Khi được hỏi “đã có con chưa?”, Valentin Constantinescu trả lời “có 8 con” khiến người nghe không khỏi giật mình, nhưng là “6 con chó và 2 con mèo”. Câu trả lời dí dỏm cho thấy trình độ tiếng Việt của anh chàng “không phải dạng vừa”.
Nhưng người đàn ông sinh năm 1985 cho rằng, tiếng Việt của anh như thế là “bình thường”. “Vợ anh nói, lẽ ra anh phải nói tốt hơn nữa vì anh đã ở Việt Nam được hơn 20 năm rồi, nhiều hơn cả thời gian anh ở Romania - quê hương anh”.
Tiếng Việt không khó
Valentin trả lời phỏng vấn khi anh đang trong chuyến đi xuyên Việt và dừng chân ở Đà Nẵng. Chuyến đi đã kéo dài khoảng 1 năm rưỡi – có anh, vợ và mấy con chó.
14 năm sống ở Hà Nội, 5 năm sống ở Sài Gòn và 1 năm rưỡi nay đi từ Bắc vào Nam, anh nói “không còn điều gì ở Việt Nam khiến tôi ngạc nhiên nữa”, ngoài việc vẫn trau dồi những kiến thức mới mẻ về tiếng Việt hàng ngày.
Năm 2004, Valentin lần đầu tới Việt Nam theo diện sinh viên được cấp học bổng ở Học viện Ngoại giao (khi đó là Học viện Quan hệ quốc tế). Sau 1 năm học tiếng Việt ở Đại học Bách khoa Hà Nội, anh chính thức bắt đầu chương trình đại học.
“Khi vào học đại học, tiếng Việt của tôi mới ở mức giao tiếp cơ bản, chưa đủ để lĩnh hội được toàn bộ kiến thức ở những môn học khó như chính trị, kinh tế vĩ mô, triết học,… Nhưng sau đó, khả năng tiếng Việt của tôi dần dần tiến bộ”.
Năm 19 tuổi, Valentin sang Việt Nam học tập. Anh sinh sống ở Việt Nam từ đó đến nay đã hơn 20 năm.
Valentin kể một câu chuyện hài hước anh từng gặp khi là một anh Tây nói tiếng Việt quá giỏi. “Ngày đó, Grab chưa có hệ thống định vị tốt như bây giờ nên khi đặt xe xong, lái xe thường hay gọi cho khách để hỏi vị trí chính xác.
Hôm đó, tôi đặt xe và cũng nhận được cuộc gọi của chị tài xế hỏi vị trí. Sau khi xác định được vị trí của tôi, chị đến nơi, tôi nói ‘em đây’ thì chị xua tay ‘no, no, customer… customer…’ (không, không, khách hàng... khách hàng - tạm dịch).
Tôi bảo ‘thì em là khách của chị đây’, chị vẫn nằng nặc từ chối và nói mấy câu tiếng Anh lộn xộn ‘I don’t speak English’ (Tôi không nói tiếng Anh). Tôi lại bảo ‘ok, em biết rồi, em nói tiếng Việt mà’.
Giằng co mãi chị vẫn không hiểu, chị lấy điện thoại ra gọi lại cho ‘vị khách’ thì điện thoại tôi rung. Tôi phải đưa cho chị thấy thì chị mới ngỡ ngàng, hóa ra tôi là vị khách đã nói chuyện với chị trước đó.
Chị nói rằng, chị cứ tưởng là khách Việt Nam vì không nghĩ người nước ngoài có thể nói được như thế”.
Một lần khác, ở TPHCM, Valentin lại gặp tình huống hiểu nhầm theo chiều hướng ngược lại khi anh vào sửa xe.
Từ xa, nhân viên đón tiếp đã nhận ra anh là người nước ngoài. “Anh ấy hỏi ‘Do you drink tea or coffee?’ (Anh uống trà hay cà phê?). Tôi trả lời: ‘Cho anh một cà phê’. Anh ấy: “Dạ dạ”. Mang cốc cà phê ra, anh ấy nói: ‘Trông anh rất là Tây, anh ạ!’”.
Hóa ra, sau khi nghe Valentin nói một câu tiếng Việt, nhân viên kia lại tưởng anh là người Việt. Lúc ấy, “anh Tây” chỉ vui vẻ đáp lại: “Cảm ơn. Anh là Tây mà!”.
Valentin nhận xét, tiếng Việt không khó để đạt trình độ giao tiếp thông thường, trao đổi hàng ngày. “Nhưng để hiểu được những thành ngữ, cách nói mỉa mai, trêu đùa, cách nói ngược,… của người Việt thì khó”.
“Ví dụ, cùng là chữ ‘chả’ nhưng ‘chả ai muốn’ và ‘ai chả muốn’ lại có nghĩa hoàn toàn trái ngược nhau. Tuy nhiên, những kiến thức sâu hơn này lại được học sau khi tôi đã đạt được mức tiếng Việt cơ bản rồi nên nó lại thành không khó nữa”.
Anh cho rằng, tiếng Romania có phần ngữ pháp “khó nhất trên thế giới”. Hiện tại, Valentin thành thạo 3 ngôn ngữ: Tiếng Romania, tiếng Anh và tiếng Việt. Tiếng Pháp, tiếng Italia và tiếng Tây Ban Nha anh có thể nghe hiểu và đọc hiểu tốt.
Sẽ dạy tiếng Việt cho người nước ngoài
Valentin và vợ đang du lịch xuyên Việt đến nay đã được một năm rưỡi.
Là một thầy giáo dạy tiếng Anh, Valentin cho biết, vì thành thạo tiếng Việt nên nếu học viên có phần kiến thức nào chưa rõ, anh có thể giải thích lại bằng tiếng Việt để học viên hiểu rõ hơn.
Ở góc độ một “anh Tây nói tiếng Việt”, anh vẫn thường xuyên khiến người lạ ngạc nhiên về trình độ nói tiếng Việt của mình. Anh kể, ở TPHCM, khi người ta nghe anh nói tiếng Việt sẽ không ngạc nhiên như người Hà Nội. Nhưng họ lại ngạc nhiên vì anh nói được tiếng Bắc.
“Ở Sài Gòn, người nước ngoài nói được tiếng Việt nhiều hơn Hà Nội nhưng thường thì chỉ nói được vài câu đơn giản. Còn ở Hà Nội, số người nước ngoài nói giỏi tiếng Việt là nhiều nhất” – anh chia sẻ quan sát của mình.
Lý giải điều này, Valentin cho rằng “bởi vì ở Sài Gòn, người dân ở khắp các vùng miền đổ đến nên có rất nhiều giọng tiếng Việt khác nhau, khiến người nước ngoài bị rối khi mới học. Ngoài Bắc thì đa số nói giọng Bắc thôi”.
Sắp tới, ngoài việc dạy tiếng Anh, Valentin sẽ chính thức mở lớp dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Là một người biết nhiều ngôn ngữ, anh cho rằng, dù đã có nhiều giáo trình dạy tiếng Việt cho người nước ngoài nhưng cách dạy trong sách khá là “giả”.
“Ví dụ, người ta dạy cách chào hỏi: Chào bạn. Bạn khỏe không? Người Việt không ai gặp nhau hàng ngày mà chào hỏi như vậy. Câu đó chỉ dùng cho trường hợp lâu ngày gặp nhau và thường chỉ để hỏi người già”.
Chính vì thế, Valentin mong muốn dạy tiếng Việt theo cách dễ hiểu và tự nhiên nhất cho người nước ngoài, với mục tiêu “học xong, nghe 2 người Việt nói chuyện với nhau phải hiểu”.
Việt Nam là quê hương thứ hai
Valentin mê gần như tất cả món ăn Việt Nam
Sống ở Việt Nam hơn 20 năm, Valentin đã đặt chân đến hầu hết các tỉnh thành. Anh thích đi du lịch để khám phá nơi mình đã gắn bó hơn nửa cuộc đời.
“Việt Nam nằm trải dài nên mỗi tỉnh thành lại rất khác nhau - từ thời tiết cho tới giọng nói, ẩm thực. Nhưng có một cái chung, đó là tính cách con người Việt Nam thì ở đâu cũng giống nhau – vui vẻ, lạc quan và thân thiện”.
Khi được hỏi thích ăn món nào, anh nói anh mê đồ ăn Việt Nam. “Để trả lời cho câu hỏi này, tốt nhất nên nói ngược lại. Chỉ có 2 món tôi không thích, là tiết canh và sầu riêng. Còn lại, tôi yêu đồ ăn Việt Nam, kể cả bún đậu mắm tôm”.
“Tôi cũng thích cả âm nhạc Việt Nam nữa. Nhạc Việt rất lãng mạn, hay nói về tình yêu... Năm 2004, khi mới sang Việt Nam, những bài hát đầu tiên tôi được nghe và thích là Hãy về đây bên anh của Duy Mạnh, Chiếc khăn gió ấm của Khánh Phương,… Bây giờ, tôi thích Soobin. Với tôi, cậu ấy giống như Bruno Mars của Việt Nam”.
Giao thông Việt Nam, với chàng trai Valentin 19 tuổi, thực sự “đáng sợ”. Hồi mới sang, anh thấy đường phố quá nhiều xe máy và cách qua đường của mọi người… rất lạ. Nhưng sau 20 năm sống ở Việt Nam, bây giờ “tôi cũng làm thế”.
“Nhập gia tùy tục mà” – Valentin cười thú nhận.
Theo VietNamnet