Ngày 6/5, ông Lâm Quốc Tú - Chánh án TAND huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An) cho biết, đơn vị này đã gửi bản án, báo cáo cụ thể, chi tiết về vụ án xét xử nguyên Giám đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Hưng Nguyên Lê Thị Dung tới TAND tỉnh Nghệ An sau khi có yêu cầu báo cáo.
Chánh án TAND huyện Hưng Nguyên cho hay, ông đã từng làm việc nhiều năm với bà Lê Thị Dung từ hoạt động xét xử đến những cuộc hội họp. Bà Lê Thị Dung cũng từng làm hội thẩm nhân dân TAND huyện Hưng Nguyên từ năm 2012-2017, tham gia xét xử nhiều phiên tòa, quyền ngang với thẩm phán. Có những năm bà Dung tham gia xét xử hàng chục vụ án.
Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên nơi xét xử vụ án.
Năm 2017, bà Dung được Chánh án TAND tỉnh Nghệ An tặng giấy khen vì có thành tích trong công tác xét xử của tòa án. Đây cũng là tình tiết giảm nhẹ duy nhất được áp dụng trong quá trình xét xử.
Nói về bản án tuyên phạt bà Lê Thị Dung 5 năm tù, ông Lâm Quốc Tú cho biết luật đã quy định rõ. Trong quá trình xét xử, bà Dung chỉ có một tình tiết giảm nhẹ, không nộp lại số tiền đã chiếm đoạt, không nhận tội vì thế nên không thể xử dưới khung hình phạt (dưới 5 năm tù). Nếu xử dưới khung hình phạt là sai với quy định của pháp luật bản án sẽ bị hủy, phải giải trình và bị xem xét tư cách thẩm phán.
Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hưng Nguyên nơi bà Lê Thị Dung từng làm giám đốc.
"Khởi điểm của khoản 2, Điều 356 là 5 năm tù. Bị cáo chỉ có một tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 1, điều 51 Bộ Luật hình sự thì không có căn cứ để Hội đồng xét xử tuyên phạt dưới khung hình phạt. Luật quy định cứng là phải 2 tình tiết giảm nhẹ trở lên mới được xem xét giảm nhẹ hình phạt", ông Tú nói.
Ông Lâm Quốc Tú cho biết, bản thân ông thấy đau xót và buồn trước bản án 5 năm tù đối với bị cáo Dung. Tuy nhiên, bản án đã được xem xét toàn diện, cân nhắc kỹ lưỡng.
Liên quan đến những thông tin cho rằng việc truy tố cô Dung ở khoản 2 là nặng khi số tiền chiếm đoạt chưa đến 45 triệu đồng nhưng mức hình phạt quá cao.
Chánh án TAND huyện Hưng Nguyên cho hay: "Nếu hiểu như vậy là chưa đọc rõ, hiểu rõ về Nghị quyết 03 Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao. Tại Nghị Quyết 03 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, trong đó cũng có những ví dụ cụ thể. Nhiều người hiểu sai khi cho rằng mỗi hành vi chưa đủ 10 triệu đồng và cộng lại thì chỉ tuyên theo khoản 1 nhưng đối chiếu theo Nghị quyết 03 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, các điều luật thì đủ yếu tố cấu thành tội".
Chánh án TAND huyện Hưng Nguyên cho biết thêm, nếu bị cáo Dung thành khẩn khai báo và nộp lại số tiền đã nhận gần 45 triệu đồng thì bị cáo có ba tình tiết giảm nhẹ và mức án sẽ hoàn toàn khác. Ở đây, HĐXX đã dựa trên các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và đã tuyên phạt theo mức thấp nhất của khung hình phạt.
Cơ quan chức năng khám xét phòng làm việc bà Lê Thị Dung.
Trước đó vào ngày 24/4, TAND huyện Hưng Nguyên kết thúc phiên xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Lê Thị Dung 5 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ. Sau khi phiên tòa kết thúc đã khiến dư luận trên cả nước quan tâm và có nhiều ý kiến trái chiều về vụ việc.
Theo hồ sơ vụ án, Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên (nay là Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên) là đơn vị sự nghiệp có thu, tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên, thực hiện chế độ tự chủ theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25/4/2006.
Ngày 1/10/2012, bà Lê Thị Dung được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên nhiệm kỳ 2012-2017.
Sau khi được bổ nhiệm, hàng năm, bà Dung đã chỉ đạo kế toán, các tổ chuyên môn, công đoàn của trung tâm tham mưu, xây dựng quy chế hoạt động chuyên môn, quy chế chi tiêu nội bộ từ năm 2012 - 2017.
Trong các năm học từ 2011-2016, Lê Thị Dung đã thanh toán lần 1 các nội dung Bí thư chi bộ; hỗ trợ học cao học và tập huấn, kiểm tra theo đúng quy định với số tiền là 36.695 nghìn đồng.
Tuy đã thanh toán lần 1 nhưng những nội dung Bí thư chi bộ; hỗ trợ học cao học và tập huấn, kiểm tra tiếp tục được Lê Thị Duy quy đổi ra tiết dạy để thanh toán tiền thừa giờ (thanh toán lần 2) với số tiền gần 45 triệu đồng. Số tiền này được chuyển vào tài khoản cá nhân của Lê Thị Dung.
Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Hưng Nguyên truy tố Lê Thị Dung 2 lần gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước nên đã phạm vào tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại điểm b khoản 2 Điều 356 Bộ luật hình sự.
Theo Tiền Phong