Nếu đã từng có dịp đến Thái Lan, hẳn bạn sẽ hiểu những chú voi có vai trò quan trọng thế nào đối với ngành du lịch của quốc gia này.

Tại đây, cưỡi voi lúc nào cũng là một trong những dịch vụ hút khách bậc nhất. Vì ai mà không muốn được một lần cưỡi trên lưng sinh vật khổng lồ, vĩ đại như vậy. Đó có lẽ là một trải nghiệm chẳng ai có thể quên.

Có điều, mặt trái của ngành dịch vụ này là câu chuyện thật sự khiến bạn rơi nước mắt.

Voi không tự nhiên hiền lành như vậy đâu!

Đầu tiên, có thể khẳng định không một chú voi hoang dã nào để con người cưỡi lên cả. Bản chất của voi cũng không hề hiền lành, thậm chí là khá hung dữ, nên việc tiếp cận một chú voi hoang dã có thể khiến bạn... lên trên như chơi.

Vì thế, muốn "được" phục vụ cho con người, voi phải bị thuần hóa ngay từ khi mới lọt lòng mẹ. Và con người đã làm điều đó bằng một quá trình được gọi là Phajaan - phá hủy (the crush).

Voi bị nhốt và đánh đập chỉ sau vài tháng kể từ khi lọt lòng mẹ

Thứ bị phá hủy ở đây chính là linh hồn, là tinh thần của voi. Nhân vật đáng thương đầu tiên ở đây là voi mẹ, bị cướp con chỉ sau vài tháng. Còn voi con, chúng sẽ bị nhốt trong những không gian cực kỳ chật hẹp, như chuồng, hoặc giam dưới một cái hố để không thể di chuyển.

Hàng ngày, voi con được hưởng một chế độ "chăm sóc đặc biệt": chỉ toàn... roi và gậy. Người quản tượng bạo hành chúng, đâm vào da thịt chúng một dụng cụ đặc biệt được gọi là bullhook - thanh kim loại có 2 ngạnh sắc nhọn ở đầu giống như sừng bò. Voi con cũng thường xuyên bị bỏ đói, và thậm chí bị ngăn không cho ngủ trong nhiều ngày.

Thứ người đàn ông này đang cầm trên tay chính là bullhook

Quá trình này sẽ được lặp đi lặp lại, với mục đích hoàn toàn triệt hạ tính kháng cự của voi. Chúng sẽ học được cách sợ con người, và buộc phải phục tùng chúng ta dựa trên nỗi sợ đó.

Cuộc sống khổ đau kéo dài 365 ngày mỗi năm...

Sau khi được thuần hóa, voi sẽ bị bắt phải tập luyện diễn trò để thu hút du khách: từ việc cho cưỡi, tung hứng, đến quỳ lạy bên đường chúng cũng phải làm.

Nhưng thậm chí cả lúc đó, việc đối xử với voi cũng không hề khá hơn. Những người ở trại voi vẫn bạo hành chúng bằng bullhook, dù tần suất ít hơn. Tất cả là để duy trì nỗi sợ của voi, và bóc lột sức lao động của chúng.

Những chú voi sẽ bị ép buộc phải làm việc kể cả khi vết thương còn rỉ máu, khiến
tỉ lệ nhiễm trùng tăng cao.


Điều này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của voi, đồng thời khiến cho khả năng tái hòa nhập khi thả về tự nhiên gần như không còn.

Để vẽ được như thế này, chú voi phải chịu cực kỳ nhiều đau đớn

Hơn nữa, ít người hiểu được rằng việc cưỡi lên lưng voi sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cột sống của chúng.

Nếu chỉ 1 người ngồi lên thì không sao, nhưng nếu cưỡi theo đoàn sẽ có tác động xấu, vì cấu tạo xương sống của voi không hề phù hợp cho việc cưỡi.

Và cũng chẳng con voi nào tự nhiên làm được trò này. Chúng chỉ sợ bullhook mà thôi

Và những hậu quả đau lòng

Bạn biết đấy, voi không bao giờ quên. Khi đã khắc vào đầu chúng nỗi sợ về con người, hình ảnh đó sẽ vĩnh viễn không mất đi.

Vì sống trong nỗi sợ hãi quanh năm, sự dồn nén quá lâu đã khiến rất nhiều trường hợp voi hóa điên, quật chết quản tượng, và chạy ra đường phá phách.

Với nỗi sợ sẵn có, chúng sẽ nhìn con người như kẻ thù, tấn công tàn phá bất cứ thứ gì có thể, để rồi chết trong làn mưa đạn của chính những kẻ đã hủy hoại chúng.

Những vụ việc kinh hoàng xảy ra khi voi hóa điên, để lại hậu quả bi đát cho cả người lẫn vật

Có thể lấy ví dụ như trường hợp đau lòng của một du khách người Scotland vào tháng 1/2016 tại đảo Koh Samui.

Con voi trong một phút điên loạn đã hất anh xuống, giẫm đạp, dùng ngà húc anh đến chết, rồi sau đó chạy thẳng vào rừng. Dù sau đó con voi đã bị bắn chết, nhưng đây vẫn là lời cảnh tỉnh không thể rõ ràng hơn đối với con người.

Gareth Crowe - du khách xấu xố người Scotland bị voi giẫm chết tại Koh Samui

Mà không chỉ ở Thái Lan, một số rạp xiếc trên thế giới vẫn duy trì việc huấn luyện voi bằng cách bạo hành, để rồi xảy ra thảm hoạ.

Như tại Missouri (Mỹ) năm 2014, có tới 3 con voi đột nhiên hóa điên, giật đứt dây trói và tháo chạy vào thành phố. Dù không gây thiệt hại về người, nhưng chúng cũng kịp phá vài chục chiếc xe trước khi quản tượng có thể kiểm soát tình hình.

Lựa chọn nằm ở bạn!

Sử dụng voi để phục vụ con người thực ra đã xuất hiện ở nhiều nước tại Đông Nam Á từ hàng trăm năm trước. Có điều vấn đề nằm ở chỗ, ngày nay chúng ta đang sử dụng voi chỉ để giải trí, và điều này được nhiều người đánh giá là thiếu tính nhân văn.

Hơn nữa, cũng chính những người đã từng cưỡi voi đều trả lời rằng, nếu họ biết voi bị đối xử như vậy, họ sẽ không bao giờ trải nghiệm dịch vụ cưỡi voi cả.

Voi phải làm việc ngay cả khi vết thương còn đang rỉ máu

Cùng với nạn săn trộm, chính những hành vi đối xử thiếu tính nhân văn đã khiến số lượng voi trên thế giới nói chung và tại Thái Lan nói riêng sụt giảm nhanh chóng.

Thống kê, năm 1990 tại Thái Lan có khoảng 400.000 con voi, trong đó 100.000 cá thể được nuôi dưỡng bởi con người. Còn đến năm 2013, số lượng chỉ còn chưa đầy 6.000 con, mà hơn 4.000 cá thể ở trong môi trường nuôi nhốt.

Nhiều tổ chức trên thế giới đã phải vào cuộc như PETA - Tổ chức Bảo vệ Quyền lợi Động vật đã thực hiện một số chiến dịch kêu gọi sự phản đối về việc sử dụng động vật để giải trí.

Ở Thái thì có WFFT (Wildlife Friends Foundation Thailand) - tổ chức được lập ra với mục đich cứu rỗi số phận của những chú voi đáng thương.

Tại đây, voi sẽ tận hưởng cuộc sống tự do đúng nghĩa lần đầu tiên sau một thời gian dài chịu đựng sự tra tấn. Chúng cũng sẽ được chăm sóc kỹ lưỡng trước khi trả về thiên nhiên hoang dã để... làm lại cuộc đời.


Tuy nhiên, ngành dịch vụ cưỡi voi không hề có dấu hiệu suy giảm ở nhiều nước trên thế giới. Bởi nó luôn là một trong những dịch vụ thu hút khách du lịch nhiều nhất, đem lại nguồn thu không hề nhỏ.

Còn bạn, bạn nghĩ sao về vấn đề "dạy voi" này. Hãy để lại bình luận dưới đây nhé!

Theo Tri thức trẻ