Ngày 14/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có buổi thảo luận về Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi). Tại buổi họp, có đề xuất bổ sung nội dung cấm phim chứa tình tiết cổ xúy cho hành vi vi phạm pháp luật vào Điều 10.

Đó là hành vi phạm tội mà không được xử lý hoặc những hình ảnh chân thật về tội phạm có thể khiến người xem nhận thức sai, thậm chí làm theo.

Đạo diễn Charlie Nguyễn đã gửi bài viết trao đổi về chủ đề này.

Nhà làm phim muốn giải nghệ nếu luật có nhiều rào cản

Mô típ của thể loại phim hành động, tội phạm luôn có hai tuyến nhân vật chính diện, phản diện. Nội dung phim là cuộc đấu tranh giữa bên chính nghĩa và tội phạm.

Các nhà sản xuất Việt Nam đã khai thác thể loại này nhưng so với thế giới số lượng còn quá ít.

Charlie Nguyễn: Muốn chống tội phạm, không thể làm phim bóng đá-1
"Hai Phượng" là bộ phim hành động nổi tiếng của Ngô Thanh Vân. Ảnh: Studio68.

Không những thế mức độ hành động, mạo hiểm trong phim nước ngoài dữ dội hơn phim Việt rất nhiều. Thực tế, khán giả cũng xem phim nước ngoài ở thể loại này nhiều hơn phim Việt.

Phim về tội phạm, chiến tranh không thể thiếu những cảnh bạo lực. Phim chiến tranh phải có bom đạn, chết chóc. Nhà làm phim miêu tả chân thật sự khủng khiếp của chiến tranh để người xem thấy chiến trường khắc nghiệt thế nào.

Tương tự, muốn chống ma túy, tội phạm thì nhà sản xuất phải làm phim về đề tài này, không thể làm phim về bóng đá.

Tôi tự hỏi phim Ký Sinh Trùng của Hàn Quốc có phải cổ xúy vi phạm pháp luật không khi nội dung phim kể về một nhóm người nghèo, trà trộn vào gia đình giàu có để ăn bám và khi bị phát hiện, họ đã giết người?

Bộ phim của Hàn Quốc giành nhiều giải thưởng danh giá, kể cả Oscar. Nếu theo ý kiến tội phạm không bị xử lý là cổ xúy khán giả làm điều xấu thì phim này cũng vi phạm.

Nếu nói điện ảnh làm ảnh hưởng đến nhân cách, gia tăng tội phạm nghĩa là chúng ta đã coi nhẹ vai trò giáo dục của gia đình, nhà trường. Yếu tố quyết định, giúp hun đúc nhân cách con người là nền tảng giáo dục gia đình, học thức, sau đó là những va chạm xã hội.

Tội phạm tăng lên trong xã hội có thể do nhiều yếu tố như thất nghiệp, nghèo khó.

Tôi hy vọng những ý kiến vừa qua mới là bàn luận, không đưa vào luật. Nếu không, nhiều người làm phim sẽ cảm thấy chán nản, muốn giải nghệ.

Luật Điện ảnh ở các nước trên thế giới được lập ra để thúc đẩy nền điện ảnh phát triển, chứ không phải gây khó khăn, tạo rào cản cho người làm phim.

Làm sao thực hiện được một bộ phim đột phá, sáng tạo, gây tiếng vang khi mọi thứ đều bị bó hẹp. Chưa kể sự phát triển của điện ảnh còn kéo theo phát triển của văn hóa, kinh tế, du lịch.

Khó tạo nên tác phẩm hay nếu thiếu không gian sáng tạo

Luật Điện ảnh 2006 vốn đã có nhiều bất cập. Tôi nghĩ khi luật sửa đổi nên cập nhật để phù hợp với tình hình mới, không nên giới hạn sức sáng tạo của người làm nghệ thuật.

Khán giả tìm tới một tác phẩm nghệ thuật nghĩa là họ muốn được thỏa mãn và rung động. Nếu đề tài, nội dung bị siết chặt sẽ khó phát huy được khả năng của người làm phim. Như thế khó có thể tạo nên một tác phẩm hay.

Từ đây, khán giả sẽ quay lưng với phim Việt, chọn xem nước ngoài. Thực tế, bây giờ mọi người đang xem phim trên Netflix rất nhiều.

Charlie Nguyễn: Muốn chống tội phạm, không thể làm phim bóng đá-2
"Lật Mặt 5" của Lý Hải có nhiều cảnh hành động đẹp mắt. Ảnh: Ly Hai Production.

Ở vai trò đạo diễn, nhà sản xuất, khi đọc kịch bản bao giờ tôi cũng chú trọng nội dung, thông điệp bộ phim mang lại. Hành động của nhân vật đều bắt nguồn từ mục đích, khát khao trong chính họ.

Chẳng hạn nhân vật có quá khứ đen tối, thiếu tình thương, khủng hoảng sẽ dẫn tới hành động không chính nghĩa.

Và khi có hành động xấu, nhân vật phải trả giá và đối diện với hậu quả mà mình gây ra. Nhân vật mê cờ bạc thì hậu quả là mất nhà cửa, gia đình tan nát, vợ con xa lánh. Nhà làm phim khai thác đề tài đó không phải cổ xúy mà muốn chống lại thực trạng đó.

Không những thế, một đoàn phim quy tụ hàng trăm người góp sức, họ chỉ muốn mang một tác phẩm hay, ý nghĩa tới khán giả. Không ai bỏ công sức, tiền bạc để làm tác phẩm cổ xúy cái xấu và hành động vi phạm pháp luật.

Ở Mỹ, không có điều luật nào cấm hay hạn chế sự sáng tạo của người làm phim. Trước khi phim công chiếu, nhà sản xuất chỉ chiếu phim cho một hội đồng gồm nhiều bậc cha mẹ xem.

Thành viên trong hội đồng thay đổi từng năm và làm ở mọi ngành nghề, không nhất thiết trong ngành điện ảnh.

Hội đồng này sẽ xem xét phim phù hợp với độ tuổi nào. Họ chỉ quyết định việc gắn mác độ tuổi phù hợp dành cho phim nhưng không can thiệp việc sáng tạo của nhà làm phim.

Theo Zing