Chia sẻ của Facebook-er H.P về chuyện mỹ phẩm giả ở chợ đầu mối Trung Quốc.
(Ảnh chụp màn hình)
Làm đẹp là một nhu cầu tất yếu của tất cả chị em phụ nữ, kể cả nam giới, tuy nhiên, không phải sản phẩm nào được bán trên thị trường cũng đảm bảo chất lượng và an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng.
Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện một bài chia sẻ về chợ mỹ phẩm giả ở Trung Quốc khiến chị em lo lắng. Theo chia sẻ của tài khoản Facebook H.P, khu chợ này nằm gần sân bay Quảng Châu cũ. Ở đây có tất cả các loại mỹ phẩm từ hàng cao cấp đến hàng bình dân, từ thỏi son đến lọ thuốc nhuộm tóc, tất cả đều được bán với giá rất rẻ.
"Đây là chợ mỹ mhẩm giả của Trung Quốc nằm gần Sân Bay Quảng Châu cũ. Nếu đi từ bến xe Việt Tú Nam thì mất khoảng hơn 40 tệ tiền taxi. Người ta nói đi một ngày đang học một sàng khôn nhưng đi vào đây thấy bấy lâu ngu." - H.P viết.
Anh chàng liền chia sẻ một loạt giá sản phẩm rẻ đến bất ngờ khiến dân mạng mắt chữ O mồm chữ A, không hiểu tại sao các sản phẩm lại có giá rẻ đến vậy
Những thương hiệu son được chị em yêu thích bấy lâu nay được bán với giả chỉ hơn 10.000 đồng/thỏi. Giá cả của chúng không phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm mà là độ khó của vỏ son: "Son M.A.C đặt 1000 thỏi giá 3 tệ 8/thỏi (1 tệ = 3480 đồng). Các loại son khác đắt nhất 6 tệ tuỳ vào độ khó của vỏ."
Rồi cả thuốc nhuộm tóc: "Các bạn hay hỏi thuốc nhuộm có fake không. Mình trả lời luôn có nhé. Tigi có luôn 5 tệ. Mình biết vài salon lấy lại thuốc nhuộm có 24.000 đồng thôi, lên màu rực rỡ luôn."
Và còn vô số các loại sản phẩm giả khác với giá rẻ giật mình. Đáng chú ý, các sản phẩm giả ở đây đều được bán buôn với số lượng cực kỳ lớn.
- Xịt khoáng Avene lọ bé 12 tệ, lọ to 14 tệ (lấy 10 thùng trở lên).
- Phấn Naked 25 tệ 1 bảng (20 bảng trở lên).
- Nước hoa fake 18-25 tệ/ lọ, có hộp thêm 2 tệ thì phải.
- Dầu gội đầu giả thì bán theo lít nhưng xem ra Việt Nam ít lấy đi rồi vì lãi ít hơn son phấn."
Rất khó để người tiêu dùng phân biệt được hàng giả và hàng thật bởi mẫu mã của chúng
không có nhiều điểm khác biệt. (Ảnh: Facebook)
(Ảnh: Facebook)
Những chị em thích sở hữu làm da trắng nõn nà và cũng đang sử dụng một sản phẩm tắm trắng hay kem dưỡng trắng da nào đó chắc sẽ hoang mang lắm khi đọc đến đoạn này: "Kem trộn, kem trắng kem ủ nhiều loại lắm bán theo thùng 15 - 25 - 40kg, giá có mấy tệ 1 cân thôi. Hộp thiết kế tuỳ ý 4 - 8 tệ tuỳ chất luọng hộp. Còn lõi chắc như nhau."
Đáng sợ nhất chính là thuốc bổ, thực phẩm chức năng, thức có ảnh hưởng trực tiếp và lớn nhất tới sức khỏe con người hóa ra cũng được làm giả.
Bài đăng của tài khoản H.P nhanh chóng thu hút được đông đảo chị em quan tâm, chia sẻ. Chỉ chưa đầy một ngày đăng tải, nó đã nhận được hơn 4000 lượt share cùng hàng nghìn bình luận khác của cư dân mạng.
"Ôi thật kinh khủng, dùng hàng Việt Nam chất lượng cao cho an toàn nha mọi người", nickname Sống Chậm bình luận.
Facebooke Hoamaivn Phan cho rằng, nguyên nhân của nạn hàng giả là do có cầu nên cung phát trienerh: "Nhu cầu của con buôn nhiều nên chúng nó càng phải làm thôi."
Vân Anh: "Đây là lý do người ta bán chỉ có thế này thế kia? Mới có mỹ phẩm bôi xong ghẻ mặt thôi còn có thực phẩm chức năng uống xong thì lợn lành thành lợn què nữa nhé. Không biết nói gì với cả ng bán lẫn người mua."
Mỹ phẩm giả - tác hại khôn lường
Có thể nói, chưa bao giờ việc bán mỹ phẩm qua mạng lại phát triển và được nhiều người lựa chọn để kinh doanh đến thế. Tuy nhiên, trong hàng trăm hàng nghìn shop online xuất hiện mỗi ngày không phải nơi nào cũng bán hàng thật, đảm bảo chất lượng. Trên thị trường đã xuất hiện nhan nhản các shop bán mỹ phẩm nhái của nhiều thương hiệu uy tín với giá “rẻ bèo”, chỉ bằng một nửa, thậm chí còn rẻ hơn.
Kèm theo những lời quảng cáo quá hời về giá cả là những chiêu trò khuyến mãi hấp dẫn và đủ kiểu feedback (phản hồi) khen ngợi của khách hàng mà các chủ shop đem ra làm bằng chứng hòng lôi kéo niềm tin của người tiêu dùng.
Mỹ phẩm sinh ra để làm đẹp nhưng mỹ phẩm giả lại có tác dụng hoàn toàn ngược lại. Hầu hết chúng đều được làm ra từ những nguyên liệu kém chất lượng, có thể chứa độc tố. Bên cạnh đó, chúng còn được sản xuất và bảo quản ở môi trường kém vệ sinh, tiềm ẩn nhiều nguy hại khôn lường tới làn da và sức khỏe của người sử dụng, thậm chí có thể dẫn tới ung thư da và các bệnh khác.
Những triệu chứng thường gặp khi sử dụng phải mỹ phẩm giả: da bị phát ban mụn trứng cá, ửng đỏ, kích ứng, dị ứng, giãn mao mạch, sạm nám da…. Một số trường hợp nhẹ thì khắc phục dễ và nhanh, nhưng trường hợp nặng phải điều trị rất lâu, có khi nguy hiểm đến tính mạng.
Đã có rất nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra khi người tiêu dùng sử dụng phải mỹ phẩm giả không rõ nguồn gốc.
Gần đây nhất, cộng đồng mạng xôn xao về trường hợp một cô gái xinh đẹp có tên là H.O bị lừa sử dụng kem dưỡng da giả, sau một thời gian gương mặt của cô bị nhiễm độc đến mức xuất huyết.
(Ảnh: Facebook)
Chứng kiến nhiều câu chuyện như vậy, không thít thành viên mạng đã bị sốc, đặc biệt là các chị em phụ nữ.
Đây cũng chỉ là một trong số ít những trường hợp gặp biến chứng khi dùng mỹ phẩm giả công khai trên mạng xã hội và được nhiều người biết đến. Có thể, ngoài kia, còn rất nhiều người tiêu dùng khác đang gặp phải vấn đề tương tự nhưng chưa lên tiếng để cộng đồng được biết.
Tạm kết
Qua những chia sẻ của H.P và những tai nạn do dùng mỹ phẩm giả xảy ra trong thời gian qua, chị em đã nhận được nhiều bài học sâu sắc về chuyện mua mỹ phẩm qua giá rẻ, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Giữa cảnh mời chào đủ loại hàng hóa, phấn son… vô cùng hấp dẫn, tốt nhất, chúng ta phải có sự tìm hiểu kỹ càng trước khi mua bất kỳ sản phẩm để tránh tiền mất, tật mang.
Theo Đại đoàn kết