Năm 365 trước công nguyên, mẹ của triết gia vĩ đại người Trung Quốc - Mạnh Tử chuyển nhà 3 lần để đảm bảo con trai có môi trường học tốt nhất.

Câu chuyện từ hơn nghìn năm trước là minh chứng tiêu biểu cho nỗi lo lắng chưa bao giờ vơi bớt của phụ huynh Trung Quốc về chuyện học hành của con cái.

Theo thời gian, mức độ đầu tư cho chuyện học tập của con ở đất nước tỷ dân càng tăng mạnh, nhất là những gia đình khá giả. Các bậc cha mẹ coi đó là việc tất yếu, xuất phát từ quan niệm đứa trẻ đại diện cho tương lai của cả gia đình, dòng họ.


Với các bậc phụ huynh ở Trung Quốc, việc đầu tư cho vấn đề học hành của con là điều tất yếu. Ảnh: SCMP.

Cho con du học, đăng ký vào những trường nước ngoài danh giá, giới nhà giàu Trung Quốc không tiếc điều gì, miễn sao các cậu ấm, cô chiêu được hưởng điều kiện tốt nhất.

Họ không ngần ngại chi bộn tiền để tậu những ngôi nhà tiện nghi tại vị trí thuận lợi để đảm bảo con cái không phải vất vả đến trường.

Zing.vn trích dịch bài đăng trên báo Straits Times, đề cập đến xu hướng giới nhà giàu Trung Quốc chạy đua cho con du học, đồng thời bỏ ra số tiền "khủng" để mua nhà gần trường.

Chi hàng trăm nghìn USD mua nhà cho con

Sally Wang, người có kinh nghiệm 10 năm làm việc trong lĩnh vực bất động sản tại London (Anh), đang tận dụng mọi cách thuyết phục một cặp vợ chồng trẻ người Trung Quốc bỏ ra 4 triệu bảng Anh để tậu nhà, phục vụ cho việc đi học của cậu con trai 4 tuổi.

Sau khi xem xét nhiều căn hộ hạng sang tại khu vực trung tâm London, cặp vợ chồng lựa chọn một căn hộ 3 phòng ngủ, cách trường cậu bé nửa tiếng đi bộ.

Ngôi nhà có nhiều tiện ích như bảo vệ, lễ tân riêng, phòng tập gym, bể bơi cùng chỗ đỗ xe, được bà Wang đánh giá có vị trí đắc địa, “may mắn nếu mua được”.

Người phụ nữ này khẳng định nhu cầu mua nhà trong khu vực gần các trường học tại Anh của phụ huynh Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Mức cầu tăng vọt khiến 2 năm qua, công ty của bà Wang chứng kiến sự tăng trưởng lên đến 50% trong giá trị giao dịch nhà đất. Phần lớn các bất động sản bán ra đều tọa lạc tại các vị trí gần trường học, đại học và cao đẳng.


Nhờ nguồn lực tài chính dồi dào, giới nhà giàu Trung Quốc dễ dàng tậu nhà cửa đắt tiền, nằm gần các trường học nước ngoài danh giá. Ảnh: Caixin Global.

“Số lượng học sinh Trung Quốc du học nước ngoài ngay từ khi nhỏ tuổi tăng đều đặn trong các năm gần đây, đồng nghĩa với việc nhu cầu nhà ở gần những trường học danh tiếng cũng tăng theo”, ông Slevin Wang, giám đốc kiêm người phụ trách một tập đoàn bất động sản lớn tại Trung Quốc, cho hay.

Bà Annie Hu, nhà sáng lập một công ty địa ốc tại London, cũng đồng tình với ý kiến trên.

“Trong vòng vài năm trở lại đây, số lượng phụ huynh có nhu cầu mua nhà cho con đi học nước ngoài gia tăng đáng kể”, bà Annie đánh giá.

Gần 40% số lượng khách hàng của bà Hu là các cha mẹ người Trung Quốc tìm kiếm nhà ở gần khu vực London cho con cái. Hầu hết bọn trẻ đều đi du học khi chưa đầy 12 tuổi.

Nhu cầu nhà ở gần trường của các giới nhà giàu Trung Quốc cũng chứng kiến điều tương tự tại Mỹ và Australia.

“Việc học hành của con cái là lý do chính khiến các gia đình Trung Quốc giàu có tiếp tục mua nhà tại Mỹ”, bà Tina Dai - người gốc Thượng Hải, hiện làm việc tại một trung tâm môi giới nhà đất tại Los Angeles (Mỹ) - cho biết.

Người phụ nữ này cũng chi một số tiền lớn để mua nhà riêng, giúp con gái dễ dàng theo học một trường công danh tiếng tại Los Angeles. Giá thành cho một căn hộ hai phòng ngủ tại thành phố này có thể lên mức 400.000-500.000 USD.


Bất động sản ở gần trường con cái theo học được coi là khoản đầu tư dễ sinh lời của các bậc phụ huynh châu Á. Ảnh: Flyware.

Theo bà Jamie Mi - người đứng đầu một công ty bất động sản cao cấp tại Melbourne (Australia), 80% số lượng khách hàng tại Australia là các gia đình châu Á có thành viên trong độ tuổi đi học.

Từ mẫu giáo đến cấp 2, các cơ sở giáo dục tại xứ sở chuột túi đều có người Trung Quốc theo học, dẫn đến nhu cầu về nhà ở tăng.

Ở Trung Quốc, nhà đất tại khu vực gần trường học danh tiếng cũng đắt đỏ. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ tại quốc gia này chịu chi nhiều tiền hơn cho cùng mức tiện nghi nếu đó là bất động sản nước ngoài.

“Nhà ở nằm quanh các khu vực trường học là một khoản đầu tư sinh lời cho các bậc phụ huynh châu Á. Nếu rao bán, ngôi nhà đem lại lợi nhuận không nhỏ. Riêng việc cho thuê, chủ nhà cũng có một khoản thu nhập ổn định mỗi tháng”, bà Dai phân tích.

Ngoài Mỹ, Anh, Australia, các nước như Canada, New Zealand, Singapore cũng nằm trong danh sách các quốc gia thu hút cha mẹ Trung Quốc đến mua nhà cho con cái thuận tiện du học.

Cuộc chạy đua du học

Các chuyên gia phân tích trong bối cảnh mức độ cạnh tranh công việc ngày càng khốc liệt, việc cung cấp cho con cái môi trường giáo dục chất lượng cao ngay từ khi còn nhỏ trở thành ưu tiên hàng đầu của các bậc cha mẹ Trung Quốc.

Trong đó, các trường học tại nhiều nước nói tiếng Anh trở thành mối quan tâm số một.

“Kể từ khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển, số lượng các gia đình trong nước đủ khả năng chi trả cho con theo học tại các trường nước ngoài có xu hướng tăng theo, đặc biệt là những trường có chất lượng giáo dục vượt trội tại các nước phát triển”, chuyên gia giáo dục Huang Jianru tại Đại học Hạ Môn (Trung Quốc) nhận xét.

Cơ hội phát triển trong nước không nhiều, cùng với sự phất lên của các gia đình có thu nhập cao khiến nhu cầu du học càng tăng chóng mặt.

Lý do khác cho làn sóng du học của giới nhà giàu nước này nằm ở quan niệm sinh sống ở nước ngoài đem lại nhiều cơ hội việc làm cùng tương lai tươi sáng hơn.

“Tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc tại các trường Trung Quốc, dẫn đến nhu cầu học tập và mua nhà tại các quốc gia nói tiếng Anh cũng tăng theo”, ông Huang cho hay.

Năm 2017, hơn 600.000 học sinh Trung Quốc học tập ở nước ngoài, với mức tăng trưởng hàng năm là 11,74%. Theo dữ liệu từ Bộ Giáo dục nước này, số lượng sinh viên mang quốc tịch Trung Quốc đi du học thuộc hàng đông nhất thế giới.

Đối mặt rủi ro vì căng thẳng Mỹ - Trung

Mỹ vẫn là lựa chọn hàng đầu cho các sinh viên Trung Quốc có mong muốn du học.

Trong năm học 2017- 2018, số lượng sinh viên Trung Quốc nhập học tại các trường đại học và cao đẳng tại Mỹ là hơn 360.000 người, chiếm 1/3 trong tổng số 1,1 triệu sinh viên quốc tế đang theo học tại xứ cờ hoa.

Tại Mỹ, các trường học có thứ hạng cao thường có học phí đắt đỏ, bởi các khoản phí đánh vào thuế bất động sản, cải tạo xây dựng, nâng cấp cơ sở và tăng lương giáo viên. Ở Anh, câu chuyện tương tự cũng xảy ra.

Các chính sách thu hút sinh viên nước ngoài của Anh dần có dấu hiệu khởi sắc.

Kết quả kiểm tra đầu vào tại Trung Quốc được chấp nhận ở nhiều trường đại học nổi tiếng tại Anh. Trong năm 2018, gần 100.000 sinh viên Trung Quốc nhận được visa của Anh, tăng 13% so với năm 2017.


Căng thẳng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt giữa Mỹ và Trung Quốc khiến nhiều sinh viên đến từ đất nước tỷ dân chuyển sang lựa chọn du học Canada, New Zealand. Ảnh: The Straits Times.

Tuy nhiên, trước thực tế càng có nhiều sinh viên Trung Quốc đổ xô đi du học, các bậc cha mẹ nước này cũng dần trở nên thận trọng hơn với các khoản đầu tư.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, cùng với chính sách nhập cư gây nhiều tranh cãi của Mỹ dẫn đến tình trạng nhiều sinh viên Trung Quốc chọn sang Canada, Australia du học.

Tỷ lệ từ chối cấp visa vào Mỹ cho các sinh viên Trung Quốc đang tăng dần. Ngày 3/6, Bộ Giáo dục Trung Quốc cho hay 13,5% sinh viên nước này nộp đơn xin visa vào Mỹ trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 vừa qua đã bị từ chối, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mâu thuẫn giữa 2 cường quốc hàng đầu thế giới gây không ít ảnh hưởng đến học sinh Trung Quốc. Visa đi học ở Mỹ bị rút ngắn đáng kể thời gian, gián đoạn nhiều kế hoạch học tập của sinh viên nước này.

Công dân Trung Quốc cần cân nhắc kỹ lưỡng rủi ro và chuẩn bị kỹ càng trước khi lên đường du học”, bà Xu Mei - phát ngôn viên của Bộ Giáo dục Trung Quốc - cho hay.

Theo bà Jamie Mi, nhà kinh doanh bất động sản tại Australia, với những người mong đợi kiếm lời từ các khoản đầu tư bất động sản ở nước ngoài của phụ huynh Trung Quốc cho con cái, họ có thể chỉ nhận lấy thất vọng.


Theo Zing