1. Cầu Đan Dương - Côn Sơn (Trung Quốc): Dài 102 dặm (tương đương 164,8 km), cầu Đan Dương được coi là cây cầu cạn dài nhất thế giới. Công trình này tiêu tốn 6,5 tỷ bảng Anh (gần 180 nghìn tỷ đồng) và khoảng 10.000 người để xây dựng trong bốn năm. Cầu nối Thượng Hải với Nam Kinh, thủ phủ của tỉnh Giang Tô.
2. Cầu cạn Millau, Pháp: Vượt cả chiều cao tháp Eiffel hùng vĩ, cầu cạn Millau của Pháp hiện giữ danh hiệu cây cầu cao nhất thế giới - 343 m. Cây cầu đi vào hoạt động năm 2004, nằm ở Thung lũng Tarn giữa Clermont-Ferrand, Béziers và Narbonne. Khách tham quan có thể đi xuồng phía dưới để chiêm ngưỡng vẻ đẹp cây cầu.
3. Cầu cạn Ribblehead, Bắc Yorkshire: Gồm 24 vòm đá và ở độ cao 32m trên vùng đất hoang, cầu Ribblehead là một trong những minh chứng rõ nhất về kỹ thuật xây dựng từ thời Victoria ở Anh. Được xây dựng từ năm 1870 đến năm 1874, cây cầu được xếp hạng bảo tồn cấp 2 vào năm 1988. Ribblehead tạo nên một phần của tuyến đường sắt Settle-Carlisle đẹp như tranh vẽ, cây cầu này nằm giữa núi Three Peaks, trên biên giới Cumbria và Yorkshire.
4. Cầu Vasco da Gama, Bồ Đào Nha: Vasco da Gama nối miền Bắc và miền Nam Bồ Đào Nha và là cầu dài nhất châu Âu. Cây cầu này được đặt tên theo nhà thám hiểm Bồ Đào Nha. Cầu trải dài theo sông Tagus và người ta không thể đi bộ được qua cây cầu này vì sức gió lên tới 155mph.
5. Cầu Bắc Bàn Giang (Trung Quốc): Cầu Bắc Bàn Giang còn được gọi là Cầu Ni Châu Hà cao 560m, từng giữ kỷ lục cây cầu cao nhất thế giới cho đến năm 2016. Cầu nằm ở ranh giới giữa 2 tỉnh Vân Nam và Quý Châu, và nằm trên thung lũng sông Bắc Bàn. Gần gấp đôi chiều cao của cầu Shard ở London, cây cầu tốn 88 triệu bảng (tương đương 150 triệu USD) để xây dựng.
6. Cầu Vàng, Việt Nam: Kể từ khi đón khách du lịch vào tháng 6 năm nay, Cầu Vàng dài 150 m của Việt Nam đã trở thành một điểm thu hút khách du lịch. Nằm trên đỉnh núi gần thành phố Đà Nẵng, cây cầu đặc biệt được thiết kế trông như thể nó đang được giữ bởi đôi bàn tay khổng lồ.
7. Cầu Pont du Gard Aqueduct, Pháp: Chắc chắn đây là cây cầu lâu đời nhất trong danh sách này. Pont du Gard Aquaduct là một công trình La Mã được xây dựng vào thế kỷ thứ 1 sau Công nguyên. Ban đầu, cầu được thiết kế nhằm cung cấp nước cho thành phố Nime và hệ thống dẫn nước 3 tầng này cao 50m. Được xây dựng từ đá vôi mềm, màu vàng, cây cầu kỳ vĩ này được chính phủ Pháp công nhận là di tích lịch sử năm 1840.
8. Cầu Cổng Vàng, Mỹ: Đây được xem là cây cầu nổi tiếng bậc nhất thế giới. Cầu Cổng Vàng, biểu tượng của San Francisco, được khánh thành hồi năm 1937. Cầu được sơn màu cam, và lễ khánh thành cầu là sự kiện kéo dài 1 tuần. Cây cầu này không chỉ nổi tiếng về kỹ thuật xây dựng mà còn nổi tiếng vì có gần 1.700 người nhảy cầu tự tử từ năm 1937 đến nay. Cầu được làm lưới thép treo 6m bên dưới lối đi bộ nhằm ngăn chặn tình trạng tự tử.
9. Cầu Hartland/ New Brunswick, Canada: Được mở cửa vào năm 1901, cây cầu có mái che dài nhất thế giới này được tuyên bố là Di tích Lịch sử Quốc gia vào năm 1980. Cây cầu một chiều này được làm mái che vào năm 1921-1922 bất chấp sự phản đối của người dân địa phương, họ lo ngại việc che cầu sẽ cổ súy cho những hành động không hay của giới trẻ. Năm 1995, cây cầu này đã được tôn vinh trên một bộ tem của Canada.
10. Cầu Eshima Ohashi, Nhật Bản: Nếu chỉ nhìn ảnh chụp cây cầu Eshima Ohashi, nhiều người sẽ lầm tưởng đây là một đường đua ôtô. Nhưng bạn "không thể đánh giá cuốn sách chỉ qua cái bìa", cây cầu tưởng chừng cực kỳ dốc này chỉ có độ dốc 6,1%. Cầu Eshima Ohashi nối Matsue và Sakaiminato là cây cầu khung cứng lớn nhất tại Nhật Bản.
Vẻ đẹp của Cầu Vàng được khen ngợi như bước ra từ phim 'Chúa tể của những chiếc nhẫn'.
Theo Ione