Một trong những điểm du lịch mới nổi trên mạng xã hội đang hấp dẫn du khách trẻ tới trải nghiệm ở Quảng Đông phải kể tới cây cầu hình bàn tay khổng lồ.

Cầu hình bàn tay ở Trung Quốc gây liên tưởng cầu Vàng Việt Nam-1
Du khách tạo dáng trên cầu bàn tay ở Trung Quốc (Ảnh cắt từ clip).

Công trình nằm trong khu danh thắng thuộc hẻm núi Cổ Long ở thành phố Thanh Viễn, tỉnh Quảng Đông. Ngay sát cầu bàn tay là công trình "bậc thang lên thiên đường" với kết cấu thép, dài 20m, cao 16m. Bậc thang sơn màu xanh xám vươn thẳng lên trời.

Theo mô tả của công ty thiết kế, cây cầu bàn tay lấy cảm hứng của đài sen. Du khách bước lên bậc tam cấp, dựa vào lan can, ngồi vào lòng bàn tay như tòa sen và nhìn ra thế giới khoáng đạt xung quanh phủ đầy thảm thực vật như để "gột rửa" sạch bụi trần, thỏa mãn ước mơ hòa mình với cây cỏ.

Cầu hình bàn tay ở Trung Quốc gây liên tưởng cầu Vàng Việt Nam-2
Cầu thang lên thiên đường là điểm đến được nhiều du khách trẻ tới "sống ảo" (Ảnh: News).

Hai hạng mục này đã mở cửa đón khách một thời gian, nhưng chỉ khi đoạn video ghi cảnh du khách "sống ảo" được chia sẻ lên mạng xã hội thu hút hơn 200 triệu lượt xem, kéo theo hàng chục nghìn người đến đây mỗi ngày.

Nhiều người sẵn sàng chờ hàng giờ xếp hàng để bước chân lên "bậc thang thiên đường" hoặc ngồi vào lòng bàn tay khổng lồ trên cầu.

Cầu hình bàn tay ở Trung Quốc gây liên tưởng cầu Vàng Việt Nam-3
Bên dưới bàn tay khổng lồ có lưới chắn an toàn (Ảnh: News).

Do cây cầu được thiết kế hình bàn tay màu vàng khiến nhiều người liên tưởng tới Cầu Vàng ở Đà Nẵng. Trước đó, một cây cầu khác có tên Tiên Thủ ở tỉnh Phúc Kiến, từng gây xôn xao dư luận khi được thiết kế khá tương tự.

Đó là cây cầu nằm lơ lửng trên vách đá với trụ đỡ được xây hình bàn tay khổng lồ. Sau đó, công trình xác nhận kỷ lục Guinness thế giới là "Tác phẩm điêu khắc tạo hình tay Phật lớn nhất thế giới" với tổng chi phí 16 triệu tệ (gần 53 tỷ đồng).

Cầu hình bàn tay ở Trung Quốc gây liên tưởng cầu Vàng Việt Nam-4
Cầu Tiên Thủ ở Trung Quốc (Ảnh: Sohu).

Các kỹ sư thiết kế cho biết, công trình được lấy cảm hứng từ một câu chuyện dân gian địa phương về truyền thuyết người con trai lên núi lấy thuốc chữa bệnh cho mẹ nhằm ca ngợi lòng hiếu thảo.  

Theo Dân Trí