Ung thư trực tràng chủ yếu đến từ thức ăn
PGS Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện K trung ương, cho biết ung thư đại – trực tràng là ung thư đường tiêu hóa có tiên lượng tốt hơn, tỷ lệ chữa thành công không bệnh từ 40 – 60%.
Tuy nhiên, bệnh phải phát hiện sớm, còn nếu phát hiện muộn thì tiên lượng cũng như các bệnh ung thư khác.
Các yếu tố nguy cơ chính của ung thư đại trực tràng đến từ chế độ ăn!
Chế độ ăn có nhiều mỡ, thịt động vật, thức ăn lên men, ướp muối, xông khói, thức ăn gây đột biến gen được xem là có liên quan tới ung thư đại – trực tràng.
Một vài trạng thái bệnh lý được coi là tổn thương tiền ung thư, viêm loét đại trực tràng mãn tính có thể phát triển thành ung thư từ 20 – 25%, bệnh viêm mô hạt mãn tính của ống tiêu hoá, các u lành tính là những khối polyp kích thước lớn có nguy cơ K hóa rất cao.
Bệnh có yếu tố di truyền nếu các thành viên trong gia đình từng bị ung thư đại trực tràng thì các thành viên còn lại có nguy cơ cao hơn, đặc biệt là những trường hợp gia đình có tiền sử polyp tuyến.
Triệu chứng của bệnh phụ thuộc vào vị trí khối u, mức độ xâm lấn ra xung quanh và mức độ lan tỏa ra toàn cơ thể.
Phần lớn biểu hiện của bệnh không đặc trưng nên người bệnh thường không nghĩ tới ung thư. Triệu chứng bao gồm cả tại chỗ và toàn thân và khi di căn.
Những triệu chứng tại chỗ có thể nhìn thấy đó là thay đổi thói quen đại tiên, phân lúc lỏng, lúc táo bón mà không rõ nguyên nhân, đi ngoài không hết, khuôn phân thu nhỏ, thay đổi hình dạng khuôn phân, chảy máu đường tiêu hóa dưới, đi ngoài phân nhầy nhầy lẫn máu hoặc đi phân đen nếu u ở đầu của đại tràng.
Khối u lớn có thể lắp kín lòng đại tràng, trực tràng gây ra tắc ruột với các biểu hiện như táo bón, đau bụng, đầy hơi, nôn, nên rất dễ bị người bệnh coi nhẹ.
Khi khối u phát triển có thể dẫn đến thủng ruột gây viêm phúc mạc.
Bệnh nhân có thể sờ thấy các khối u trên thành bụng của mình hoặc hậu môn. Triệu chứng toàn thân là đi ngoài phân có máu lâu ngày dẫn đến thiếu máu.
Biểu hiện thiếu sắt người mệt mỏi, xanh xao, gầy sút, kém ăn, sốt không rõ nguyên nhân.
Triệu chứng khi di căn đối với ung thư đại trực tràng phần lớn di căn gan hầu như ít có triệu chứng. Nếu di căn nhiều có thể gây vàng da, đau bụng do u xâm lấn tới bao gan, đường mật.
Từ bỏ những yếu tố nguy cơ
PGS Hiếu cho biết hiện nay để chẩn đoán, các bác sĩ có thể làm xét nghiệm như chụp khung đại tràng có thuốc cản quang. Khi khối u còn nhỏ khó phát hiện nhất là ở vùng manh tràng.
Khi đó, chụp đại tràng đối quang kép có khả năng chẩn đoán bệnh cao hơn.
Ngoài ra, có thể nội soi đại – trực tràng ống mềm, soi vào bên trong bằng ống mềm để nhìn rõ, có thể xác định các tổn thương trong đại tràng, sinh thiết, chẩn đoán bệnh sớm giúp người bệnh được điều trị kịp thời.
Siêu âm nội trực tràng là phương pháp mới có thể xác định mức độ xâm lấn của khối u vào trong thành trực tràng. Ngoài ra, có thể phát hiện các ổ hạch di căn quanh trực tràng.
Đối với ung thư đại – trực tràng phương pháp điều trị có thể điều trị bằng phẫu thuật, là phương pháp điều trị triệt căn trong ung thư đại – trực tràng.
Thông thường, là phẫu thuật cắt bỏ khối u cùng với một phần đại tràng hoặc trực tràng và các hạch lân cận.
Sau đó bác sĩ sẽ điều trị hóa chất để làm giảm tỷ lệ tử vong, tăng thời gian sống. Xạ trị được chỉ định trong các trường hợp ung thư trực tràng đoạn giữa và đoạn thấp.
Khi nào khối u chiếm hơn nửa lòng ống trực tràng hoặc đính và xâm lấn tổ chức xung quanh.
Xạ trị trước phẫu thuật khi khối u lớn, ít di động để làm giảm thể tích khối u, tăng mức độ di động, tạo thuận lợi cho phẫu thuật và làm tăng tỷ lệ bảo tồn cơ tròn.
Ngoài ra, còn có thể điều trị đích.
Đây là xu hướng điều trị mới hiện này, các phác đồ điều trị hóa chất có thể phối hợp với các thuốc điều trị đích như thuốc ức chế tăng sinh mạch, thuốc ức chế yếu tốt phát triển của biểu bì bề mặt.
Tuy nhiên không phải lúc nào cũng điều trị đích hiệu quả.
Để phòng ung thư đại – trực tràng, bác sĩ Hiếu cho biết phải loại bỏ các yếu tố nguy cơ gây bệnh.
Tăng cường vận động thế chất, hạn chế ăn mỡ, thịt động vật, giảm phần calo, chất béo từ 40% xuống còn 20 – 25%.
Tăng cường ăn các chất xơ, hoa quả tươi hàng ngày, hạn chế ăn thức ăn muối, lên men, cá khô, xì dầu, thịt xông khói.
Tránh những chất gây đột biến gen nhiễm trong thức ăn như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, hạn chế lạm dụng bia rượu và các chất lên men khác.
Theo Infonet