Không ở nơi nào những hành động ấu trĩ và vô nghĩa được yêu thích nhiều như trên mạng xã hội.

Chính sự ủng hộ này đã trở thành nguyên nhân khiến nhiều bậc cha mẹ sẵn sàng đem con mình ra làm trò đùa.

“Sharenting”, thuật ngữ mô tả việc các bậc cha mẹ chia sẻ nội dung riêng tư về con mình trên Internet, đã được sử dụng và xem xét dưới góc nhìn đạo đức và an toàn mạng nhưng ít được quan tâm theo góc độ ảnh hưởng tới tâm lý trẻ em.

Cha mẹ dọa ma con cái như thú vui trên TikTok-1
Trong khi nhiều người cảm thấy thích thú, những đứa trẻ bị đem ra đùa không hề cảm thấy thoải mái. Ảnh: PhillyVoice.

Niềm vui của người lớn, nỗi buồn của trẻ con

Tiến sĩ Lin Hong-hui, nhà tâm lý học lâm sàng tại The Psychology Atelier, giảng viên tại Đại học Công nghệ Nanyang, đã đưa ra một ví dụ về hành vi này. Một đứa bé tươi cười vui vẻ khi thổi một bông bồ công anh.

Cha hoặc mẹ chúng thấy cảnh đó dễ thương nên lấy điện thoại ra và bắt đứa bé thực hiện lại một lần nữa để đăng lên mạng xã hội. Vậy điều đáng nói ở đây là gì?

Cô phân tích rằng những đứa trẻ luôn hành động một cách tự nhiên và ngây thơ. Chúng thể hiện sự tò mò và mong muốn khám phá thông qua trực giác, và những hành động đó luôn đáng yêu trong mắt các phụ huynh.

Tuy nhiên, ngày nay, họ không chỉ còn đơn thuần hưởng thụ niềm vui đó mà còn muốn khoe niềm tự hào của mình bằng việc ghi hình và chia sẻ những khoảnh khắc lên mạng.

Điều đáng quan tâm không phải tính đúng sai mà là việc mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái đang ngày càng phụ thuộc vào mạng xã hội.

“Nhiều phụ huynh chỉ thể hiện sự vui vẻ bằng cách này. Vô tình, họ khiến đứa trẻ nghĩ rằng mình phải ‘diễn’ để nhận được sự quan tâm và yêu thương.

Một khi thông điệp này đi vào tiềm thức của trẻ, nó có thể dẫn tới sự hiểu sai và khiến chúng không tin vào thứ gọi là tình yêu vô điều kiện”, Lin cho biết.

Cha mẹ dọa ma con cái như thú vui trên TikTok-2
Những đứa trẻ có thể mất niềm tin vào cha mẹ khi không nhận được sự quan tâm đúng mức. Ảnh: CNA.

Theo cô, giá trị của trẻ con được xây dựng dựa trên tình yêu và sự công nhận. Một đứa trẻ tốt không chỉ bởi chúng biết cách hành xử ngoan ngoãn hay luôn trong trạng thái tích cực.

Nếu sự vui vẻ của cha mẹ luôn gắn liền với những điều kiện này, đứa trẻ có thể cảm thấy không đủ tốt nếu thể hiện đúng cảm xúc của mình.

Một câu chuyện có thể là sự xấu hổ trong trường hợp chỉ có số ít những người thân quen biết nhưng nó có thể biến thành sự sỉ nhục khi bị công khai.

Xem lại những tình huống xấu hổ của con em mình có thể khiến nhiều người lớn cảm thấy thích thú, nhưng đứa bé, sau khi có nhận thức về vấn đề đó, thì không.

Việc tiếp xúc thường xuyên với mạng xã hội cũng sẽ hình thành ấn tượng của trẻ với cuộc sống. Chúng có thể tự đánh giá giá trị của bản thân dựa trên cái nhìn của người khác từ những lời bình luận hay lượt thích ở các bài đăng.

Lớn lên trong sự lo âu

Trò chơi khăm sử dụng hiệu ứng ma quỷ trên TikTok đã từng trở thành trào lưu được nhiều phụ huynh tham gia.

Đứa bé bị nhốt trong một căn phòng với chiếc điện thoại có một bóng ma xuất hiện trên màn hình. Một số em cảm thấy thích thú nhưng cũng có rất nhiều em la hét, hoảng loạn và cố gắng để thoát ra.

Nhiều người xem cũng cảm thấy khó chịu và không thấy sự hài hước từ những video này. Trào lưu này bởi vậy nên cũng nhanh chóng bị dập tắt.

“Trẻ cần được hỗ trợ tinh thần khi bị hoảng sợ, nhưng khi cha mẹ lại đang quay phim thay vì giúp con, họ sẽ giống như người ngoài cuộc, một khán giả đứng xem.

Điều này sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của con cái đối với họ. Một đứa trẻ đang không vui, lúng túng hay xấu hổ sẽ cần cha mẹ tới vỗ về chứ không phải ghi hình lại”, Lin chia sẻ.

Cha mẹ dọa ma con cái như thú vui trên TikTok-3
Cảm xúc của trẻ cần được thấu hiểu nhiều hơn để có thể phát triển tốt về mặt tâm lý. Ảnh: CNA.

Cô cho rằng sự thấu hiểu là khi phụ huynh hiểu được cảm xúc của con và biết nên làm gì theo cảm xúc đó.

Khi chính những người được cho là an toàn nhất lại trở thành ngọn nguồn của nỗi sợ hãi sẽ làm ảnh hưởng đến lòng tin của đứa trẻ vào người khác cũng như vào giá trị của chính mình.

“Việc cha mẹ thường xuyên làm ngơ hoặc hiểu sai mong muốn của con sẽ dấy lên sự nghi ngờ trong chúng”, cô bày tỏ.

Đứa trẻ sẽ thấy thiếu an toàn nếu sự quan tâm của cha mẹ trở nên khó đoán. Chính điều đó sẽ tác động xấu tới cách chúng đối diện với các mối quan hệ và thách thức khi lớn lên.

“Đăng bài lên mạng xã hội mà không nghĩ ngợi là việc bình thường, thế nhưng hãy dừng lại một chút trước khi nhấn nút chia sẻ.

Thử nghĩ đến trường hợp bị ai đó quay lại và chia sẻ video về mình. Hãy tự hỏi xem liệu việc chia sẻ video đó có thật sự cần thiết hay những khoảnh khắc này có cần phải công khai không”, Lin nói.

Theo Zing