Đây là thông tin được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng cho biết tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 vào sáng 1/12.
Sáp nhập 6 ủy ban, kết thúc hoạt động Ủy ban Đối ngoại
Theo ông Hưng, đối với các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Chính trị yêu cầu nghiên cứu, đề xuất sáp nhập, kết thúc hoạt động của một số cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trong đó, sáp nhập Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Ngân sách; sáp nhập Ủy ban Xã hội và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; sáp nhập Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Pháp luật.
Ngoài ra, phương án này cũng đề cập đến việc kết thúc hoạt động của Ủy ban Đối ngoại theo hướng chuyển nhiệm vụ chính về Bộ Ngoại giao; một phần công việc về Văn phòng Quốc hội.
Cùng với đó là nghiên cứu chuyển Ban Dân nguyện thành Ban Giám sát và Dân nguyện.
Tòa nhà Quốc hội. Ảnh: Hoàng Hà
Ông Hưng cho biết, phương án này cũng đưa ra việc nghiên cứu tinh gọn mô hình Tổng Thư ký, Phó Tổng Thư ký và Ban Thư ký Quốc hội; nghiên cứu chuyển các vụ chuyên môn của Văn phòng Quốc hội về trực thuộc các Ủy ban của Quốc hội, các ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đồng thời, kết thúc hoạt động của Viện Nghiên cứu Lập pháp, chuyển chức năng, nhiệm vụ về các cơ quan liên quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ngoài ra, việc tinh gọn bộ máy các cơ quan của Quốc hội cũng đề cập đến việc nghiên cứu kết thúc hoạt động của Truyền hình Quốc hội, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Đài Truyền hình Việt Nam; giao Đảng đoàn Quốc hội chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và biên chế.
Đặc biệt, chủ trương đưa ra là không bố trí chức danh ủy viên thường trực, ủy viên chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; các ủy ban của Quốc hội có chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, khi thực hiện phương án này, bộ máy của Quốc hội sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tạm dừng tuyển dụng công chức, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử
Bên cạnh phương án này, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương lưu ý đến việc xây dựng kế hoạch, xác định rõ bước đi, lộ trình cụ thể, bảo đảm các cơ quan, đơn vị, tổ chức sau sắp xếp hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả ngay, không để gián đoạn công việc, không đề bỏ trống địa bàn, lĩnh vực, không đề ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị, tổ chức và xã hội.
Ngoài ra, các cơ quan cũng cần đề xuất, xây dựng phương án, chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết để sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi có quyết định của cấp có thẩm quyền.
Trong đó, khẩn trương ban hành chính sách vượt trội và đặc biệt quan tâm giải quyết chế độ, chính sách, thực hiện tốt công tác chính trị tư tưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động…
Để việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy được diễn ra thuận lợi, ít xáo trộn, Bộ Chính trị đã có chủ trương về việc tạm dừng tuyển dụng công chức, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử... trong thời gian thực hiện sắp xếp.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm chủ trương này theo chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Theo Vietnamnet