Trong những câu chuyện kể ấy thì chuyện mẹ chồng - nàng dâu luôn là chủ đề rôm rả.

Câu chuyện của hai người bạn tên Quyên và Nhung của chúng tôi là một ví dụ. Một người thì luôn cảm thấy hớn hở với một gia đình viên mãn. Còn người kia thì luôn ủ dột, than phiền vì mối quan hệ chẳng mấy tốt đẹp trong gia đình.

Có dịp về thăm gia đình Quyên ở quê, chúng tôi cứ ấn tượng mãi. Mẹ chồng Quyên có 7 người con, với 4 người con trai và 3 người con gái. Tất cả ngần ấy người con đều đã phương trưởng.

Mỗi dịp lễ tết, ngày giỗ thì dù ở xa mấy, con cháu đều cố gắng về quây quần, sum họp. Một phần là để thắp nén nhang tưởng nhớ ông bà, gia tiên tiền tổ, phần là để gặp mặt nhau, hỏi han, chia sẻ. Tất cả đều hòa thuận và đồng thuận.

Nếu con cháu trong gia đình, ai có vấn đề gì, mọi người cùng bàn bạc, tháo gỡ.

Chị em dâu nghi kỵ nhau vì mẹ chồng không ngừng so sánh-1
Ảnh minh hoạ: bridestory.com

Con nhà cô dì, chú bác đều thân thiết, quý mến nhau như anh chị em ruột. Vì thế, gia đình lúc nào cũng êm ấm, đông vui, nhiều người thành đạt.

Mỗi lần chúng tôi về thăm nhà bạn lại được nghe các anh chị em của chồng Quyên, đặc biệt là các anh chị em dâu, rể kể về mẹ chồng, mẹ vợ. Dù bà đã đi xa cách nay cả chục năm nhưng trong tâm trí của con cháu, bà vẫn như hiển hiện hàng ngày, vẫn nụ cười, giọng nói chân tình, ấm áp.

Quyên bảo, ngày mới về làm dâu, là dân thành phố, mỗi lần về quê, Quyên chẳng biết làm gì, nấu nướng cũng rất tệ, nhất là phải đun bếp rơm rạ, lửa bốc nhanh, khói ngùn ngụt, cay xè mắt. Có hôm ăn gần hết bữa, bà mới phát hiện vài cọng rơm cháy dở trong nồi canh. Còn chuyện cơm lẫn tro bếp thì hết sức bình thường.

Mỗi lần thấy vậy, bà nhanh tay múc cọng rơm hoặc hớt hết tro bếp vào bát của mình rồi âm thầm đổ đi, tránh cho bữa cơm mất vui. Sau đó, bà giành hết việc nấu nướng và chỉ dẫn Quyên từng tý một.

Chị em dâu nghi kỵ nhau vì mẹ chồng không ngừng so sánh-2
Ảnh minh hoạ: liveboldandbloom.com

Từ sự bao dung của bà, Quyên không còn ngại nấu nướng, đánh vật với bếp rơm rạ. Không chỉ Quyên mà với tất cả con dâu trong nhà, bà đều tận tâm chỉ bảo, khiến ai cũng phải nể phục, làm theo.

Còn Nhung thì khác. Nhung sinh ra ở nông thôn, lấy chồng thành phố. Những tưởng cuộc đời sẽ sang trang. Thế nhưng, ngay từ khi bước chân về nhà chồng, Nhung đã phải chịu sự soi xét, áp đặt của mẹ chồng.

Biết tính mẹ chồng và để thích nghi với cuộc sống nhà chồng, Nhung đã tham gia nhiều lớp học, đọc nhiều sách dạy nấu ăn, kỹ năng ứng xử, cách tổ chức cuộc sống gia đình.

Vậy mà, đến nay đã mấy chục năm về làm dâu, Nhung vẫn không thể lọt vào "mắt xanh" của mẹ chồng. Bà không ngừng so sánh Nhung với những người con gái của bà. Những gì tốt đều thuộc về con gái, những gì dở đều thuộc về con dâu.

Lạ một điều là giữa những người con gái, bà cũng hay đem ra so sánh với nhau. Vì thế, các con gái của bà cũng chẳng ưa gì nhau, nhất là khi bà lại có của ăn của để, có của để dành là ngôi nhà mặt phố.

Mỗi khi bà bực tức người con nào, bà lại dọa sẽ không để lại thừa kế cho người đó, khiến không chỉ con dâu, con rể mà ngay cả các con đẻ cũng tỏ ra nghi kỵ, tranh giành nhau. Mỗi khi nhà có việc, gia đình Nhung lại như "chảo lửa".

Theo Phụ Nữ Việt Nam