Tết 2020 vừa kết thúc một mùa ảm đạm. Số lượng phim hài giảm so với những năm trước, một số series dừng sản xuất, trong khi vài ba dự án mới, hài dân gian không hấp dẫn được khán giả.
Sự đìu hiu của phim hài Tết năm nay được cho là đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Đặc biệt, chính giới trong nghề cũng thừa nhận một trong những lý do chính khiến khán giả quay lưng là suốt thời gian dài phim hài Tết câu khách bằng cảnh nóng dung tục, nhảm nhí.
Cảnh phim của Quang Tèo và Phi Huyền Trang từng bị chỉ trích gay gắt.
Cảnh nóng từng tràn ngập làng hài như thế nào?
Trước mùa Tết 2020, cảnh nóng từng tràn ngập thị trường phim hài Tết suốt nhiều năm. Nhiều series phim bị đánh giá là lạm dụng hình ảnh hot girl khỏa thân cùng những lợi thoại nhạy cảm để câu view, thu hút khán giả.
Bản nhiều vợ của năm 2019 là một ví dụ điển hình. Phim nhận nhiều ý kiến trái chiều khi để 4 cô gái mặc trang phục hở hang từ đầu tới cuối phim, ngay cả trong những phân cảnh phải trèo đèo lội suối.
Ngoài ra, phim còn có cảnh nhân vật Ma Sình (Quang Tèo) nửa đêm hẹn hò, ôm hôn một trong 4 cô gái trẻ với nhiều góc máy cận. Lời thoại trong phim cũng bị khán giả phản ứng vì chứa nội dung dung tục, phản cảm.
Sự phản ứng của dư luận khiến diễn viên hài Chiến Thắng, nam chính của phim, khi đó phải thừa nhận rằng anh đã cả nể và không đọc kỹ kịch bản. “Tôi xin rút kinh nghiệm và cẩn thận hơn để không còn trường hợp như vậy", anh nói.
Nhưng Bản nhiều vợ không phải trường hợp duy nhất, nhiều series phim khác như Đại gia chân đất, Làng ế vợ, Tỷ phú đè đại gia… cũng từng bị phản ứng vì có nhiều cảnh quay nhạy cảm, khoe da thịt phụ nữ.
Trong đó, Tỷ phú đè đại gia thậm chí bị đánh giá như “phim khiêu dâm”, trở thành nỗi ngao ngán của không chỉ khán giả yêu mến phim hài Tết mà còn với chính giới trong nghề.
Báo chí từng tốn nhiều “giấy mực” để phê phán sự xuống cấp về chất lượng của phim hài Tết. Những tiếng cười trào phúng mất đi, trong sự khi rẻ rúng, nhảm nhí của hài lại tăng lên.
Vào thời điểm phim Tết bùng nổ cảnh nóng ở những năm trước, nhiều chuyên gia, người trong như NSND Khải Hưng, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, NSND Trung Hiếu… đều dự đoán sự lạm dụng cảnh nóng câu khách ắt dẫn đến thời điểm khán giả quay lưng với phim hài Tết.
Và thị trường phim hài Tết ảm đảm, đìu hiu, giảm số lượng, giảm lượt xem trong trong mùa Tết vừa qua được coi là câu trả lời rõ ràng nhất cho sự quay lưng của khán giả.
Phim hài từng có thời gian dài lạm dụng cảnh khoe thân.
Càng dễ dãi càng nhanh bị đào thải
“Những người có trình độ, nhận thức thấy nó lởm, nó thô bỉ, vô văn hóa thì họ sẽ không kích chuột vào đó nữa. Càng dễ dãi bao nhiêu thì càng bị đào thải nhanh bấy nhiêu. Cái gì cũng có chân giá trị của nó. Làm hài hay làm gì cũng vậy”, NSND Tự Long bình luận.
Quan điểm của NSND được nhiều người đồng tình. Nhìn thực tế ở thị trường hài có thể thấy những sản phẩm từng bị báo giới và công chúng lên án đều không có “tuổi thọ” cao.
Bản nhiều vợ, Tỷ phú đè đại gia là ví dụ. Cả hai phim hài này đều chỉ sản xuất một năm duy nhất thay vì phát triển thành những series.
Trong khi đó, một số series từng được yêu thích nhưng sau thời gian lạm dụng cảnh nóng cũng phải chọn cách dừng sản xuất hoặc chấp nhận lượt xem giảm dần qua các năm. Làng ế vợ và Đại gia chân đất là những dẫn chứng.
Những năm đầu tiên ra mắt khán giả, cả hai series là Làng ế vợ và Đại gia chân đất đều thu hút khán giả nhờ những mảng miếng hài gần gũi thông qua câu chuyện về những người nông dân đương đầu với nhịp sống hiện đại.
Nhưng bắt đầu từ những năm thứ tám, chín, cả hai series đều có nhiều cảnh nóng, nhận những phản ứng trái chiều từ khán giả, thậm chí là những “khán giả ruột”.
Kết quả, Làng ế vợ dừng sản xuất vào năm 2020 để đổi format, trong khi Đại gia chân đất năm nay cũng giảm hẳn lượt xem. Tập 1 của Đại gia chân đất 10 chỉ có 5,5 triệu lượt xem, trong khi tập 1 của Đại gia chân đất 9 là 16 triệu.
Nói như đạo diễn, NSND Khải Hưng, câu khách bằng cảnh nóng, khỏa thân hoàn toàn là một sự lỗi thời. Và khi đã chọn cách lỗi thời, ắt dẫn đến việc khán giả quay lưng. “Hài là phải có thông điệp và chỉ sống được khi có thông điệp”, đạo diễn khẳng định.
Giấc mộng quan trường được đánh giá là hài sạch nhưng kịch bản chưa đủ xuất sắc để hấp dẫn khán giả.
Lấy lại khán giả bằng cách nào?
Hài Tết năm nay được đánh giá là “sạch sẽ” hơn những năm. Tuy nhiên, như chính giới trong nghề “bắt mạch”, phim hài Tết đang bị quay lưng sau thời gian tự rẻ rúng chính mình.
Ngoài ra, việc nhiều phim hài Tết năm nay không có lượt xem cao còn xuất phát từ nguyên nhân chất lượng kịch bản hài chưa đáp ứng được yêu cầu. Trường hợp của Giấc mộng quan trường là một ví dụ.
Là một điểm sáng của phim hài Tết năm nay, Giấc mộng quan trường đả kích thói hư tật xấu của quan lại thời xưa. Phim đồng thời lồng ghép những sự kiện tiêu biểu, làm dậy sóng dư luận trong năm qua như nước bẩn tại Hà Nội, cháy nhà máy Rạng Đông, sàm sỡ trong thang máy… đến việc chạy chức chạy quyền, mua quan bán chức.
Tuy nhiên, tiếng cười trào phúng từ việc đề cập đến những vấn đề xã hội trong phim chưa đủ đặc sắc để hấp dẫn khán giả. “Phim có nhiều chi tiết hay nhưng chưa đủ duyên để tạo ra tiếng cười sáng khoải, sâu sắc”, khán giả Minh Thư bình luận.
Đồng quan điểm, tài khoản Nguyễn Tuyết chia sẻ: “Không chỉ Giấc mộng quan trường mà nhiều phim cũng cố gắng phản ảnh các vấn đề thời sự nổi cộm trong năm nhưng chưa đủ duyên và chặt chẽ”.
Cả hai tập của Giấc mộng quan trường đều không đạt được 1 triệu lượt xem là một tiếc nuối cho sự trở lại của hài dân gian trong dịp Tết vừa qua. Tập 1 của phim chỉ có hơn 700.000 nghìn lượt xem, trong khi tập 2 giảm còn hơn 300.000 nghìn lượt.
Đạo diễn Trần Bình Trọng thừa nhận phim hài Tết năm 2020 không thu hút khán giả như những năm trước. Nhưng anh cũng cho rằng hiện phim hài Tết đã qua thời hoàng kim. Khán giả giờ có thể xem hài quanh năm trên Internet, không nhất thiết phải chờ đợi đến Tết mới được xem hài, do vậy, thể loại giải trí này không còn đắt giá như trước.
Song, nhiều ý kiến cho rằng Tết vẫn luôn là thời điểm vàng để phát hành những sản phẩm hài miễn là chất lượng sản phẩm đủ hấp dẫn để níu chân khán giả.
Theo Zing