Covid-19 - Cập nhật tin tức mới nhất

Chi phí chữa trị cho phi công người Anh mắc Covid-19 do BV Nhiệt đới TP.HCM chi trả

Bộ Y tế đang xem xét khả năng ghép phổi cho phi công người Anh. Hiện toàn bộ chi phí chữa trị cho BN91 vẫn do BV Nhiệt đới TP.HCM chi trả.

Chi phí điều trị tốn kém, mỗi lần lọc máu tốn cả trăm triệu đồng

Ngày 10/5, Sở Y tế TP.HCM cho biết, phi công người Anh (bệnh nhân COVID-19 thứ 91) đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM vẫn trong tình trạng rất nặng. Bệnh nhân không sốt, mạch và huyết áp ổn định, đang tiếp tục được dẫn lưu, lọc máu, thở máy.

Bệnh viện sử dụng nhiều loại thuốc tốt nhất đặt mua từ nước ngoài về như thuốc an thần, thuốc kháng đông... cho bệnh nhân này.

Chi phí chữa trị cho phi công người Anh mắc Covid-19 do BV Nhiệt đới TP.HCM chi trả-1

Lãnh đạo khoa Nhiễm D - nơi trực tiếp điều trị cho phi công này - cho biết, kể từ khi nhập viện đến nay, toàn bộ chi phí điều trị của bệnh nhân 91 đang do Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM chi trả. 

Tính đến ngày 10/5, phi công người Anh được can thiệp ECMO (oxy hóa màng ngoài cơ thể) 35 ngày, thở máy qua mở nội khí quản ngày thứ 17. Việc chạy ECMO khá tốn kém, mỗi lần thay màng lọc có thể tốn gần trăm triệu đồng. 

Bệnh nhân 91 rất nặng, sử dụng máy thở không còn hiệu quả

Cũng trong sáng  nay, Tiểu ban điều trị - Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống Covid-19 cho biết, tình trạng người bệnh vẫn rất nguy kịch.

Hiện bệnh nhân nằm yên/an thần, không sốt, siêu âm tim phổi co bóp đồng bộ, phổi phải hết tràn khí, nhiều bline mặt trước và bên, xẹp thùy sau dưới, ít dịch màng phổi phải, phổi trái nhiều bline mặt trước và bên.

Theo TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho biết nếu trước đó bệnh nhân chỉ bị đông đặc một bên phổi, thì bây giờ cả hai phổi đều rơi vào tình trạng này.

Việc cả 2 lá phổi đều đông đặc, nếu tiếp tục kéo dài sẽ khiến phổi trở thành "ổ dịch" để vi khuẩn sinh sôi mạnh trong cơ thể bệnh nhân.

Trước đó, trong cuộc họp chuyên môn chiều 7/5 tại Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chẩn đoán và điều trị Covid-19, Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế tiếp tục đề nghị cân nhắc phương án ghép phổi cho bệnh nhân, với nỗ lực tìm mọi cách cứu chữa.

Chưa thể ghép phổi cho nam phi công được

Chiều 10/5, tại cuộc hội chẩn trực tuyến liên viện để đánh giá khả năng ghép phổi cho bệnh nhân Covid-19 số 91, hội đồng chuyên môn tham gia hội chẩn là các chuyên gia đầu ngành tại 5 điểm cầu gồm: Trung tâm quản lý, điều hành hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị người bệnh COVID-19 đặt tại Bộ Y tế; 4 điểm cầu còn lại là Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) và Bệnh viện Trung ương Huế.

Theo nhận định của các chuyên gia, bệnh nhân số 91 vẫn rất nguy kịch, phải nằm yên, an thần và 2 phổi đã đông đặc nên việc sử dụng máy thở không còn hiệu quả. Thay vào đó, nhiều ngày qua, bệnh nhân được áp dụng phương pháp ô xy hóa qua màng ngoài cơ thể hay còn gọi là phương pháp tim phổi nhân tạo (ECMO).

Với tình trạng nguy kịch của bệnh nhân, các chuyên gia nhận định chưa thể ghép phổi. Muốn ghép được thì phải đợi tình trạng phổi của bệnh nhân không còn bị nhiễm trùng. Ngoài ra, việc ghép phổi còn phải phụ thuộc vào nguồn tạng, độ tương thích giữa phổi của người chết não và người được ghép.

Trước mắt, các chuyên gia đề xuất xem xét khả năng chuyển Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị nội khoa tích cực.

Trước đó, bệnh nhân số 91 nhập Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh để điều trị từ ngày 20/3 với tổn thương phổi, sau đó sức khỏe liên tục diễn biến xấu và trong nhiều thời điểm tiên lượng khó qua khỏi.

Ngày 6/5 vừa qua, mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân có kết quả dương tính sau 5 lần âm tính liên tiếp. Ngày 9/5, bệnh nhân tiếp tục dương tính với virus SARS-CoV-2.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Giám đốc Trung tâm quản lý, điều hành hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị người bệnh COVID-19 cho biết: “Bệnh nhân tiên lượng vẫn nặng không mấy hy vọng. Bệnh nhân này béo phì và nhiều bệnh nền. Bệnh nhân áp dụng phương pháp tuần hoàn ngoài cơ thể, phải sử dụng tim phổi nhân tạo dài ngày rồi”.

Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, đến chiều ngày 10/5, Việt Nam tiếp tục bảo vệ được thành quả bước đầu trong cuốc chiến chống dịch COVID-19 là 24 ngày không phát hiện ca bệnh mắc mới trong cộng đồng. Đến nay, Việt Nam cũng ghi nhận tổng cộng 148 ca nhiễm nhập cảnh nhưng đều được cách ly ngay.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 11.130, trong đó:

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 180

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 6.146

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 4.804

MT (Tổng hợp)
Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/ban-doc/cong-dong/chi-phi-chua-tri-cho-phi-cong-nguoi-anh-mac-covid19-do-bv-nhiet-doi-tphcm-chi-tra-n-221607.html

SARS-CoV-2 COVID-19 Virus Corona

Tin tức mới nhất

Bạn đang xem bài viết trong sự kiện: Covid-19 - Cập nhật tin tức mới nhất