Trong xã hội hiện đại, tư tưởng trọng nam khinh nữ đã được đẩy lùi khá nhiều. Tuy nhiên, vẫn còn có những gia đình bị tư tưởng cổ hũ này ăn sâu vào suy nghĩ, quyết ép vợ sinh con trai nối dõi cho bằng được. Nhiều người vẫn điềm nhiên cho rằng con trai mới là con mình còn con gái là "vịt giời", lớn lên sẽ bay đi.
Cũng vì tư tưởng lạc hậu này mà nhiều cô gái phải khốn khổ trên màn ảnh. Chỉ vì sinh ra là con gái trong một gia đình trọng nam khinh nữ, các cô bé này phải sống trong thân phận một đứa con trai một thời gian dài hoặc bị chính người thân hắt hủi. Người phụ nữ mang thai con gái cũng bị người thân hạch sách đủ điều.
Vì bà nội, mẹ ép con gái phải hứa sống trong thân phận một đứa con trai
Vừa đi vừa khóc là bộ phim truyền hình lấy đi nhiều nước mắt của khán giả bởi Đông Dương (Minh Hằng) từ bé đến lớn đều không được sống đúng với giới tính của mình.
Bà nội nhất quyết ép bố mẹ Dương phải sinh con trai vì không đẻ được con trai nối dõi tông đường là bất hiếu. Vì sinh đến 6 cô con gái, mẹ đã bắt Dương phải giả trai để che mắt bà nội. Trước khi mất, mẹ ép Dương phải hứa sẽ tiếp tục sống trong thân phận con trai.
Từ khi Dương sinh ra, mọi người bịa chuyện không hợp tuổi nên chỉ bố mẹ và chị cả được nhìn thấy cơ thể của Dương nên cô bé trót lọt giả dạng con trai thành công. Dù vậy, từ khi Dương về sống cùng với bà nội vì bố mẹ mất, bà luôn nghi ngờ Dương ái nam ái nữ vì ngoại hình không được cơ bắp. Bà bắt Dương phải tập thể hình, chạy bộ, làm việc nặng nhọc của con trai trước sự kiểm soát và chứng kiến của bà.
Bà còn bắt Dương lấy Thêu (Nhã Phương) – cô bé hàng xóm xinh đẹp, chăm chỉ. Cuộc sống giả trai khiến Dương mệt mỏi. Nhưng mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn khi người đàn ông của đời cô xuất hiện.
"Chúng con là lũ vịt giời. Bé thì ăn hại, lớn thì bay đi"
Tư tưởng trọng nam khinh nữ trong phim Thương nhớ ở ai đã trở thành chủ đề nóng khiến mọi người bình luận rôm rả trong năm 2017.
Ông Bánh (NS Minh Đức) tuy là người đàn ông có vị thế cao trong làng do vai vế trong dòng họ nhưng lại phải chịu sự bỉ bai, chê trách vì không đẻ được con trai. Cảm thấy mất tự trọng, ông trút giận lên vợ và các con gái của mình. Cứ mỗi bữa cơm, ông lại bắt các con phải đọc đồng thanh câu vè: "Chúng con là lũ vịt giời. Bé thì ăn hại, lớn thì bay đi".
Không những khinh thường con gái, ông Bánh còn có nhân tình và có với bồ một đứa... con gái. Bao năm lén lút, ông Bánh cứ nghĩ rằng bà Bánh (NSND Thanh Ngoan) không biết mình ngoại tình. Nhưng thực ra, bà biết hết mọi chuyện nhưng vì thấy có lỗi vì không sinh được con trai nên đành ngậm ngùi cho chồng kiếm nhân tình. Bà còn bắt các con hát câu vè "vịt giời" để cho ông Bánh vui lòng.
Bà nội trở mặt vì sinh con gái, mẹ đẻ liền coi con mình như kẻ thù
Gạo nếp gạo tẻ là phim Việt gây ức chế nhất màn ảnh. Trong đó, bà Mai (NSND Hồng Vân) khiến nhiều khán giả ghét cay ghét đắng vì đối xử không tốt với Hương (Lê Phương). Bà luôn đứa ghét đứa thương, thiên vị vô lý Hân (Thúy Ngân) nhưng lại cay nghiệt với Hương.
Thậm chí, Hương còn phải bỏ dở việc học đại học để nhường cơ hội cho em gái và chú mình. Cô còn bị mẹ miệt thị hết mức vì "ăn cơm trước kẻng" với Công (Hoàng Anh).
Khán giả đều thắc mắc sao bà Mai lại có thể tàn tệ với đứa con gái mình mang nặng đẻ đau tới thế. Hóa ra, nguyên nhân là vì lúc mang thai Hương, bà Mai được cả nhà hết mực cưng chiều, đặt kỳ vọng sẽ là một đứa con trai.
Tuy nhiên, khi biết bà Mai mang thai con gái đầu lòng, bà nội đã trở mặt. Không chỉ bạc đãi con dâu, bà nội còn lấy lại hết mọi thứ đã từng tặng. Trước sự hắt hủi của bà nội, bà Mai ghét lây cả Hương vì cho rằng cô là con gái nên bà mới khổ như vậy.
Mang thai con gái thì đau cái gì!
Về nhà đi con hiện đang là bộ phim được khán giả yêu thích và quan tâm bậc nhất hiện nay. Ông Sơn (NSƯT Trung Anh) khiến khán giả vừa ghét vừa thương. Bởi sau cái chết của vợ, ông đã thay đổi và "gà trống nuôi con" suốt nhiều năm.
Tuy nhiên, trong quá khứ, ông Sơn không phải một người chồng tốt. Vì vợ mang thai con thứ 3 vẫn là con gái, ông luôn nặng nhẹ không vui. Thấy vợ đau bụng, ông Sơn còn thản nhiên cho rằng mang thai con gái thì đau gì, phải đến lúc trong bụng có bé trai thì đạp mới đau. Xong ông đi nhậu cùng bạn bè.
Cuối cùng, vợ ông Sơn trở dạ được 2 cô con gái đưa vào viện. Tuy nhiên, bác sĩ chỉ cứu được con, mẹ không qua khỏi còn ông Sơn vẫn đang ngồi trên bàn nhậu mà chẳng biết gì.
Vợ chết, ông Sơn suy sụp một thời gian dài, ghét lây cả đứa con gái nên đặt tên cô bé là Dư - như một thứ gì đó dư thừa. Ông bà thương cháu gái mới sinh đã mất mẹ nên đưa về nuôi, yêu thương hết lòng và đổi tên lại là Ánh Dương.
Ánh Dương lớn lên là con gái nhưng tình tình lại chẳng khác gì con trai. Cô đánh nhau, chơi game, ăn mặc cá tính và mạnh mẽ. Tuy nhiên, trong sâu thẳm Dương luôn thấy tổn thương vì cho rằng bố ghét mình. Cũng vì những tính cách khác người của Dương mà ông Sơn đang dần nhận ra những sai lầm của mình, từng bước học cách làm bố để đưa lại ngôi nhà hạnh phúc cho các con.
Sinh ra cùng ngày cùng tháng cùng năm, cùng một mẹ nhưng con trai mới là con
Con trai con gái là bộ phim remake từ Son and Daughter của Hàn Quốc được sản xuất năm 1993. Xoay quanh đề tài trọng nam khinh nữ - một đề tài đã khá cũ nhưng Con trai con gái vẫn tạo nên một dòng cảm xúc mới trong phim truyền hình Việt qua diễn xuất của NSƯT Kim Xuân và nữ diễn viên trẻ Midu.
Ông Tư Phú là con trai độc nhất trong nhà nên luôn phải chịu áp lực lớn từ việc sinh con nối dõi. Vậy nhưng, phải đến lần sinh thứ 5, bà Tư Phú (NSƯT Kim Xuân) mới sinh đôi được một trai, một gái là Lục Bình (Midu) và Thiên Phúc.
Vốn chịu ảnh hưởng từ nhà chồng, cộng với tư tưởng miệt thị và độc đoán vì bị ức chế, bà Tư Phú chỉ dành tình thương cho đứa con trai mà quên mất cô chị song sinh với nó. Dần theo năm tháng, tư tưởng “nam tôn nữ ty” trong bà càng lớn, trong mắt bà chỉ có Thiên Phúc, còn Lục Bình giống như cái bóng thừa thãi trong chính ngôi nhà của mình.
Việc các nhà làm phim Việt lựa chọn đưa tư tưởng cổ hủ trọng nam khinh nữ lên sóng giúp mọi người có cái nhìn nghiêm túc, văn minh hơn. Khi khán giả bức xúc, tức giận với tư tưởng phân biệt đối xử bất công giữa con trai và con gái thì cái nhìn của mọi người giữa đời thực cũng sẽ thay đổi.
Xã hội ngày càng phát triển, văn minh, con trai hay con gái càng ngày càng được nuôi dưỡng bằng tình yêu thương. Đối với cha mẹ, chỉ cần con cái có thể lớn lên khỏe mạnh, bình an và hạnh phúc chính là niềm hạnh phúc nhất.
Theo Thoidaiplus.giadinh.net.vn