'Cậu Vàng': Khi tác phẩm văn học nổi tiếng bị cải biên quá đà

Tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ “Lão Hạc” của nhà văn Nam Cao đã phóng tác thêm quá nhiều tình tiết khiến giá trị của câu chuyện gốc không còn.

Cậu Vàng là bộ phim gây bão ngay từ ngày công bố dự án bởi những lùm xùm quanh việc cho chó Shiba của Nhật đóng vai chính. Thế nhưng, bỏ ngoài những mâu thuẫn trên, phim vẫn khó ghi điểm khi thêm thắt, sửa đổi quá nhiều nguyên tác khiến kịch bản trở nên rối rắm, hời hợt.


Trailer phim

Giống với truyện ngắn, nội dung Cậu Vàng vẫn xoay quanh Lão Hạc (Viết Liên) và chú chó tên Vàng do con trai lão là Cò (Doãn Hoàng) để lại sau khi vào Nam làm phu cao su. Anh bỏ đi vì trót gây sự với Lý Cường (Will) và mong muốn kiếm đủ tiền để chuộc người yêu Cải (Bích Ngọc) - vốn phải làm người ở cho nhà Bá Kiến (NSƯT Hữu Châu) vì thiếu nợ.

Nghe đồn đất nhà Lão Hạc có “Long Mạch”, tay bá hộ ra sức chèn ép buộc ông lão phải bán đất cho mình. Bá Kiến cùng con trai Lý Cường thông đồng với Binh Tư (Phương Nam) – một tay giang hồ mới đi tù về để phá mảnh vườn nhà Lão Hạc. Vì quá nghèo, lão đành phải cắn răng bán đi con chó cưng để giữa lại căn nhà cho cậu con trai chưa biết khi nào về.

Cậu Vàng: Khi tác phẩm văn học nổi tiếng bị cải biên quá đà-1

Điểm cộng nhờ bối cảnh

Điểm nhấn của Cậu Vàng chính việc tái hiện hình ảnh làng quê Bắc Bộ vào thập niên 1930-1940. Cánh đồng lúa bạt ngàn bên con sông uốn lượn hay lũy tre làng cùng những căn nhà lá lụp xụp đúng như trong tưởng tượng của nhiều người khi đọc những câu văn của Nam Cao. Ê-kíp chủ động dùng tông màu sáng và nhiều góc quay toàn cảnh để tôn vinh vẻ đẹp của nước nhà.

Cậu Vàng: Khi tác phẩm văn học nổi tiếng bị cải biên quá đà-2

Những môn nghệ thuật dân gian như ca trù, múa rối nước hay hát đối đáp, trêu ghẹo nhau giữa các bên trai gái cũng xuất hiện vô cùng sống động. Song, đối nghịch với cảnh thiên nhiên tươi đẹp ấy là cuộc sống cùng cực của người dân khi bị áp rất nhiều thứ sưu thuế. Gái thì phải làm vợ lẽ, người hầu, trai thì liều mạng vào Nam làm phu cao su dù biết “đi dễ khó về”.

Quan quân cũng tranh thủ đút túi riêng từ tình tới tiền để thỏa mãn dục vọng. Những kẻ giàu có như Bá Kiến thì nghĩ ra đủ mọi chiêu trò để hạch sách nạn nhân. Chúng gán cho họ những tội danh vô lý đến mức khó tin nhưng không ai phân xử. Giới trí thức như ông giáo cũng phải bán cả sách quý mới có thể giúp người và chỉ có thể kêu gào trong vô vọng.

Cậu Vàng: Khi tác phẩm văn học nổi tiếng bị cải biên quá đà-3

Phóng tác quá xa nguyên tác "Lão Hạc"

Được làm để tri ân NSND Bùi Cường nên Cậu Vàng mang nhiều nét giống với Làng Vũ Đại Ngày Ấy (1982) – tác phẩm kinh điển gom cả ba đầu truyện Sống Mòn, Lão HạcChí Phèo của Nam Cao. Nhân vật Binh Tư được xây dựng nhiều đất diễn hơn và tính cách khá giống với Chí Phèo.

Không những thế, phim còn kéo thêm ra cả câu chuyện nhà Bá Kiến với những mâu thuẫn của vợ cả (NSƯT Chiều Xuân), vợ hai (Khánh Huyền) và vợ ba (Băng Di). Song, sự sáng tạo này tỏ ra quá lố khiến nội dung phim thành thảm họa. Phim Cậu Vàng chuyển thể từ truyện Lão Hạc nhưng chẳng ai trong số hai cái tên trên là nhân vật chính.

Cậu Vàng: Khi tác phẩm văn học nổi tiếng bị cải biên quá đà-4

Trên thực tế, cả hai chỉ xuất hiện đâu đó trong phim qua một vài phân cảnh mà hầu hết đều y hệt như các đoạn trích trong sách giáo khoa. Trong khi đó, nội dung phim hầu như tập trung vào câu chuyện nhà Bá Kiến. Nhân vật vợ ba thông minh, “tranh sủng” đầu phim bỗng nhiên trở thành người tốt với câu chuyện quá khứ đẫm nước mắt.

Lý Cường gian ác, mê đá gà và chẳng thích gái chỉ vì ôm tương tư một người nào đó. Cải thì thay vì làm vợ lẽ người ta nay làm người hậu cho bà ba và âm mưu giúp cô trốn thoát. Quá nhiều tuyến nhân vật khiến mọi thứ trong Cậu Vàng trở nên rời rạc và rối rắm. Tác phẩm chẳng có đủ thời lượng để phát triển nhân vật một cách đàng hoàng.

Binh Tư thay đổi tâm tính một cách nhanh chóng và dễ dàng mà chẳng nhờ tới bát cháo hành. Những khổ cực của lão Hạc xuất hiện chủ yếu qua lời than vãn chứ chẳng thể nhìn thấy một cách rõ nét. Mọi thứ cứ thể diễn ra một cách nhàn nhạt, không có mâu thuẫn nào thật sự bùng nổ hay đau đớn như truyện ngắn.

Cậu Vàng: Khi tác phẩm văn học nổi tiếng bị cải biên quá đà-5

Kết phim khiến mọi người khó hiểu khi đi quá xa so với tinh thần gốc. Đành rằng đạo diễn Nguyễn Vũ Thủy muốn đưa đến cái kết có hậu hơn nhưng lại khiến mọi thứ trở nên quá đỗi dễ dàng. Việc biến cậu Vàng trở thành “siêu khuyển” không chỉ phi lý mà thậm chí còn hơi phản cảm.

Nỗi thất vọng mang tên cậu Vàng

Sở hữu toàn những tên tuổi gạo cội của điện ảnh Việt, diễn xuất trong Cậu Vàng là tương đối tốt. Những cái tên như Viết Liên, NSƯT Hữu Châu, NSƯT Chiều Xuân,… đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tuy nhiên, tuyến nhân vật trẻ hơn như Cải và Cò lại chưa thật sự tốt. Đặc biệt, Will đóng vai phản diện không khiến người xem ghét mà chỉ thấy hài hước.

Cậu Vàng: Khi tác phẩm văn học nổi tiếng bị cải biên quá đà-6

Song, điểm yếu nhất của dàn diễn viên lại đến từ cái tên được chăm chút nhất là cậu Vàng. Ê-kíp từng nói rằng việc chọn chó Shiba để có thể đủ thông minh thực hiện những cảnh quay khó. Tuy nhiên, cậu Vàng trong phim hóa ra chẳng có quá nhiều đất diễn. 

Tương tác của chú chó này và lão Hạc cũng rất gượng gạo. Khán giả khó lòng mà cảm nhận được tình cảm thân thương của cả hai khi cậu Vàng chỉ biết đi tới đi lui. Cuối cùng, yếu tố gây cảm động quan trọng không đủ sức nặng khiến mọi thứ đều chơi vơi.

Nhìn chung, Cậu Vàng là một bộ phim chỉn chu nhưng sự phóng tác quà đà đã khiến nội dung trở nên hời hợt, đáng quên.

Xuân Vũ
Theo Vietnamnet

 


Cậu Vàng phim chiếu rạp

Tin tức mới nhất