Các nhà khoa học đã khám phá ra rằng, chị em nào tập luyện chăm chỉ hơn trong vòng 2 tuần đầu chu kỳ hàng tháng của mình sẽ tăng được nhiều cơ hơn so với tập luyện vào 2 tuần cuối. Kết quả này thực sự có ích cho tất cả những chị em nào đến phòng tập thể dục vì mục đích tăng cơ hay giảm cân.
Ngoài ra, cũng theo nghiên cứu trên, vận động viên nữ chuyên nghiệp không cần thiết phải lo lắng về khoảng thời gian "đèn đỏ" trong tháng của họ khi thi đấu. Thậm chí, họ hoàn toàn có thể biến việc này trở thành lợi thế.
Chuyện "đến tháng" được bàn luận rôm rả sau khi tay vợt số 1 người Anh Heather Watson phàn nàn rằng nguyệt san đã khiến cô thất bại ngay từ vòng đầu tiên tại giải Australia Mở rộng năm 2015. Cô bày tỏ, "chuyện phụ nữ" khiến cô thấy "đau đầu nhẹ và giảm sút năng lượng" Vận động viên bơi lội Trung Quốc, Fu Yuanhui, tại kỳ Thế vận hội năm qua cũng thành thực chia sẻ rằng, cô thi đấu đúng vào khoảng thời gian "đang bị", và đó là nguyên do khiến thành tích không cao.
Mặc dù một số chị em có thể phải chịu đựng cảm giác đau đớn nhiều hơn, tình trạng mệt mỏi chóng mặt nghiêm trọng hơn, nghiên cứu do nhóm các nhà khoa học tại Đại học Umea, Thuỵ Điển tiến hành, cho thấy, tập luyện tích cực vào khoảng thời gian này thực sự giúp phụ nữ cải thiện hiệu quả hoạt động của họ.
Theo đó, nhóm các nhà khoa học đã xem xét tác động của việc luyện tập vào những thời điểm khác nhau lên cơ thể 59 phụ nữ trong chu kì kinh . Bài tập cụ thể ở đây là luyện sức bền của chân với cường độ cao, kéo dài trong 4 tháng. 1 nhóm tập luyện tích cực hơn trong 2 tuần đầu chu kỳ kinh – khi họ bắt đầu ra máu – trong khi nhóm sau tập luyện tích cực trong nửa sau chu kỳ kinh. Còn nhóm thứ 3 tập luyện với mức độ thường xuyên không đổi trong suốt 4 tháng, bất chấp thời điểm "đèn đỏ".
Kết quả, nhóm đầu tiên có khả năng bật nhảy cao hơn trong một chuỗi các bài kiểm tra sau đó, so với các nhóm còn lại.
Bác sĩ Lisbeth Wikström-Frisén, giảng viên khoa dược thể thao Đại học Umea, người thực hiện nghiên cứu trên, cho biết: "Chúng tôi đã chứng minh được rằng, các bài tập tăng cường sức mạnh trong 2 tuần đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt – giai đoạn phát triển nang buồng trứng (follicular phase) - rất có hiệu quả. Hiểu biết tốt hơn về chu kỳ kinh nguyệt giúp việc luyện tập hiệu quả hơn".
Theo bác sĩ Wikström-Frisén, có khả năng một số hormone sản sinh ra trong nửa đầu chu kỳ kinh nguyệt giúp tăng cường sự phát triển cơ bắp. Bà nhấn mạnh: "Nguyên do có thể nằm ở chính hiệu ứng đồng hoá của oestrogen".
Trước đó, một nghiên cứu do Đại học St Mary’s và College London cho thấy, 41,7% phụ nữ tin rằng chu kỳ kinh nguyệt ảnh hưởng tới hiệu quả thi đấu của họ trong các môn thể thao. Hannah Macleod, thành viên đội khúc côn cầu tham dự Olympic của Anh, tiết lộ, thông tin về chu kỳ kinh nguyệt của toàn bộ thành viên đội tuyển trong suốt hơn 1 năm đã được huấn luyện viên ghi chép tỉ mỉ. Tại thời điểm đó, Macleod cho biết: "Một số vận động viên trở nên thất thường hơn về tâm lý và đánh mất khả năng phối hợp. Các bài tập đối với họ có cảm giác khó hơn, nặng hơn và có thể thay đổi thân nhiệt".
Tuy nhiên, vận động viên marathon Paula Radcliffe chia sẻ: "Nguyệt san là một trong những thứ có thể trở thành vấn đề lớn nếu bạn cho phép điều đó diễn ra". Bản thân Radcliffe khẳng định, cô không để kỳ kinh nguyệt tác động tới khả năng thi đấu của mình.
Bác sĩ Wikström-Frisén cho biết thêm, bà hi vọng sẽ tiến hành nhiều nghiên cứu hơn nữa với sự tham gia của các vận động viên hàng đầu để tìm hiểu cách họ tận dụng chu kỳ kinh nguyệt nhằm tối đa hoá hiệu quả tập luyện như thế nào. Bà bày tỏ: "Chúng ta cần nghiên cứu nhiều nhóm phụ nữ khác nhau với mục tiêu tập luyện khác nhau - từ những vận động viên thể thao hàng đầu tới những bài tập giúp phục hồi chức năng và dạng bài tập vì mục đích giải trí".
Theo TTVN