Sau ngày đất nước thống nhất, ba có một đôi lần ra Bắc, nhưng vì hoàn cảnh gia đình hai bên nên ba và mẹ tôi chia tay. Sau này mẹ tôi đi bước nữa, dượng tôi là bờ vai để mẹ con tôi có một cuộc sống bình yên và trọn vẹn, và cũng chính dượng là người đã đi tìm người cha đẻ cho tôi sau những năm dài xa cách...

Tranh minh họa: Internet
Tranh minh họa: Internet

Ký ức về ba

Má tôi là một nữ sinh Trường Trung cấp Sư phạm Hưng Yên. Trước lúc lên đường vào Nam, ba dặn má tôi cứ yên tâm, ngày thống nhất đất nước ba sẽ ra đón má con tôi về mũi Cà Mau nơi sinh trưởng của ba.

Do yêu cầu của nhiệm vụ, ba má tôi không được thư từ cho nhau, thỉnh thoảng có người ra Bắc, ba chỉ nhắn nhủ được đôi lời.

Sau ngày thống nhất đất nước, ba tôi được xe tuyến đưa từ Nam ra miền Bắc và ba má tôi đã được ở bên nhau một thời gian. Nhưng gia đình tôi lại phải chịu cảnh chia ly. Do bà nội tôi thì quen sống ở miền biển, còn bà ngoại lại không muốn ly hương. Tha thiết mời nội ra Bắc thì nội không ưng. Khẩn khoản rước ngoại vào Nam thì ngoại không chịu. Lúc này, tàu xe đi lại rất khó khăn, ba tôi đã 5 lần ra Bắc, má con tôi cũng vào Nam tới 3 lần. Má tôi đã nhờ Hội đồng nhà trường và bà con cô bác vận động ngoại, nhưng tất thảy đều không thành công.

Vì chữ hiếu, ba má tôi đành ngậm ngùi chia tay, mặc cho những kỷ niệm thân thương ngủ yên trong dĩ vãng. Càng lớn, tôi càng mặc cảm, tủi hờn vì “con không cha”. Má tôi cũng nhiều đêm nước mắt ướt đẫm gối, âm thầm chịu đựng nhưng nhất định không cho tôi biết địa chỉ của ba. Bẵng đi đến ba năm, ba tôi lại ra Bắc hai lần nữa. Cả hai đều khát khao đến cháy bỏng được sống bên nhau. Nhưng rồi má tôi lại thêm lần nữa giàn giụa nước mắt tiễn ba lên máy bay. Ba ôm chặt tôi định đưa tôi vào cùng nhưng má tôi không đồng ý, nên đành để tôi ở lại. Từ ấy, ba con tôi tưởng không có ngày gặp lại.

Niềm vui trở lại với má

Mấy năm sau, theo thỏa thuận của má, ba tôi xây dựng gia đình với một người bạn cùng công tác nội đô năm xưa.

Có đến mười năm sau, một nhà giáo góa vợ đến đặt vấn đề với má tôi. Nhưng má tôi đã nhiều lần khước từ! Do ngoại và họ hàng cùng bạn bè đều vun vén nên má tôi mới chịu nhận lời.

Dượng tôi có bốn người con, hai anh lớn đã yên bề gia thất. Con gái thứ ba và con gái út vẫn sống cùng dượng.

Má dẫn tôi về nhà dượng, tôi ngơ ngác, ấm ức và bẽ bàng trước sự thay đổi đột ngột này. Từ đây, tôi hòa nhập trong căn nhà bé nhỏ tại một thị xã heo hút với năm nhân khẩu cùng đồng lương hưu khiêm nhường của hai nhà giáo.

Vào ngày giỗ, Tết, khi hai anh lớn của dượng dẫn vợ con về thì cả nhà rộn rã niềm vui và đầy ắp tiếng cười. Riêng tôi thì vẫn cảm thấy lạc lõng dù dượng thương tôi như con đẻ. Tôi được học đại học như bốn anh chị con của dượng. Tôi không nhớ rõ từ lúc nào, tôi gọi dượng là bố và các thành viên trong nhà cũng gọi má tôi là mẹ.

Sau khi tốt nghiệp, tôi đi làm được hai năm thì cơ quan đưa vào đối tượng phát triển Đảng và yêu cầu khai lý lịch. Tôi hỏi má về ba, bà bảo chỉ biết ba là người miền Nam. Trong khi tôi đang chới với về thông tin của ba thì dượng bảo sẽ đi tìm được ba cho tôi. Nhiều ngày dượng phờ phạc bởi phải đạp lóc cóc trên chiếc xe đạp cũ tìm lại thông tin về ba cho tôi. Nhưng do chiến tranh đã trôi qua, cơ quan cũ của ba tôi đã giải thể, nhiều người vào Nam hoặc đã không còn nữa nên cuộc tìm kiếm cũng khó khăn hơn.

Thế rồi, trời đã chẳng phụ người có lòng tốt, dượng đã tìm được người thủ trưởng cũ của ba, nhưng cũng chỉ biết nơi đầu tiên ba tôi làm việc. Có ngày dượng tôi bỏ cả nghỉ trưa, đêm đêm thức rất khuya để ghi chép vào quyển sổ tay chi chít các địa chỉ, danh bạ của những người đã ra nước ngoài.

Tôi nghĩ, dượng khó mà kham nổi số tiền điện thoại tăng vọt và sức khỏe cũng suy giảm! Cảm động trước tấm lòng của dượng, tôi đã van nài dượng dừng lại. Nhưng dượng nói: “Bố sẽ có tội với con và không thể nhắm mắt khi chết, nếu không tìm được ba của con”. Cuối cùng, dượng cũng liên lạc được với ba tôi.

Một buổi tối cuối đông, sau khi cơm nước xong dượng đưa điện thoại cho tôi và bảo tôi: “Con nghe đi! Ba con đấy!”. Tôi đã khóc nấc! Má tôi cũng rút khăn ra lau nước mắt. Đã lâu lắm rồi, đây là giây phút hạnh phúc nhất của đời tôi.

Dượng đặt hai tấm vé máy bay khứ hồi lên tay tôi và bảo, bố đã xin cơ quan cho hai vợ chồng tôi nghỉ phép để vào Cà Mau. Bố cũng đã điện cho ba con từ Cà Mau ra sân bay Tân Sơn Nhất đón các con.

Khi loa gọi lên máy bay, tôi òa khóc và ngả vào lòng dượng. Chắc chắn khi máy bay cất cánh, dượng tôi vẫn nhìn theo. Mừng mừng, tủi tủi, ba con gặp nhau theo sự bố trí rất chu đáo của dượng. Tôi kể cho ba tôi nghe quá trình dượng tìm ba cho tôi. Nước mắt tràn bờ mi, ba nói: “Dượng là người quá tốt”.

Rồi ba kể cho chúng tôi nghe về quãng thời gian sau này của ba. Do bị địch bắt bớ tù đày dã man nên ba và dì tôi không có con. Nội tôi cũng đã qua đời.

Dì tôi kể, ba tôi vẫn để dành của hồi môn cho tôi và có quà riêng cho má. Ba trăn trở mãi, do tuổi cao, sức yếu, bệnh tật nên vẫn chưa ra Bắc được. Nay vợ chồng tôi vào, ba hứa sẽ ra Bắc để cảm ơn dượng.

Tôi định chỉ kể chuyện này cho các con tôi khi chúng lớn, nhưng vì lòng kính trọng dượng cứ thôi thúc tôi viết ra. Tôi đinh ninh trong dạ, suốt đời biết ơn những người thân của mình. Tôi đặc biệt chịu ơn dượng. Từ đáy lòng mình tôi coi ông như người cha thực sự, người cha tốt nhất của đời tôi.

Đây là câu chuyện có thật, nhưng bởi sự nhạy cảm và tế nhị, tôi xin được giấu tên những người trong chuyện.

Theo Gia đình & Xã hội