Lễ hội Thanh Minh đã bắt đầu tại Trung Quốc và các nước châu Á có nhiều người Hoa sinh sống như Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia. Năm nay, Lễ hội Thanh Minh bắt đầu vào ngày 5/4 và sẽ kéo dài trong 3 ngày. Ảnh: Reuters.
Lễ hội Thanh minh bắt nguồn từ thời Xuân Thu (thế kỷ 7 trước Công nguyên) ở Trung Quốc. Vua Tấn Văn Công, nước Tấn, gặp loạn phải bỏ nước lưu vong, lương thực cạn, một tùy tùng là Giới Tử Thôi lén cắt một miếng thịt đùi mình nấu lên dâng vua. Vua ăn xong hỏi ra mới biết, đem lòng cảm kích vô cùng. Giới Tử Thôi phò tá Tấn Văn Công trong mười chín năm, cùng nhau trải nếm bao nhiêu gian truân nguy hiểm. Ảnh: Reuters.
Khi giành lại ngôi vua, Tấn Văn Công mời Giới Tử Thôi ra làm quan, nhưng người tùy tùng năm xưa quyết không chịu và đưa mẹ già lên núi ở ẩn. Nhà vua ra lệnh phóng hỏa ngọn núi, nhằm ép Giới Tử Thôi phải xuống núi phụng mệnh, kết cục 2 mẹ con Giới Tử Thôi chết trong đám cháy. Sau này, khi nhà vua quay lại ngọn núi, ông phát hiện có những cây liễu đã hồi sinh từ đám cháy. Từ đó, nhà vua đặt ra lệnh chỉ ăn đồ ăn lạnh vào ngày 3-5/3 Âm lịch (Tết Hàn Thực), và ngày sau Tết Hàn Thực là Tết Thanh Minh. Ảnh: AFP.
Tại Trung Quốc cũng như nhiều quốc gia châu Á, tảo mộ là phong tục quan trọng nhất trong thời gian tiết Thanh Minh. Trong ngày này, người dân tới thắp hương, dọn cỏ, sửa sang lại phần mộ của tổ tiên, người thân. Đồ ăn, thức uống mà người quá cố từng yêu thích cũng được bày biện trong lễ cúng tại mộ phần của người đã khuất. Ảnh: AFP.
Ngày nay, hỏa táng đã dần thay thế cho việc chôn cất truyền thống, phong tục tảo mộ cũng dần đơn giản hơn so với trước đây. Người dân thường chỉ mang hoa và trái cây tới thắp hương, cầu khấn trước mộ của người đã khuất. Trong ảnh, một khu nghĩa trang rộng 20 ha ở ngoại ô thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AFP.
Hóa vàng là một phong tục phổ biến đã có từ lâu tại Trung Quốc và các quốc gia Đông Á khác trong tiết Thanh Minh. Ảnh: AFP.
Thanh Minh không chỉ là thời gian để tưởng nhớ người đã khuất, đây còn là lễ hội để người dân tận hưởng sự tươi mới của thiên nhiên, khi vạn vật đâm chồi nảy lộc. Du xuân trong tiết Thanh Minh có lịch sử từ đời nhà Đường (618-907). Trong ảnh, một phụ nữ Trung Quốc du xuân với bộ đồ truyền thống ở Tô Châu. Ảnh: Reuters.
Thả diều và thả đèn trời cũng là những hoạt động phổ biến trong lễ hội Thanh Minh. Người Trung Quốc cho rằng diều và đèn trời khi được thả theo gió trời sẽ giúp mang đi tất cả bệnh tật và vận hạn trong cuộc sống. Trong ảnh, người dân tại Hắc Long Giang tham gia thả diều trong ngày Thanh Minh. Ảnh: AFP.
Theo Zing