Đường dây đánh bạc nghìn tỷ sử dụng hóa đơn trái phép từ đâu? Trùm cờ bạc Nguyễn Văn Dương cấu kết với Lê Thị Lan Thanh mua 160 hóa đơn "khống" có tổng doanh số hơn 5.100 tỷ đồng để hợp thức các khoản tiền không có chứng từ.
Chiều 16/11, HĐXX thẩm vấn các bị cáo trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ bị cáo buộc mua bán trái phép hóa đơn và đồng phạm với Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam về tội Tổ chức đánh bạc.
Hối hận
Với vẻ mệt mỏi, bị cáo Đỗ Bích Thủy (chị họ của Phan Sào Nam) chậm rãi bước đến bục khai báo khi chủ tọa gọi tên. Người phụ nữ từng nhiều lần phải đi cấp cứu khi tạm giam khai Công ty TNHH dịch vụ phát triển đầu tư Nam Việt của bà hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.
Quá trình vận hành game bài Rikvip, Phan Sào Nam hỏi mượn pháp nhân Công ty Nam Việt phát triển phần mềm cho Công ty VTC Online. "Bị cáo đã đồng ý cho mượn nên khi Nam đưa hợp đồng, vì tin tưởng, bị cáo đã ký nhưng không đọc lại”, Đỗ Bích Thủy trình bày.
Nữ chủ tọa Nguyễn Thị Thùy Hương xét hỏi các bị cáo. Ảnh: Bá Chiêm.
Sau ít phút khai báo, Đỗ Bích Thủy nghẹn ngào, đứng run rẩy khiến HĐXX phải ngắt lời để hỏi về tình trạng sức khỏe. “Bị cáo sẽ cố gắng trả lời đến khi nào có thể”, Thủy nói rồi sau đó được ngồi trên ghế trả lời thẩm vấn.
Vì sao bị cáo cho mượn pháp nhân Công ty Nam Việt nhưng lại là người ký trên các hợp đồng? Bị cáo Thủy giải thích rằng đến khi làm việc với cơ quan điều tra, bà mới nhận thấy bản thân thiếu hiểu biết pháp luật.
“Bị cáo tin tưởng tuyệt đối vì Nam là em bị cáo, sống với nhau từ nhỏ. Khi Nam đưa hợp đồng, bị cáo cũng đã tước bỏ quyền hỏi và quyền được biết của mình nên cứ thế ký”, Thủy rớm nước mắt.
Tiếp tục trình bày, nữ doanh nhân nói khi phải đứng trước tòa, cô ta nhận thấy việc làm của mình là sai lầm, không thể chấp nhận. Không biết gì về game bài Rikvip, nữ giám đốc nói "rất hối hận nhưng không bao giờ giận dỗi Nam”. Bà thừa nhận những việc đã làm là giúp sức Phan Sào Nam trong việc tổ chức đánh bạc.
Xuất hóa đơn khống hàng chục tỷ đồng
Theo điều tra, Phan Sào Nam nhờ Huỳnh Trọng Văn (Giám đốc Công ty ODS) xử lý giảm thuế thu nhập doanh nghiệp bằng cách mua hóa đơn đầu vào với chi phí 10% trên tổng giá trị ghi trên hóa đơn. Sau đó, 2 công ty do Nam điều hành hoặc mượn pháp nhân gồm Công ty Nam Việt và VTC Online ký hợp đồng thuê máy chủ, đường truyền của ODS.
Hai bên thỏa thuận Phan Sào Nam chuyển tiền cho ODS theo doanh số trên hóa đơn, sau đó công ty do Huỳnh Trọng Văn điều hành sẽ chuyển lại khoảng 90% số tiền vào tài khoản do Nam chỉ định.
Từ tháng 8/2015 đến đầu 2017, Huỳnh Trọng Văn bán cho Công ty Nam Việt và VTC Online 36 hóa đơn GTGT khống với tổng doanh số hơn 85 tỷ đồng. Văn chuyển lại tài khoản của phía Phan Sào Nam hơn 78 tỷ và hưởng lợi 7,8 tỷ còn lại.
Cảnh sát dẫn giải Phan Sào Nam đến tòa. Ảnh: Việt Linh.
Trả lời HĐXX, Huỳnh Trọng Văn khai được trích lại % chênh lệch từ việc nâng khống hoá đơn. Bị cáo khẳng định công ty cho Nam Việt và VTC online thuê 93 máy chủ, sau đó mới nâng khống số lượng lên 267 máy để xuất hóa đơn GTGT.
Giám đốc Công ty ODS nói chỉ hưởng lợi 116 triệu. Số tiền 7,6 tỷ đồng còn lại được doanh nghiệp này chi để bảo trì, vận hành 93 máy chủ đã cho phía Phan Sào Nam thuê. Bị cáo mong HĐXX xem xét trừ các khoản chi hợp lý khi đánh giá số tiền hưởng lợi bất chính.
Đưa ra các chứng cứ, viện kiểm sát cho rằng Công ty ODS chỉ xuất hóa đơn khống, không cung cấp dịch vụ cho thuê máy chủ. 10% số tiền công ty nhận lại thực chất là 10% thuế VAT của hóa đơn xuất ra. Lời khai cũng thể hiện khi gặp Văn, Phan Sào Nam chỉ đề nghị phía ODS nâng khống số lượng, không cần cung cấp dịch vụ.
Ngoài ra, kiểm sát viên chỉ ra các dải IP mà Huỳnh Trọng Văn khai cho Công ty Nam Việt thuê, thực tế không được công ty này sử dụng. “Công ty OSD không có dịch vụ, chỉ xuất hóa đơn khống nên không chấp nhận hoàn các khoản chi phí”, đại diện cơ quan công tố nói.
Đại diện VKSND cho rằng ODS xuất hóa đơn khống cho phía Phan Sào Nam. Ảnh: Việt Linh.
Sau đó, bị cáo Văn giải thích nhiều trường hợp, phía thuê máy chủ quên sử dụng dịch vụ nhưng vẫn thanh toán theo hợp đồng. Giám đốc Công ty ODS cho biết thêm ông từng nhiều lần giúp Cục cảnh sát công nghệ cao, Cục cảnh sát hình sự và các đơn vị công an đấu tranh phòng chống tội phạm. Do thất lạc giấy khen các đơn vị này nên bị cáo đã nhờ xác nhận lại việc khen thưởng.
Được mời lên thẩm vấn, Phan Sào Nam xác nhận việc Văn khai bán hóa đơn là đúng sự thật. Tuy nhiên, Nam không nhớ một số chi tiết trong đó có việc công ty của Huỳnh Trọng Văn bàn giao máy chủ cho các đơn vị thuê.
Theo Zing