Theo Cơ quan Biên giới châu Âu (Frontex), một bé gái 5 tuổi và một phụ nữ đã thiệt mạng khi vượt biển từ Thổ Nhĩ Kỳ đến đảo Lesbos - Hy Lạp hôm 20-1 giữa trời giá lạnh.

Số phận những người tìm kiếm miền đất hứa mịt mờ hơn khi nhiều nước khép dần biên giới. Mới đây nhất, nước Áo hôm 20-1 tuyên bố chỉ cho 37.500 người tị nạn trong năm 2016, chưa bằng phân nửa năm ngoái. Theo Reuters, kể từ tháng 9-2015, hàng trăm ngàn người đã đến đất nước nhỏ bé với dân số 8,5 triệu người này. Trong khi đại đa số tiếp tục đến Đức, 90.000 người (chiếm hơn 1% dân số Áo) ở lại xin tị nạn trong năm 2015.

Người di cư chờ đợi tại ga xe lửa ở Presevo, Serbia hôm 20-1 Ảnh: REUTERS

Người di cư chờ đợi tại ga xe lửa ở Presevo, Serbia hôm 20-1 Ảnh: REUTERS

Bên cạnh tuyên bố tăng cường kiểm soát biên giới, Áo nhấn mạnh sẽ giới hạn số người được tị nạn ở mức 1,5% dân số, kéo dài suốt 4 năm tới (có thể đạt 25.000 người trong năm 2019). Cảnh sát Slovenia cho biết nước này cũng sẽ siết chặt biên giới phía Nam với Croatia trong trường hợp Áo - ở phía Bắc Slovenia - mạnh tay hơn trong việc hạn chế dòng người di cư.

Cùng ngày 20-1, Macedonia đóng cửa biên giới với Hy Lạp, còn Serbia và Croatia tuyên bố chỉ cho người di cư qua biên giới 2 nước nếu chứng minh được nguyện vọng xin tị nạn chính đáng tại Áo hoặc Đức.

Trước những diễn biến này, Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 20-1 cho rằng quyết định của Áo chẳng giúp ích gì cho việc thương lượng một giải pháp trong Liên minh châu Âu (EU). Bà Merkel muốn chặn dòng người di cư bằng cách cải thiện điều kiện sống tại các trại tị nạn Syria ở Lebanon và Jordan, hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ trấn áp bọn buôn người và phân bổ người tị nạn khắp EU dựa theo hệ thống hạn ngạch.

Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Phần Lan Petteri Orpo chỉ trích Nga để cho người tị nạn vượt biên vào nước này ngày càng nhiều. Phần Lan cấm đi bộ hoặc xe đạp vượt qua biên giới thì người tị nạn sử dụng ô tô cũ của Nga. Riêng Na Uy đã đưa 13 người di cư trở lại Nga bằng xe buýt hôm 19-1 và dự định trục xuất thêm 5.500 người.

Theo Người lao động