết dịch. Còn nhà còn cửa ở đây làm sao mà không về được”.
Theo Zing