Chị P.T.V., 30 tuổi, sống tại Bắc Ninh bị sẹo lồi lưng, ngực từ 17 năm nay. Có rất nhiều vết sẹo to liên kết với nhau có kích thước 1x3 cm, cảm giác ngứa, nhức, khó chịu, khiến chị V. rất mất tự tin.
Chị V. cho biết, trong độ tuổi dậy thì, chị có rất nhiều mụn bọc vùng ngực và lưng, do chăm sóc điều trị không đúng, sẹo lồi hình thành sau thời gian xuất hiện mụn bọc. Theo thời gian, sẹo lồi ngày càng phát triển.
Sẹo lồi lớn làm chị tự ti, thậm chí, chị V. không dám mặc áo hở phần ngực cổ. Chị V. đã tự mua các thuốc bôi và nghe theo lời bạn bè khuyên đi phẫu thuật, với mong muốn sẹo "biến mất" hoàn toàn.
Cách đây không lâu, chị V. tìm đến cơ sở spa có làm dịch vụ điều trị sẹo lồi ở Bắc Ninh. Cơ sở này liên tục đưa ra lời quảng cáo có cánh đó là chỉ cần dùng laser đốt sẹo một lần để điều trị triệt để.
Chị V. đã quyết định chi gần 20 triệu đồng để sử dụng phương pháp điều trị này và mua một bộ sản phẩm trị giá 5 triệu đồng để bôi thoa.
Tuy nhiên, sau liệu trình, vết sẹo của chị không biến mất mà còn phát triển to hơn, thậm chí các sẹo còn liên kết lại với nhau thành một mảng lớn.
Khi phản ánh với cơ sở spa, đơn vị này tìm đủ lý lẽ để chối trách nhiệm. Theo cơ sở này, chị V. không hết sẹo vì có cơ địa đặc biệt.
Dạo gần đây, vết sẹo của chị dường như phát triển hơn so với trước, khiến sự đau nhức và ngứa ngáy tăng lên nhiều lần.
Sẹo lồi của bệnh nhân nặng hơn sau khi điều trị tại spa (Ảnh: Bác sĩ cung cấp).
Trực tiếp thăm khám cho chị V., ThS.BS Nguyễn Văn Hoàn, Thành viên Hội Da liễu Việt Nam chia sẻ: "Bệnh nhân đến khám với bác sĩ trong tình trạng chán nản, cảm thấy rất tự ti vì vết sẹo vùng ngực.
Trong quá trình khám bệnh, nghe bệnh nhân tâm sự, tôi cảm thấy rất đáng tiếc. Nếu như chị đến khám sớm hơn và điều trị đúng thì tổn thương sẹo đã không nặng nề như vậy".
Theo BS Hoàn, sẹo lồi và sẹo phì đại là kết quả của sự tăng sinh quá mức của mô đối với những tổn thương da, đặc trưng bởi sự tăng sinh nguyên bào sợi tại chỗ và sản xuất quá mức collagen.
Sẹo lồi là những khối u dạng sợi vượt ra ngoài vùng tổn thương ban đầu đến vùng da bình thường lân cận, sẹo không tự thoái triển và thường tái phát sau điều trị.
"Phương pháp phẫu thuật điều trị sẹo lồi được áp dụng trong một số trường hợp đặc biệt: sẹo vùng dái tai, kết hợp phẫu thuật và tiêm nội sẹo. Sẹo lồi ở các vị trí khác không được phẫu thuật, không được sử dụng các công nghệ laser CO2, đốt điện để đốt, bốc bay sẹo.
Việc này có thể khiến sẹo phát triển mạnh hơn ban đầu và chắc chắn không có phương pháp điều trị sẹo một lần duy nhất", BS Hoàn phân tích.
Với trường hợp của chị V., BS Hoàn chỉ định điều trị đa trị liệu: Tiêm nội tổn thương, kết hợp công nghệ laser màu để giảm quá trình tăng sinh, phát triển sẹo, giảm triệu chứng ngứa, đau và kích thước, độ cứng của sẹo.
Theo BS Hoàn, nếu cơ thể dễ bị sẹo lồi hoặc có người thân trong gia đình đã bị sẹo lồi nên thận trọng trong việc thực hiện các việc sau, để ngăn ngừa sự hình thành sẹo lồi:
- Không xỏ lỗ tai, xỏ khuyên trên cơ thể.
- Không xăm mình, thủ thuật thẩm mỹ (Nếu muốn phẫu thuật, cần liên hệ bác sĩ da liễu kiểm tra da trước khi phẫu thuật để tránh nguy cơ gây sẹo lồi).
- Chăm sóc mọi vết thương ngay lập tức, để giúp da nhanh lành, giảm nguy cơ để lại sẹo. Hạn chế cào gãi, ma sát vào tổn thương sẹo.
"Nếu có vết sẹo lồi hay sẹo xấu, bệnh nhân cần đến thăm khám trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa, không nên điều trị tại các cơ sở không uy tín tránh tiền mất tật mang", BS Hoàn nhấn mạnh.
Theo Dân Trí