Trong hình dung của những người lớn lên khi điện thắp sáng khắp mọi miền, từ tư gia đến không gian công cộng, bàn ủi (bàn là) là thiết bị sử dụng điện, với rất nhiều chủng loại, từ bàn ủi khô đến loại có sử dụng hơi nước, từ loại bàn ủi cầm tay truyền thống đến bàn ủi đứng, có loại mini rất nhỏ gọn để mang đi du lịch, công tác.
Vì vậy, hình ảnh chiếc bàn ủi con gà chắc chắn sẽ khiến nhiều người trẻ ngơ ngác khi biết công dụng của nó. Hiện nay, món đồ vật này chỉ xuất hiện trên các trang web bán đồ cổ dành cho những người thích sưu tập.
Tuy nhiên với một số người thuộc thế hệ 7x trở về, vật dụng này gợi lại nhiều ký ức tuổi thơ, thời mà điện còn là thứ xa xỉ, không phải nơi nào cũng có, lúc nào cũng có, và dù có cũng gần như chỉ đủ để thắp sáng.
Bàn ủi con gà có xuất xứ từ Pháp cách đây vài thế kỷ, và được cho là xuất hiện ở Việt Nam trong vài thập kỷ đầu của thế kỷ 20. Dựa theo mẫu được đưa về từ Pháp, người ta đúc ra những chiếc bàn ủi con gà mới để phục vụ tầng lớp thượng lưu, sau đó qua thời gian dần dần phổ biến rộng rãi hơn.
Những chiếc bàn ủi con gà được sản xuất theo nguyên bản của Pháp.
Sở dĩ chúng được gọi là bàn ủi con gà vì phía trên phần mũi có gắn hình một con gà, đây cũng chính là chốt khóa để mở và đóng van lại. Chiếc bàn ủi được đúc bằng đồng, sắt, kích thước và độ dày lớn nên nặng hơn nhiều so với chiếc bàn ủi hiện đại. Riêng con gà được làm bằng đồng lạnh để không hấp thụ nhiệt từ than bên trong, tránh trường hợp người dùng bị bỏng tay nếu lỡ chạm vào.
Vào thập kỷ 1980, những chiếc bàn ủi con gà sản xuất tại Việt Nam được làm bằng gang rồi xi lớp sơn màu đồng bên ngoài nên nhẹ hơn. Ngay cả con gà cũng được thay đổi hình dáng một cách đa dạng, khi là gà trống cao gầy, khi là gà mái béo mập.
Ngày đó, điều kiện sống còn khó khăn, chỉ nhà nào khá giả mới có bàn ủi để là quần áo, vì với đa số người dân, điều đáng quan tâm là có đủ quần áo lành lặn để mặc chứ chưa nghĩ tới việc nó phải phẳng phiu, đẹp đẽ, thời trang.
Đó là chưa kể việc sử dụng bàn ủi con gà rất công phu, nên để ủi được một bộ quần áo cũng không hề đơn giản. Người dùng phải đốt than và mở chốt con gà để bỏ than nóng vào, sau đó kiểm tra độ nóng của bàn ủi qua lớp chăn mỏng rồi mới là lên quần áo.
Bàn ủi sau này được chế tạo với chất liệu nhẹ hơn, thiết kế cũng đơn giản hơn.
Khi bàn ủi nguội bớt thì cũng là lúc cần phải bỏ than vào để làm nóng lại. Quá trình ủi quần áo đòi hỏi sự tập trung, chuyên chú, cẩn thận, chỉ cần canh nhiệt không đủ hoặc quên khóa chốt con gà là than có thể rơi ra ngoài, gây hỏng quần áo. Với độ kỳ công như vậy, chỉ những gia đình có đời sống cao mới đáp ứng được.
Khi lưới điện phủ khắp nơi thì bàn ủi con gà cũng dần đi vào quá khứ và nhường chỗ cho bàn ủi điện vừa nhẹ, đẹp vừa tiện dụng. Thời gian trôi đi, nó dần dần được coi là đồ cổ, là món đồ có giá trị sưu tầm vì gợi lên những hoài niệm, phản ánh một phần cuộc sống ngày xưa.
Bàn ủi con gà được giới mê đồ cổ săn lùng, giá cả đa dạng, từ vài trăm nghìn đến cả vài trăm triệu đồng. Sự chênh lệch giá này là do những khác biệt về chất liệu, độ tinh xảo, năm sản xuất.
Theo giới sưu tầm, hầu hết những chiếc bàn ủi con gà được rao bán trên thị trường được làm bằng sắt, đồng thường chứ không phải đồng lạnh nguyên chất, giá rất bình dân. Sản phẩm cao cấp được làm bằng đồng lạnh, chế tác trau chuốt hơn nhiều, giá cả cũng rất "quý tộc".
Bàn ủi con gà ngày nay được mua về là để sưu tập, trưng bày.
Chiếc bàn ủi có chứa ngăn đựng than để làm nóng. (Ảnh: Nhadoco)
Cho đến nay, chiếc bàn ủi con gà quý hiếm và có giá trị cao nhất được xem là loại bàn ủi nguyên bản của Pháp sản xuất năm 1914, được gọi là bàn ủi 1914. Phía dưới nắp trên của bàn ủi này được khắc chữ Made in France, 1914. Về cấu tạo, chiếc bàn ủi này có 12 lỗ, trọng lượng trên 3kg, khối lượng con gà khoảng 2 lạng.
Theo VTC News