Chất lượng không khí ở Hà Nội xuống mức rất xấu
Sau một thời gian duy trì ở mức ổn định, từ đầu tuần đến nay, chất lượng không khí (CLKK) của thành phố Hà Nội đã kém dần, thậm chí tại nhiều khu vực có thời điểm đã xuống tới mức rất xấu – ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe con người.
Số liệu quan trắc của Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường) và Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) Hà Nội.
Ghi nhận số liệu CLKK lúc 8h sáng 27/10 của Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường) CLKK ở Hà Nội xuống tới mức 154 – tức ở mức xấu, những người bình thường đã bắt đầu bị ảnh hưởng tới sức khỏe, những người nhạy cảm sẽ gặp vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng hơn.
Theo số liệu quan trắc của Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) Hà Nội, vào 8h30 sáng 27/10, chỉ số CLKK (AQI) tại nhiều khu vực đã diễn biến xấu hơn rất nhiều so với những ngày trước đó.
Cụ thể, tại 9 trạm quan trắc không khí tự động có 5 khu vực ở mức xấu, 2 khu vực ở mức kém và 1 khu vực ở mức trung bình. Tại khu vực Cầu Giấy (Hà Nội) có mức độ ô nhiễm tới mức 191 (tức gây xấu cho sức khỏe).
Cũng tại thời điểm trên, số liệu của trang thông tin điện tử và nền tảng ứng dụng PAM Air, CLKK ở Hà Nội xuống sâu tới mức 241 (rất xấu).
Theo số liệu của Air Visual (thuộc Tổ chức IQAir có trụ sở chính tại Thụy Sỹ) vào 8h31 phút, CLKK ở Hà Nội xuống mức 178 (xấu), theo đơn vị này, CLKK ở Hà Nội xuống tới mức ô nhiễm đứng thứ 3 thế giới (chỉ sau Ấn Độ và Pakistan).
Ô nhiễm không khí ở Thủ đô do chưa kiểm soát được nguồn thải
Theo khuyến cáo của Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở TN&MT Hà Nội, đối với khu vực có CLKK ở mức xấu, nhóm nhạy cảm có thể bị ảnh hưởng tới sức khỏe nhiều hơn, tránh hoạt động ngoài trời.
Nhóm người bình thường nên giảm các hoạt động mạnh khi ở ngoài trời, tránh tập thể dục kéo dài và nghỉ ngơi nhiều hơn trong nhà. Nhóm người nhạy cảm nên ở trong nhà và giảm hoạt động mạnh. Nếu cần thiết phải ra ngoài, hãy đeo khẩu trang đạt tiêu chuẩn.
Số liệu quan trắc của PAM Air và Air Visual.
Bên cạnh đó, đơn vị này cũng khuyến cáo người dân hạn chế đốt rác, cấm đốt than tổ ong,… để tránh gây ô nhiễm môi trường không khí. Đặc biệt, đang vào vụ thu hoạch lúa tại các khu vực ngoại thành, người dân cần áp dụng các biện pháp an toàn để xử lý rơm, rạ, nghiêm cấm hành vi đốt rơm, rạ không đúng quy định.
Theo chuyên gia môi trường, TS. Hoàng Dương Tùng, thống kê chu kỳ hàng năm, tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội không mới, thậm chí là đến muộn so với mọi năm vì giãn cách do Covid-19 trên cả nước.
“Nguyên nhân dẫn đến chất lượng không khí xuống thấp ở Hà Nội chủ yếu do khí thải phát sinh từ các phương tiện giao thông, đốt rơm rạ, công trình xây dựng, làng nghề,…
Hà Nội tuy đã nỗ lực để cải thiện chất lượng không khí nhưng kết quả của những việc làm đó chưa đạt được như mong đợi, dẫn tới nguồn thải vẫn chưa giảm. Vì vậy, cứ đến hẹn lại lên, chất lượng không khí ở Thủ đô lại ô nhiễm, thậm chí là kéo dài vào mùa Thu – Đông”, ông Tùng phân tích.
Theo VOV