Chĩa súng vào nhân viên y tế, cán bộ công an bị xử lý thế nào?

Với hành động trên, cán bộ công an này sẽ bị xử lý như thế nào?

Câu hỏi

Công an huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, vừa tạm đình chỉ công tác ông Nguyễn Duy Ngọ (cán bộ Đội cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy) để xác minh việc người này dùng súng đe dọa 2 nhân viên y tế.

Theo công an, tối 11/11, trong lúc đi công tác, ông Ngọ nghe tin người thân bị bệnh nên chạy về đưa đi bệnh viện cấp cứu. Hình ảnh từ camera giám sát của Trung tâm y tế huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) cho thấy ông Ngọ không đeo khẩu trang, liên tục mắng chửi và cầm khẩu súng bắn đạn cao su chĩa về phía 2 nhân viên y tế.

Với hành động trên, ông Ngọ sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời

Tiến sĩ Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp

Hành vi sử dụng súng chĩa vào nhân viên y tế để đe dọa của ông Ngọ vừa thể hiện thái độ côn đồ, coi thường pháp luật, vừa gây mất an ninh trật tự, có dấu hiệu tội phạm.

Theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có hiệu lực từ tháng 7/2018, lực lượng vũ trang được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật. Việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của lực lượng vũ trang phải thuộc trường hợp pháp luật cho phép, đảm bảo an toàn cho người sử dụng và những người xung quanh. Nổ súng chỉ được phép khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự.

Vì vậy, cơ quan chức năng sẽ làm rõ khẩu súng bắn đạn cao su mà ông Ngọ sử dụng là của cán bộ công an này hay là công cụ hỗ trợ do Công an huyện Lâm Hà trang bị để làm nhiệm vụ.

Trong trường hợp khẩu súng trên là của ông Ngọ, cán bộ này có thể bị xử lý về tội Tàng trữ, sử dụng trái phép súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ, quy định tại Điều 306 Bộ luật Hình sự năm 2015. Nếu khẩu súng do Công an huyện Lâm Hà trang bị cho ông Ngọ để làm nhiệm vụ, người này cần tuân thủ các quy định, quy tắc liên quan đến công cụ hỗ trợ trên.

Chĩa súng vào nhân viên y tế, cán bộ công an bị xử lý thế nào?-1
Cán bộ công an chĩa súng về phía 2 nhân viên y tế. Ảnh: Cắt từ clip của Trung tâm y tế huyện Đức Trọng.

Điều 5, Luật Quản lý vũ khí quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng vũ khí, như sau: Lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Luật này cũng quy định điều kiện để cán bộ, cá nhân được giao sử dụng vũ khí là có phẩm chất đạo đức tốt, đủ sức khỏe phù hợp với công việc được giao. Người được giao sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có trách nhiệm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đúng mục đích, đúng quy định...

Trong vụ việc trên, ông Ngọ sử dụng vũ khí khi không thực hiện nhiệm vụ. Bởi vậy, việc sử dụng vũ khí như vậy là lạm quyền, đe dọa đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, tính mạng và sức khỏe của người khác.

Xem xét hành vi của ông Ngọ, cơ quan điều tra có thể truy cứu trách nhiệm hình sự người này về tội Gây rối trật tự công cộng hoặc Đe dọa giết người.

Cụ thể, cơ quan chức năng sẽ làm rõ việc ông Ngọ dí súng đe dọa có khiến 2 nhân viên y tế sợ hãi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống của nạn nhân hay không. Nếu xác định là có, theo Điều 133 Bộ luật Hình sự về tội Đe dọa giết người, ông Ngọ sẽ đối diện với khung hình phạt 2-7 năm tù giam, do de dọa từ 2 người trở lên.

Còn trong trường hợp vị cán bộ công an không khiến 2 nạn nhân lo sợ bị giết hay không bị ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần, ông Ngọ sẽ bị truy cứu tội Gây rối trật tự công cộng, quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự. Khung hình phạt là 2-7 năm tù.

Ngoài ra, với hành vi không đeo khẩu trang, ông Ngọ còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính đến 3 triệu đồng khi không tuân thủ các quy định về phòng chống dịch bệnh.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/chia-sung-vao-nhan-vien-y-te-can-bo-cong-an-bi-xu-ly-the-nao-post1277285.html?fbclid=IwAR0zPI_KMhvKhFIikVr4r7Gm8RMWof4wCExx-FuonqDS4jwW2HutG8jm9iM

công an

Tin tức mới nhất