Căn bệnh hiểm nghèo có thể cướp đi sinh mạng của đứa con, nhưng vẫn còn đó tình yêu, sự hy sinh vô bờ bến của người mẹ. Cho dù giờ đây, con đã mãi ở một nơi rất xa, nhưng mọi người vẫn luôn nhớ về con bằng những kí ức đẹp nhất...
Chia sẻ nghẹn ngào của người mẹ trước sự ra đi của đứa con trai bé bỏng
Giấy vào viện và chẩn đoán của bác sĩ về căn bệnh của bé - (Nguồn: Facebook N.T.P.)
Theo Trí Thức Trẻ
Đó là câu chuyện của chị N.T.P.. Những ngày này, chị đang phải chịu mất mát quá lớn sau sự ra đi của đứa con trai chỉ mới 4 tuổi. Bé được bác sĩ ở Bệnh viện Nhi trung ương chẩn đoán bị virus lạ tấn công toàn cơ thể dẫn đến tổn thương cơ tim. Rồi như vòng quay số phận, chỉ trong vòng 2 tuần, tử thần đã mãi mãi cướp bé đi khỏi vòng tay của anh chị. Những dòng chia sẻ như cứa vào tim của chị khiến cho những ai biết đến câu chuyện của bé đều nghẹn ngào không kìm nổi nước mắt.
"Mẹ biết sư tử xanh Zinba của mẹ rất dũng cảm, con đang giằng co sự sống với tử thần... Nhưng con yên tâm, bố mẹ ông bà và tất cả mọi người đang kéo con trở về trong tình thương yêu của người thân, của những người thương mến con", người mẹ nhớ lại những ngày tháng đấu tranh giành lại sự sống của con trai mình. Bé đã ra đi, nhưng người ở lại phải chịu mất mát quá lớn.
Nhớ lại những ngày tháng cùng con đấu tranh với bệnh tật, từ khi phát hiện bệnh cho tới ngày con ra đi, cùng với những kỉ niệm ngày con còn khỏe mạnh khiến cho tim người mẹ quặn thắt:
"Đầu tiên là con có triệu chứng cảm lạnh không sốt nhưng mệt. 11h đêm thứ 5 ngày 26/6, bố mẹ mang con vào viện xét nghiệm máu và nước tiểu nhưng không tìm ra bệnh. Bác sĩ bảo con bị sốt virus triệu chứng giảm nhiệt. Đêm đó về đến nhà con vẫn bắt bố mẹ và con chơi oẳn tù tì, ai thua phải thơm người thắng.
Sáng thứ 6 mẹ xúc cho con ăn hết bát cháo, con rất hợp tác còn giục bố mua trà gừng theo đơn bác sĩ kê để uống cho tăng huyết áp. Bố mẹ yên tâm đi làm để ông bà chăm con. 3 giờ chiều mẹ nóng ruột về thì thấy con mệt không ngồi dậy được. Mẹ lại nịnh xúc hết bát cháo Linh Hoa cho con và ép con uống đường Gluco cho khỏi bị lả vì đói. Tối con ăn tiếp cháo và uống sữa 3 lần. 11 giờ con kêu đau bụng, mẹ bảo con cố ị đi vì không ị 4 ngày rồi. Con nhất định không ị. 12 giờ con kêu đau bụng quá, mẹ tưởng bị giun hoặc đau ruột thừa. Tiếp tục đưa con vào viện đêm thứ 6.
Mẹ nhớ như in lúc đó là 12 rưỡi đêm. Mẹ, bà nội và bố đưa con đi, con cứ kêu con đau bụng quá. Vào đến khoa cấp cứu, các bác sĩ tiến hành sơ cứu cho con thì con sợ hãi, con khóc ôm chặt mẹ nói mẹ hôn con đi, mẹ yêu con đi, con thương mẹ lắm. Đến giây phút nguy hiểm đến tính mạng mà con vẫn một lòng yêu thương mẹ. Mẹ nhớ như in hình ảnh 2 mẹ con mình hôn nhau ở phòng cấp cứu.
1 giờ sáng thứ 7, bác sĩ thông báo con bị virus lạ tấn công toàn cơ thể và gây tổn thương cơ tim. 3 giờ sáng thứ 7, bác sĩ trưởng khoa hồi sức cấp cứu thông báo gia đình chuẩn bị tâm lý con sẽ ra đi trong đêm. 11 giờ trưa thứ 7, bác sĩ cho bố mẹ vào nhìn mặt con, nhìn cảnh con ngưng tim và sùi bọt mép mà bố mẹ chỉ biết khóc và niệm Phật. Miệng mẹ cứ lẩm bẩm lạy Mẹ Quan Âm cứu vớt con trai con. Con trai dũng cảm lắm, con đừng bỏ bố mẹ.
15 giờ chiều thứ 7, bác Lan mang kết quả xét nghiệm chỉ số bội nhiễm của con là 3,575,000 trong khi người bình thường chỉ số dưới 24. Mẹ không thể nào quên cảnh ông ngoại bật khóc khi biết nhịp tim của con vẫn 220-230 suốt một đêm. Mẹ bị ám ảnh bởi dáng đi xiêu vẹo của ông bà nội, cảnh ông nội đứng nhìn trân trân qua cái lỗ bé tí ở cửa phòng cấp cứu lúc 12 giờ trưa ngày 27/6 và nói rằng bác sĩ đang lau mặt cho con, một lúc sau ông lại bảo bác sĩ đang thay quần áo cho con. Mẹ bị hoảng loạn khi bà ngoại và bà nội ôm nhau khóc trong vô vọng. Lúc ấy mẹ chỉ biết gọi cho sư Thầy nhờ Thầy niệm Phật gia trì cho con.
17 giờ cùng ngày, bác sĩ tiến hành lọc máu cho con nhưng nhịp tim của con vẫn 220. 19 giờ, bác sĩ Tuấn và cả ekip tiến hành lắp máy tim phổi nhân tạo ECMO cho con. Trước khi lắp máy, bác sĩ bảo đây là phương án cuối cùng và rất nguy hiểm vì đường máu của con sẽ đưa ra ngoài để nhờ máy lọc, bơm máu và nuôi cơ thể. Bố con cầm bút ký cam đoan mà rơi vì bác sĩ bảo chạy ECMO rất lo ngại, 5 trường hợp chạy thì 4 tử vong.
Mẹ thì chẳng còn thần trí nữa. Mẹ đánh cược với số phận, với thần chết. Mẹ một lòng ngày đêm tụng kinh, sám hối, niệm Phật. Ngưỡng mong Chư Phật thương xót ra tay cứu độ. Mẹ thực sự suy sụp hoàn toàn khi trưa chủ nhật ngày 28/6 mẹ mơ thấy con về thơm mẹ và nói tạm biệt mẹ, mẹ nhớ tu tập cho tốt. Con chạy máy ECMO trong 3 ngày không có tiến triển vì nhịp tim vẫn 190. Đến ngày thứ 4 (1/7) đúng ngày sinh nhật mẹ, buổi trưa mẹ vào bảo con là hôm nay sinh nhật mẹ, con nhớ cùng mẹ thổi nến ăn bánh gato nhé thì nhịp tim đang từ 170 xuống 140 trong vòng 5s. Tim mẹ vỡ oà.
Thứ ba, ngày 7/7, bác sĩ cài ECMO vì con có dấu hiệu tăng huyết áp lên 150. Tim vẫn 150. Thứ 4 (8/7), bác sĩ thông báo nhịp tim con 180-190. Chụp citi não con bị phù 2 bên. Và giờ đây thì nhịp tim con đang dần giảm với các chỉ số tịnh tiến mức bình thường nhưng huyết áp lại thấp.
Mẹ biết sư tử xanh Zinba của mẹ rất dũng cảm, con đang giằng co sự sống với tử thần, với các oan gia trái chủ đang lôi kéo con. Nhưng con yên tâm, bố mẹ ông bà và tất cả mọi ng đang kéo con trở về trong tình thương yêu của người thân, của những người thương mến con. Chư Phật luôn ở bên con gia trì cho con trai và tất cả các em bé ở Bệnh nhi Trung ương này.
Hàng ngày mẹ vẫn ra nhà tâm linh ở bệnh viện tụng kinh. Mẹ rất sợ chuông điện thoại của khoa HSCC khi nói muốn gặp mẹ. Mẹ vui mừng phát khóc khi bác sĩ nói mua sữa, bỉm thuốc cho con. Mẹ đau khổ cùng cực khi bác sĩ bảo con sẽ bị thần kinh hoặc sống thực vật. Nhưng ngay sau đó mẹ nghĩ rằng con trai mẹ sẽ vượt qua. Trời Phật đang thử thách 2 mẹ con và gia đình ta. Chúng ta cùng nhau vượt qua thử thách lớn nhất này con yêu nhé. Chắc chắn điều diệu kỳ sẽ đến và Phật pháp nhiệm màu lắm. Trong lúc hoạn nạn, Mẹ đã ngộ ra nhiều điều trân quý.
Tất cả đều Chân Như con à. Và 1 tiếng KHÔNG thiêng liêng trong Phật Pháp và rất đời.
Mẹ nguyện hi sinh tính mạng, trí tuệ, trái tim yêu thương, trí óc của mẹ dành cho con, bình an quay về bên bố Anh Khoa và gia đình trai yêu nhé!".
Hình ảnh chị N.T.P và con trai 4 tuổi - (Ảnh: Facebook N.T.P).
Tâm sự của người mẹ khiến nhiều người phải rơi nước mắt. Kể cả người thân trong gia đình hay những ai chưa từng một lần gặp đứa bé cũng đều đồng cảm và gửi tới gia đình những lời chia sẻ chân thành nhất.
Thành viên H.G. - một người hàng xóm của gia đình xúc động nhớ lại những khoảnh khắc và kỉ niệm với cậu bé ngoan ngày còn sống: "Bác ngồi đây, vẫn bần thần nhớ đến con, cậu bé nhỏ xíu hay cười và mỗi lần bác đến nhà là lại ăn thêm thìa cơm để chứng tỏ con ăn rất giỏi. Cuộc sống là vậy, sống và chết là một phần của cuộc sống cũng giống như hơi thở và thức ăn vậy. Con à, con hãy nhẹ nhàng ra đi bình an con nhé, mong con sớm được siêu sinh, biết đâu đó trong cuộc sống này nếu có duyên con và bác sẽ lại gặp lại nhau. Cái chết là bắt đầu của sự sống, bác sẽ không khóc mỗi khi nhớ đến con bác sẽ chỉ nhơ đến nụ cười hạnh phúc của con. Bình An con nhé…"
"Con yêu, thương con quá, cô đọc lại những dòng này của mẹ con, thật sự cảm thấy con quá dũng cảm, con hãy yên nghỉ nhé, gia đình, bố mẹ, ông bà cả cô chú bác dì cũng yêu con nhiều lắm...", một người bạn cũng gửi lời an ủi tới gia đình.
Dù không quen biết, những thành viên H.N. cũng tỏ ra xúc động khi biết được câu chuyện đau lòng. Chị chia sẻ mất mát với gia đình: "Đọc những dòng nhật ký của bạn, nhìn ảnh con mà xót xa rơi nước mắt. Nỗi đau quá lớn đối với gia đình bạn và đặc biệt là một người mẹ. Chân thành chia sẻ với bạn và chúc bạn sẽ vượt qua giai đoạn này".
Được biết, sau nhiều ngày cứu chữa, cháu bé đã không qua khỏi. Ngày 22/7 vừa qua, gia đình đã tổ chức tang lễ cho bé tại Bệnh viện 19-8 (Hà Nội). Hiện giờ cả hai bố mẹ bé đều vẫn chưa ổn định được tinh thần trước mất mát quá lớn vì sự ra đi đột ngột của đứa con trai mới 4 tuổi.
Chị P.N. (dì ruột của cháu bé) cho biết, đến giờ gia đình vẫn chưa thể tin được vào sự thật này. Theo chị chia sẻ, cháu bé bị virus lạ tấn công nhưng cho đến thời điểm này các bác sĩ vẫn chưa thể tìm ra được nguồn gốc của căn bệnh.
"Qua đây hi vọng các bà mẹ có con nhỏ nên cẩn trọng hơn với các triệu chứng của con nhỏ để đề phòng và không để xảy ra những hậu quả đáng tiếc như với trường hợp của gia đình tôi", chị P.N. cảnh báo.