Một ngày nọ đầu năm 1988, Martin Pistorius khi đó chỉ mới 12 tuổi, xin phép giáo viên được về nhà sớm vì bị đau họng. Thế nhưng, tình trạng ngày một xấu đi khi cậu bé ngừng ăn uống, bắt đầu ngủ nhiều hơn, đồng thời dần suy giảm khả năng đi lại, trí nhớ và cuối cùng là mất cả ý thức lẫn hành động. Thời điểm ấy, các bác sĩ không thể đưa ra nguyên nhân chính xác của căn bệnh mà Martin mắc phải nhưng nhiều người cho rằng cậu bé đã mắc bệnh viêm màng não. “Họ bảo chúng tôi rằng hãy đưa thằng bé về nhà và chăm sóc nó đến cuối đời” – cha của Martin nghẹn ngào nhớ lại giây phút ông và gia đình như rơi xuống vực sâu khi đón nhận thông tin ấy.
Ảnh gia đình cuối cùng trước khi Martin (thứ hai từ phải sang) mắc căn bệnh lạ (Ảnh: dailymail)
Một vài năm sau đó, Martin bắt đầu hồi phục ý thức về mọi thứ xung quanh song lại không thể nói hay thể hiện bất cứ điều gì với mọi người. Anh cố gắng di chuyển cơ thể nhưng tất cả đều không có tác dụng. Martin bồi hồi nhớ lại khoảng thời gian kinh khủng nhất của cuộc đời mình:
“Tôi bị mắc kẹt trong chính cơ thể của mình. Nỗi sợ lớn nhất của tôi là sự cô đơn. Nghe có vẻ buồn cười vì dù xung quanh luôn có rất nhiều người nhưng tôi vẫn cảm thấy đơn độc. Trong suốt nhiều năm, tôi chẳng khác gì một con ma. Tôi có thể nghe và nhìn thấy tất cả nhưng đối với thế giới bên ngoài, tôi như người vô hình bởi không ai biết được rằng tôi đang sống trong một cơ thể đã chết.
Martin mắc kẹt trong cơ thể của chính mình (Ảnh:dailymail)
Cha của Martin luôn ở cạnh con trai trong suốt thời gian ấy (Ảnh: dailymail)
Mỗi ngày, cha đưa tôi đến trung tâm điều trị trong 8 tiếng. Sau đó, ông đưa tôi về nhà, tắm và cho tôi đi ngủ. Thời gian đó không khác gì cực hình, tôi sống mà như đã chết, cảm giác tất cả mọi việc trong cuộc sống của mình đều bị điều khiển và quyết định bởi người khác. Từ việc ở đâu, ăn gì đến ngủ tư thế nào, tôi cũng không thể làm theo ý muốn.
Tôi đã quen với việc sống trong tâm trí của mình. Hàng nghìn cuộc trò chuyện giữa tôi và những người xung quanh đều được diễn ra trong đầu tôi. Tôi bắt đầu chú ý đến việc thời tiết thay đổi, quan sát cây cối trong vườn… và rất nhiều thứ trên đời để không cảm thấy thời gian trôi qua quá chậm và nỗi đau cũng bớt dày vò mình hơn.
Điều khiến tôi đau lòng nhất không phải là việc bản thân phải chịu đựng căn bệnh này mà gia đình tôi, những người tôi yêu thương cũng vô cùng vất vả vì nó. Tôi nhớ có đêm, khi đang ngồi cạnh, mẹ tôi nói bà muốn tôi chết đi. Dù nghe được từng câu từng chữ nhưng tôi không hề cảm thấy đau lòng bởi mẹ đã dành cho tôi quá nhiều tình yêu thương và lòng vị tha. Dù rất ít khi thể hiện nhưng mẹ tôi luôn tự trách bản thân vì đã không thể chăm sóc cho tôi tốt hơn. Mỗi lúc như thế, tôi chỉ muốn hét lên rằng: “Không, mẹ đã làm tất cả những điều tuyệt vời nhất cho con”.
Tôi cứ sống như thế cho đến năm 2001, đúng 13 năm sau tôi phải sống như một “cái xác không hồn”, một nhân viên tại trung tâm chăm sóc đã phát hiện ra những cử động nhỏ của tôi. Nhờ đó, các bác sĩ đã bắt đầu tiến hành một số bài kiểm tra mắt và may mắn nhận được kết quả khả quan. Ngay khi biết được thông tin ấy, mẹ tôi đã quyết định từ bỏ công việc, ở bên cạnh dạy tôi làm quen với chương trình máy tính để cải thiện khả năng giao tiếp trong suốt 2 năm ròng rã.
Trải qua nhiều biến cố, Martin đã hồi phục như một phép màu và gặp được một nửa của đời mình (Ảnh: dailymail)
Suốt đời này, tôi vẫn không thể nào quên được khoảnh khắc tôi có thể nói với mẹ rằng mình muốn ăn mì Ý. Tôi bắt đầu học lại tất cả mọi thứ bao gồm cả việc đọc và cách giao tiếp với mọi người. Sau đó không lâu, tôi có thể tự đi lại bằng xe lăn, lái xe ô tô và ghi danh vào một trường đại học nghiên cứu về khoa học máy tính. Hiện tại, tôi đảm nhận vị trí thiết kế web của một công ty công nghệ và phát hành cuốn tự truyện về cuộc đời mình mang tên Ghost boy.
Tôi có một cuộc đời khác hoàn toàn với tất cả mọi người nhưng nghĩ theo hướng tích cực, tôi rất biết ơn điều đó. Giờ đây, tôi đã gặp được Joanna và đang tận hưởng từng ngày hạnh phúc với gia đình nhỏ của mình. Thật tuyệt biết bao khi có những người yêu thương luôn ở bên cạnh chia sẻ và trân trọng mọi điều đơn giản nhất trong cuộc sống”.
Theo Trí Thức Trẻ