Từ phim chiếu mạng lên màn ảnh rộng là một bước tiến khá dài mà không phải ai cũng làm được. Và dĩ nhiên Chị Mười Ba nằm trong phần lớn những bộ phim không làm được với một kịch bản lỏng lẻo và thiếu điểm nhấn.
Chuyện phim Chị Mười Ba tiếp tục xoay quanh An Cư Nghĩa Đoàn - một nhóm giang hồ liên kết với nhau để kinh doanh tại khu Chợ Mới. Lúc này, địa bàn của họ bị ông trùm Hắc Hổ và đàn em Bi Long (Khương Ngọc) dòm ngó để buôn ma túy.
Vừa lên tiếng từ chối, anh Hai (Lê Quốc Nam) đã bị ám sát chết để chị Mười Ba (Thu Trang) lên nắm quyền. Ngay lập tức, nội bộ trong An Cư Nghĩa Đoàn nảy sinh mâu thuẫn gay gắt để tranh giành quyền lực. Nhân cơ hội, Hắc Hổ giăng bẫy để từng người một mất mạng hay rơi vào vòng lao lý.
Đối với "Thập Tam Muội", "Chị Mười Ba" là gì?
Ngay trong quá trình quảng bá Chị Mười Ba, ê kíp đã lưu ý rằng đây chính là đoạn kết của bộ ba tập phim Thập Tam Muội đình đám trên Youtube. Thật vậy, nếu ai chưa từng xem qua loạt phim trên sẽ khó mà hiểu được An Cư Nghĩa Đoàn là gì, mối thù Chợ Cũ – Chợ Mới ra sao hay các nhân vật quan trọng cứ mãi cãi nhau chí chóe.
Thế nhưng, sau khi xem Thập Tam Muội rồi thì những câu hỏi đó vẫn còn y nguyên. Ngoài những cái tên, nhân vật quen thuộc như Vi Cá (Quách Ngọc Tuyên), Bảy Gà (Hứa Minh Đạt) hay Hoàng Hí Hửng (Hoàng Mèo) thì cả hai phiên bản gần như chẳng liên quan gì.
Kẽm Gai (Anh Tú) bất ngờ được “hồi sinh” sau khi ăn tới 4 phát đạn xuyên người. Hồng Phất Nữ (Diệu Nhi) được hé lộ là đàn em của Bi Long rồi lên phim lại được quay về một cách khó hiểu. Đường Băng (Tiến Luật) từ bảo kê vũ trường sang bán điện thoại di động. Thập Tam Muội từ khu kĩ viện thành tiệm rửa xe kiêm bán cà phê.
Nhóm giang hồ trong phim mất luôn những hình xăm hổ báo và luôn nói chuyện “chiến lược” kinh doanh hệt như những doanh nhân thành đạt. Họ nói không với ma túy vì vi phạm pháp luật nhưng vẫn kéo đàn em đi chém nhau mỗi khi địa bàn gặp chuyện.
Rốt cuộc thì An Cư Nghĩa Đoàn trong phim trực tiếp kinh doanh hay hoạt động bảo kê? Và bảo kê lẫn đâm thuê chém mướn trong “vũ trụ” của Chị Mười Ba là không vi phạm pháp luật?
Nhạt từ nội dung cho tới tình tiết
Dán nhãn C18 dành cho khán giả trên 18 tuổi nhưng không hiểu sao nội dung của Chị Mười Ba không khác gì dành cho trẻ em dưới 8 tuổi. Cho tới lúc xem xong, khán giả cũng chẳng biết xếp phim này vào thể loại gì vì hài không vui, hành động lại chẳng tới và đấu trí cũng chẳng ra sao.
Hơn nửa thời lượng đầu phim bị kéo dài một cách lê thê đến buồn ngủ bởi các tình tiết không đầu không cuối. Nhiều phân đoạn gần như không có chức năng gì ngoài tấu hài nhưng chẳng ai nhếch mép nổi vì quá nhạt nhẽo. Khán giả từng thích Thập Tam Muội vì yếu tố gây cười nhưng chắc chắn không đến mức lố lăng như phiên bản điện ảnh.
Không những thế, cái hài còn ăn sâu vào tận những yếu tố hành động khiến cả bộ phim không có nổi một trận đánh ra hồn. Những cảnh cận chiến trong phim được dàn dựng cẩu thả và hời hợt như “mèo quào”, thua cả những bộ web drama ăn theo như Vi Cá Tiền Truyện hay Thập Tứ Cô Nương chứ chưa nói tới phim chuyên hành động như Hai Phượng.
Trên Youtube, “anh chị” nào cũng có đàn em đông đảo là thế nhưng khi lên màn ảnh rộng với kinh phí lớn hơn thì chẳng hiểu sao các diễn viên quần chúng lại “bốc hơi” toàn bộ. Chẳng trách sao các tay trùm trong nhóm An Cư Nghĩa đoàn lại phải tự mình đi làm mọi việc từ đánh nhau cho tới canh đàn em trong bệnh viện.
Từ đây mà những cảnh đấu trí giữa hai băng đảng được làm ngây ngô hết chỗ nói. Đôi khi, người xem phải thầm ước giá như họ “nguy hiểm” được một nửa những gì được rêu rao hay chịu khó mang theo vài ba tên đàn em thì phim đã chẳng dài dòng đến thế.
Những “cú twist” liên tục của phim đúng là có mang đến bất ngờ nhưng là bất ngờ đến ngã ngửa khi không thể tin được những gì diễn ra trên màn hình lại phi lí như thế. Thật nực cười khi hai nhóm giang hồ đang thanh toán lẫn nhau thì một phe chọn cách... báo công an để trả đũa.
Hay như ông trùm Hắc Hổ được mệnh danh là bí ẩn đến mức chẳng ai biết mặt thì chỉ sau vài phút sau lại tự thân đi thực hiện mọi giao dịch mà chẳng có nổi một đứa đàn em thân tín. Không những thế, đội ngũ biên kịch còn “khéo léo” biến những nhân vật khó ngờ nhất thành cảnh sát chìm cho thêm phần nhảm nhí.
Chị Mười Ba rơi vào vết xe đổ của hàng chục bộ phim Việt trước đây khi giới thiệu thì đao to búa lớn, từ ngữ luôn “tỏ ra nguy hiểm” nhưng thực tế thì không khác gì con hổ giấy. Nếu không có vai diễn “biến thái” xuất sắc của Khương Ngọc thì khán giả khó mà xem hết Chị Mười Ba mà không ngáp ít nhất 13 cái.
Nhìn chung, Chị Mười Ba chỉ nên dừng lại là một bộ phim chiếu mạng thì hơn chứ đừng quá tham vọng thành một tác phẩm điện ảnh.
Xuân Vũ
Theo Vietnamnet