Cách làm của thiền sư

Có một vị thiền sư lớn tuổi sống cùng một người đồ đệ lúc nào cũng than thở về mọi thứ.

Buổi sáng nọ, thiền sư sai người đồ đệ của mình đi lấy muối. Khi cậu miễn cưỡng mang muối về, ông lại bảo rằng hãy đổ muối vào cốc nước và uống nó, sau đó cho ông biết mùi vị ra sao.

Người đồ đệ làm theo và thốt lên: "Mặn chát!"

Thiền sư già chỉ cười rồi bảo cậu hãy mang một nắm muối đi theo ông. Đến một hồ nước gần đó, ông bảo đồ đệ đổ muối vào hồ nước và nói: "Bây giờ con hãy nếm thử nước trong hồ đi".

Sau khi thấy đồ đệ làm theo, thiền sư lại hỏi mùi vị thế nào. Lần này cậu đáp: "Thưa thầy, nước mát và ngọt lắm!"

Thiền sư hỏi: "Con có thấy mặn không?"

Đồ đệ trả lời: "Dạ không ạ!"

Sau đó, thiền sư tới ngồi bên cạnh người đồ đệ luôn than vãn này của mình, nắm tay cậu và nói: "Con của ta ơi, sự đau khổ trong cuộc đời cũng giống như chỗ muối này, chỉ có một số lượng nhất định, không nhiều mà cũng không ít. Và sức chứa của lòng ta sẽ quyết định mức độ đau khổ.

Vì thế, khi con cảm thấy đau khổ, hãy mở rộng tấm lòng cho đến khi to bằng một hồ nước, chứ không phải để nó mãi nhỏ bé tựa như một cốc nước".

Chỉ với 1 cốc nước muối, hòa thượng già giúp chúng ta tránh xa khổ đau: Ai cũng nên ngẫm-1
Ảnh minh họa.

Lời bình

Quả đúng như vậy! Sự đau khổ của đời người cũng giống như số muối kia. Sở dĩ chúng ta cảm thấy đau khổ và phiền não là do lòng dạ ta còn hẹp hòi.

Nếu tấm lòng ta cũng rộng lớn như hồ nước, hết thảy mọi đau khổ rồi sẽ nhanh chóng trở nên phai nhạt, tựa như khi ta đổ số muối đó vào hồ, nhưng nước hồ vẫn giữ nguyên vị ngọt ban đầu mà chẳng hề thay đổi.

Sự đau khổ trên đời là hữu hạn, nhưng tấm lòng ta lại có thể mở rộng tới vô cùng. Với tấm lòng khoan dung độ lượng, ta có thể biến chuyện lớn hoá nhỏ, chuyện nhỏ thành không. Và khi ấy ta sẽ thấy, tấm lòng rộng lượng có thể bao dung vạn vật, kể cả những đau khổ không như ý.

Khoan dung tức là khoan nhượng và chấp nhận mọi thứ của người khác như giá trị quan, lời nói cũng như cách hành xử của họ. Bởi trên thế gian này mỗi người mỗi vẻ, ai cũng có tính cách của riêng mình.

Và bất kể là khi họ hấp tấp hay bình tĩnh, khi họ hoạt bát hay nghiêm túc, họ đều xứng đáng được đối xử một cách khoan dung. Do đó, chúng ta hãy học cách nghiêm khắc với chính mình và khoan dung với người khác.

Khoan dung là một đức tính, đồng thời cũng biểu hiện cho tấm lòng rộng lượng và sự thu hút trên phương diện nhân cách. Đó còn là mức độ tu dưỡng, là cảnh giới vô ngã, là sức mạnh đạo đức cao thượng. Sức mạnh ấy sẽ bắt nguồn từ tấm lòng bình thản, rộng lượng, tự tin và trái tim nhân từ, độ lượng, bác ái.

Chỉ với 1 cốc nước muối, hòa thượng già giúp chúng ta tránh xa khổ đau: Ai cũng nên ngẫm-2
Khoan dung cũng là một loại trí tuệ. Người biết bao dung cho những gì đã qua mới có thể làm nên nghiệp lớn, biết nhẫn nại mới có thể thành tài.

Người có tấm lòng rộng lượng thường sẽ tự kiểm điểm lại những thiếu sót của bản thân mà không phải so đo những sai lầm của người khác. Họ luôn khoan dung độ lượng, tôn trọng người khác, tán thành ưu điểm, chấp nhận khuyết điểm, sau đó âm thầm giúp đỡ đối phương bổ sung và hoàn thiện bản thân.

Khoan dung cũng tức là tự chừa đường lui cho bản thân mình. Bởi đời người ai chẳng có lúc thành công, khi lại lận đận.

Hãy học cách tán thành và thương xót cũng như chung sống hòa bình với người khác. Khi đó, ta vừa không đánh mất chính mình, vừa có thể đạt được thành công. Người có văn hóa, có tu dưỡng sẽ dùng trái tim bao dung để giúp đỡ người khác, đồng thời trở nên thành công.

Có một câu nói như thế này: "Tấm lòng của bạn rộng đến đâu, thế giới trong mắt bạn sẽ rộng tới đó". Vì vậy thay vì để lòng mình mãi nhỏ bé như một cốc nước, hãy để nó được mở rộng để trở thành một hồ nước mênh mông.

Hãy để chúng ta dùng tấm lòng bao dung biến sự hiềm nghi thành lòng tín nhiệm, biến xung đột thành hòa bình, biến chiến tranh thành tơ lụa, từ đó khiến cuộc đời này càng trở nên tốt đẹp hơn.

Theo ICTVietnam