Chấp nhận không có đám cưới, người phụ nữ vỡ mộng với cuộc hôn nhân đẫm nước mắt

Chạy theo người yêu, chấp nhận không có đám cưới, bà Mỹ sớm vỡ mộng bởi chồng chọn cách "thoát nghèo" bằng men rượu, khiến cuộc hôn nhân chìm trong nước mắt.

"Nhắm mắt đưa chân"

Xuất hiện trong tập 170 chương trình Tình trăm năm, bà Dương Thị Mỹ (56 tuổi) chỉ cười nói được ít phút đầu rồi gần như khóc suốt khoảng thời gian còn lại. Bà không thể kìm nén được xúc động mỗi khi nhắc lại cuộc hôn vốn không được gia đình chồng thừa nhận cách đây hơn 20 năm.

Năm hơn 30 tuổi, bà Mỹ đến công trình xây dựng nơi ông Phạm Quang Nghĩa (55 tuổi) đang làm quản lý thợ xây xin việc. Bà được nhận vào làm công việc dọn dẹp tại công trình.

Ngay lần gặp gỡ đầu tiên, ông Nghĩa đã trúng tiếng sét ái tình. Vẻ ngoài hiền hậu cùng sự chịu thương chịu khó của bà Mỹ khiến ông cảm mến. Ông xin nhà chủ cho bà Mỹ làm việc lặt vặt tại công trình để bà đỡ vất vả.

Thời điểm ấy, dù được nhiều người theo đuổi, bà Mỹ vẫn chưa một lần rung động. Thế nhưng khi được ông Nghĩa bày tỏ tình cảm, trái tim bà bắt đầu thổn thức.

Chấp nhận không có đám cưới, người phụ nữ vỡ mộng với cuộc hôn nhân đẫm nước mắt-1
Vợ chồng ông Nghĩa tại chương trình Tình trăm năm

Sau ít ngày làm việc chung, ông Nghĩa mạnh dạn đến nhà bà Mỹ chơi, làm quen. Dù vậy, bà vẫn chưa đồng ý quen biết, yêu thương “cấp trên” của mình.

Thế rồi trong một lần vô tình cùng trú mưa, ông Nghĩa mạnh dạn nắm tay người con gái mình thương. Mặc dù bị bà Mỹ rụt tay lại nhưng ông vẫn cảm nhận được người phụ nữ đối diện có dành tình cảm cho mình.

Ông đem tình cảm của mình kể với gia đình, ngỏ lời muốn cưới bà Mỹ. Tuy vậy, ông bị gia đình cự tuyệt. Bố mẹ ông không đồng ý cho con trai yêu thương, cưới người con gái cùng làm việc ở công trình.

Không thể từ bỏ mối tình cháy bỏng, ông Nghĩa cãi lời cha mẹ, quyết tự ý xây dựng gia đình với người yêu. Ông đến gặp và hỏi bà Mỹ rằng có thương mình hay không. Nếu có, ông sẽ dẫn bà đi, đến cơ quan chức năng đăng ký kết hôn rồi thuê nhà sống với nhau.

Ông cũng hứa sẽ thuê nhà gần gia đình bà Mỹ để bà không phải xa mẹ ruột. Bà Mỹ kể: “Lúc đó, dù biết bỏ nhà đi mẹ sẽ buồn lắm nhưng vì thương ông ấy quá, tôi đành cắn răng nhắm mắt đưa chân. Chúng tôi đi đăng ký kết hôn rồi thuê nhà sống chung chứ không tổ chức đám cưới gì cả.

Ngày đó, tôi cũng nói với ông ấy là đợi làm đám cưới rồi mới về chung nhà. Nhưng ông ấy thật thà nói là ông không có tiền làm đám cưới. Thương ông, tôi chấp nhận, bỏ nhà đến sống với ông như vợ chồng”.

Không được gia đình chấp nhận, sau khi tự ý cưới bà Mỹ, ông Nghĩa không được bố mẹ hỗ trợ. Hai vợ chồng trẻ dựa vào nhau làm thuê mưu sinh.

Chấp nhận không có đám cưới, người phụ nữ vỡ mộng với cuộc hôn nhân đẫm nước mắt-2
Bà Mỹ rơi nước mắt hầu hết chương trình khi kể lại giai đoạn cuộc hôn nhân gặp nhiều khó khăn

Thế nhưng sau 2 năm mặn nồng, cuộc hôn nhân của 2 người sớm chao đảo bởi gánh nặng cơm áo gạo tiền, nuôi con nhỏ trong điều kiện kinh tế eo hẹp.

Biến cố xảy ra khi bà Mỹ vừa sinh đứa con đầu lòng không lâu lại biết mình mang thai. Gia cảnh vốn đã khó khăn, có thêm con nhỏ, cuộc sống vợ chồng ông bà càng thắt ngặt.

Không chịu nổi sức ép cơm áo gạo tiền, ông Nghĩa đâm ra chán nản, buông xuôi tất cả. Ông tìm quên nỗi khổ không lo được cho gia đình bằng rượu chè. Ông bỏ vợ con ở nhà để đi nhậu thâu đêm suốt sáng.

Mỗi khi bị vợ đến công trình la mắng, bắt thôi nhậu, ông lại âm thầm bỏ đi nơi khác làm để có tiền, có nơi uống rượu. Ông say xỉn nhiều đến nỗi ảnh hưởng đến sức khỏe, không thể làm việc.

Qua cơn bĩ cực

Bà Mỹ rơi nước mắt kể: “Dù mới sinh nhưng không được chồng giúp đỡ, tôi phải đến công trình làm để có tiền nuôi con. Người ta không biết tôi mới sinh nên vẫn giao việc nặng cho làm.

Làm lụng cực nhọc, tôi không có sữa cho con bú cũng không có tiền mua sữa ngoài. Không biết phải làm sao, tôi nấu cháo, chắt nước cho con bú tạm. Lâu lâu, em gái ruột thương, cho tôi chút tiền mua sữa bột cho con.

Rồi tôi cố gắng đi làm. Dù công việc ở công trình cực khổ, khiến tay chân chảy máu, tôi cũng cố làm để có tiền nuôi con. Lúc đó, tôi hối hận lắm. Gặp lại bạn bè, ai cũng nói không ngờ tôi lại có bước đường như thế.

Họ nói sau khi lấy chồng, tôi xấu xí, đen đúa đến nhận không ra hình người nữa. Tôi buồn khổ đến nỗi định bỏ đi mấy lần. Nhưng thương 2 đứa con, tôi lại không đành lòng”.

Chấp nhận không có đám cưới, người phụ nữ vỡ mộng với cuộc hôn nhân đẫm nước mắt-3
Hiện, ông Nghĩa và bà Mỹ có cuộc sống hạnh phúc khi 2 con đã thành đạt, gia đình yên ấm

Thời điểm ấy, bà Mỹ khổ đến nỗi không ai chịu cho mua thiếu gạo, thức ăn. Để con không phải nhịn đói, bà ra ao sau nhà hái rau muống dại nấu lên cho con ăn thay cơm.

Cuối tháng, không có tiền đóng tiền thuê nhà, ba mẹ con bà bị chủ đòi đuổi đi. Thương con, bà chỉ biết khóc, van xin chủ nhà cho ở lại để cố gắng kiếm tiền trả nợ.

Biết nếu đuổi bà đi sẽ không đòi được tiền nợ những tháng trước đó, chủ nhà đành miễn cưỡng cho mẹ con bà ở lại.

Đã thế, vì nhậu nhiều, sức khỏe ông Nghĩa suy giảm, có lần phải vào bệnh viện điều trị. Không có tiền đóng viện phí, ông không được chạy chữa. Sợ ông không qua khỏi, bà Mỹ lại khóc ngất, van xin bác sĩ cứu chồng.

Thương gia cảnh người phụ nữ bất hạnh, bác sĩ đồng ý điều trị miễn phí cho ông Nghĩa. Sau những lần như thế, ông vẫn chưa tỉnh ngộ. Khỏe lại một chút, ông lại đến công trình tìm bạn nhậu rồi đắm chìm trong rượu chè.

Thế rồi một hôm, ông bất ngờ được người tổ trưởng gọi lên yêu cầu ký đơn để cho cậu con trai của ông đi học. Lúc ấy, ông mới sực tỉnh, nhớ ra mình đã có con và con đã lớn, chuẩn bị đi học.

Ông nhận ra rằng nếu cứ sống như hiện tại, con sẽ không có tương lai. Ông quyết tâm bỏ nhậu, làm lại cuộc đời.

Ông nghỉ việc ở công trình để thoát khỏi cảnh bị bạn bè rủ rê, mời nhậu. Trong một lần chở con đi chơi, ông phát hiện thú tô tượng đang rất thịnh hành nên có ý định theo nghề này.

Ông tâm sự: “Tôi quyết tâm học nghề làm tượng tô. Bởi chỉ có nghề này mới có thể làm ở nhà, tránh xa sự cám dỗ, mời mọc nhậu nhẹt từ bạn bè. Mỗi ngày, tôi đạp xe từ TP.HCM đến Bình Dương để học nghề rồi về nhà tự làm”.

Với nghị lực vượt bậc và lời hứa sẽ cho 2 con vào đại học, ông khởi nghiệp từ 23.000 đồng. Với số tiền ít ỏi, ông mua vật liệu về làm khuôn, tự đúc được những pho tượng tô bằng thạch cao đầu tiên.

Hàng bán chạy, ông có thêm vốn mua vật liệu, khuôn đúc có tạo hình độc đáo. Gặp thời, công việc ổn định, đem lại thu nhập, ông Nghĩa bỏ tất cả tật xấu, chí thú làm ăn.

Từ đó, cuộc sống gia đình ông thay đổi. Bà Mỹ không còn sống trong cảnh khổ cực, một mình vất vả nuôi con. Đến nay, ông Nghĩa giữ đúng lời hứa đưa con vào đại học và chăm lo cuộc sống cho người vợ chịu nhiều khổ đau vì mình.

Cuối chương trình, ông gửi đến bà Mỹ lời cám ơn tự đáy lòng và hứa sẽ chăm lo cho bà suốt quãng đời còn lại. Đưa tay lau nước mắt cho vợ, ông nói: “Cám ơn em vì đã giúp anh trong những lúc khó khăn.

Em đã tha thứ cho anh trong những lúc anh uống rượu về và làm những điều có lỗi. Hôm nay anh xin lỗi em. Anh hứa với em từ nay về sau sẽ lo cho em. Không bao giờ anh để cho em phải khổ sở, khó khăn nữa”.

Theo VietNamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/tinh-tram-nam-tap-170-chap-nhan-khong-dam-cuoi-nguoi-phu-nu-vo-mong-hon-nhan-2211958.html?fbclid=IwAR0xyIodRBlUcEjP_BpQl2ONnh-008oh6zDc7tdFcXfqRVbekvuKdUE03Qo

hôn nhân không hạnh phúc bi kịch hôn nhân

Tin tức mới nhất