Đội tuyển nữ Việt Nam thất bại 0-2 trước tuyển nữ Nhật Bản. Đây có thể coi là lần xuất hiện cuối cùng của HLV Mai Đức Chung trên cương vị "thuyền trưởng" của đội tuyển nữ quốc gia.

Trước đó, nhà cầm quân này bày tỏ nguyện vọng nghỉ hưu sau khi kết thúc hợp đồng trong năm 2023, mà vòng loại thứ hai Olympic 2024 là giải đấu cuối cùng trong năm nay.

HLV Mai Đức Chung chia tay đội tuyển cũng là lúc bóng đá nữ Việt Nam hướng đến một giai đoạn mới, giai đoạn trẻ hóa lực lượng.

Thậm chí, nếu HLV Mai Đức Chung tiếp tục gắn bó với bóng đá nữ Việt Nam thêm một thời gian nữa thì quy trình chuyển giao cũng đã bắt đầu từ ASIAD 19.

Chia tay HLV Mai Đức Chung, tuyển nữ Việt Nam đối diện loạt thách thức lớn-1
Các tuyển thủ chụp hình kỷ niệm, chuẩn bị tinh thần cho việc chia tay HLV Mai Đức Chung.

Cái bóng lớn của HLV Mai Đức Chung

HLV Mai Đức Chung là biểu tượng của bóng đá nữ Việt Nam. Sự nghiệp của ông có thể chia làm 3 giai đoạn chính, trong đó ông dành 2 phần cho bóng đá nữ. 

Giai đoạn đầu tiên từ năm 2003 đến 2005, HLV Mai Đức Chung cùng đội tuyển nữ Việt Nam giành hai huy chương vàng SEA Games (2003 và 2005), đoạt ngôi Á quân giải bóng đá nữ Đông Nam Á 2004.

Giai đoạn hai từ 2016 đến nay, đây cũng khoảng thời gian tạo ra nhiều thành công nhất lịch sử bóng đá nữ.

Ông Chung cùng đội tuyển giành 4 huy chương vàng SEA Games liên tiếp, một kỷ lục của bóng đá nữ Đông Nam Á. Ngoài ra, nhà cầm quân này còn mang về chức vô địch bóng đá nữ Đông Nam Á 2019.

Tuy nhiên, thành tích đỉnh cao là tấm vé tham dự World Cup nữ 2023 - lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá nữ Việt Nam.

Bảng thành tích đồ sộ này khiến bất cứ vị chiến lược gia nào cũng phải ao ước, nhưng vô hình trung cũng tạo áp lực cho người kế cận. 

Những ánh mắt hoài nghi sẽ hướng về người kế nhiệm. Từng hành động, cách làm việc có thể bị so sánh và lấy HLV Mai Đức Chung làm chuẩn mực nếu người mới không đạt được thành tích tốt.

Đó là chưa kể tới việc tìm được một HLV bóng đá nữ giỏi cả chuyên môn và thấu hiểu môi trường làm việc cũng như biết cách ứng xử với các cầu thủ như ông Chung chẳng phải chuyện đơn giản. Nếu việc đó là dễ dàng, có lẽ HLV Mai Đức Chung cũng chẳng phải cố gắng lâu đến vậy.

Huấn luyện bóng đá nữ có những đặc thù riêng mà ngoài yếu tố chuyên môn, khả năng quản lý con người đóng vai trò quan trọng. HLV Mai Đức Chung hội tụ đủ 2 yếu tố này.

Về chuyên môn, ông đã đạt được không chỉ ở bóng đá nữ, mà với cả bóng đá nam. Ông từng vô địch V-League, hai lần vô địch Cúp quốc gia cùng CLB Bình Dương và Navibank Sài Gòn. Bên cạnh đó, ông giúp U22 Việt Nam giành Merdeka Cup 2008. 

Khả năng quản lý của ông Chung được thể hiện rất rõ ở đội tuyển nữ Việt Nam. Ông nghiêm khắc trên sân cỏ nhưng sẵn sàng chia sẻ tâm tư của cầu thủ ở ngoài sân bóng.

Các thế hệ của đội tuyển nữ Việt Nam luôn dành sự tôn trọng tuyết đối với ông Chung "xe ca". Họ gọi ông bằng những danh từ thân mật như "bác Chung", "bố Chung" để tỏ lòng kính trọng.

Chia tay HLV Mai Đức Chung, tuyển nữ Việt Nam đối diện loạt thách thức lớn-2
Người kế nhiệm đối mặt với cái bóng rất lớn của HLV Mai Đức Chung. (Ảnh: VFF)

"Khó khăn của HLV nam khi làm công tác bóng đá nữ là việc nắm bắt tâm lý cầu thủ. Các em xuất thân từ môi trường, điều kiện khác nhau. HLV phải tìm hiểu kỹ để khắc phục những hạn chế cho các em. Các cầu thủ nữ cần sự mềm dẻo hơn bóng đá nam. 

HLV Mai Đức Chung làm rất tốt điều đó để tạo sự đoàn kết, truyền niềm cảm hứng cho các cầu thủ. Bóng đá nữ có nhiều thiệt thòi về kinh tế nên HLV phải làm sao để họ có động lực, ý chí phấn đấu. Cầu thủ nữ cũng có những vấn đề riêng về sức khỏe nên cần có sự chăm lo tốt. 

Thành tích của đội tuyển nữ đạt được đã chứng minh khả năng quản lý, huấn luyện bóng đá nữ tuyệt vời của HLV Mai Đức Chung", ông Đoàn Huy Hùng - Trưởng đoàn các đội trẻ nữ TP. HCM nhận xét.

Những đặc thù này của bóng đá nữ nói chung và bóng đá nữ Việt Nam nói riêng sẽ là thách thức với người thay thế HLV Mai Đức Chung. 

Bước chuyển giao đầy thách thức

Vươn tới thành công đã khó, duy trì thành công ấy lại càng khó hơn. Liên đoàn bóng đá Việt Nam và HLV Mai Đức Chung cùng tính toán kế hoạch trẻ hóa lực lượng cho bóng đá nữ Việt Nam từ nhiều năm qua. 

Tuy nhiên, để tạo ra những Huỳnh Như "mới", Tuyết Dung "mới" không phải việc dễ dàng. Nếu nhìn vào danh sách đội tuyển Việt Nam ở 3 giải gần nhất là World Cup 2023, ASIAD 19 và vòng loại thứ hai Olympic 2024, duy nhất Nguyễn Thị Thúy Hằng nằm trong nhóm tuổi 1996 đến 1999. 

Chia tay HLV Mai Đức Chung, tuyển nữ Việt Nam đối diện loạt thách thức lớn-3
Đội tuyển nữ Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển giao, thay máu lực lượng. (Ảnh: AFC)

Thiếu tài năng trong dải tuổi như vậy dẫn tới việc đội tuyển quốc gia Việt Nam phụ thuộc nhiều vào lứa cầu thủ ở độ tuổi quanh ngưỡng 30, như Trần Thị Thùy Trang (vừa giải nghệ), Huỳnh Như, Trần Thị Thu, Phạm Hải Yến, Nguyễn Thị Bích Thùy...

Trong 1-2 năm tới, họ khó duy trì thể lực và phong độ. Tuy nhiên, lớp cầu thủ phía sau hiện nay còn tương đối mỏng.

Trong danh sách thi đấu ở vòng loại thứ hai Olympic 2024, có 7 cầu thủ sinh năm 2000 trở về sau là Nguyễn Thị Thanh Nhã, Ngân Thị Vạn Sự, Vũ Thị Hoa, Trần Thị Hải Linh, Trần Thị Duyên, Nguyễn Thị Tuyết Ngân và Đào Thị Kiều Oanh.

Trong số này, chỉ có Nguyễn Thị Thanh Nhã. Trần Thị Hải Linh là thực sự có khả năng tranh chấp vị trí chính thức. Tuyết Ngân, Kiều Oanh, Vạn Sự chủ yếu đóng vai trò dự bị. Vũ Thị Hoa và Trần Thị Duyên ở diện thường xuyên được triệu tập.

Đội tuyển nữ Việt Nam đang đối mặt với nỗi lo về lứa cầu thủ kế cận khi quá trình chuyển giao diễn ra khá chậm. Bản thân HLV Mai Đức Chung cũng từng thừa nhận điều này trước ASIAD 19.

Tuy nhiên, đây là thời điểm những tài năng trẻ bắt buộc phải có những cú bứt phá để thay thế đàn chị. Những trụ cột bắt đầu có sự sa sút thấy rõ và động lực cũng là một vấn đề đối với nhóm cầu thủ đã đạt đến đỉnh cao, đã phấn đấu, nỗ lực để chạm đến ngưỡng phát triển cao nhất của sự nghiệp cầu thủ.

Chia tay HLV Mai Đức Chung, tuyển nữ Việt Nam đối diện loạt thách thức lớn-4
Huỳnh Như vẫn có đẳng cấp vượt trội các đàn em, nhưng cô không thể duy trì khả năng chơi bóng ở đỉnh cao trong nhiều năm nữa.

Ông Đoàn Huy Hùng - Trưởng đoàn các đội trẻ nữ TP. HCM cho biết: "Tôi quan sát thời gian qua thì thấy các em lứa sau chưa có năng khiếu tốt như các đàn chị. Để rút ngắn cách biệt đó, chúng ta cần thời gian đầu tư.

Hiện nay, Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã có kế hoạch, định hướng cho các giải U16, U19 để lọc cầu thủ cho đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, các giải có quá ít các đội tham dự (4 đội thi đấu giải U16 quốc gia, 6 đội dự giải U19 quốc gia). 

Với số lượng như vậy, chúng ta không có nguồn cung cấp tốt cho đội tuyển. VFF rất đúng đắn khi tuyển mộ chuyên gia nước ngoài là ông Akira Ijiri, chăm sóc các đội tuyển U16 và U19.

Dù vậy, nếu muốn phát triển liên tục thì cần phát triển khoa học, nhân rộng hơn. Các cầu thủ cần được đầu tư thêm dinh dưỡng để phát triển thể hình cho các em. 

Như lứa U19, U20, tôi thấy các em được đầu tư bài bản, có tư duy, có chiến thuật nhưng hạn chế là thể hình quá nhỏ, bên cạnh đó là thiếu hụt kinh nghiệm chơi bóng.

Chúng ta cũng cần thêm những đơn vị hỗ trợ, chung tay làm việc thì bóng đá nữ mới phát triển được. Chúng ta cần thời gian để phát triển chuyên môn, với các kế hoạch 5 năm, 10 năm".

Yếu tố ngoại cảnh cũng sẽ tác động đến thành công của đội tuyển nữ Việt Nam trong tương lai. Trong khu vực cũng như châu lục, các đối thủ ngày càng mạnh lên.

Trước đây, tấm HCV SEA Games là cuộc cạnh tranh giữa Việt Nam và Thái Lan, phần nào đó là Myanmar. Hiện nay, Philippines trở thành thế lực thực sự không chỉ ở khu vực mà cả châu Á. 

Cơ hội dự World Cup 2027 của bóng đá Việt Nam sẽ còn khó khăn hơn. Đội tuyển Triều Tiên trở lại đấu trường quốc tế sau đại dịch. Australia tranh suất vào vòng chung kết thay vì dự với tư cách chủ nhà như World Cup 2023.

Uzbekistan cũng trở thành thách thức mới sau khi chứng tỏ năng lực bằng vị trí thứ tư ở ASIAD 19. Mới đây, chính đội bóng này đánh bại đội tuyển nữ Việt Nam ở vòng loại thứ hai Olympic 2024. 

HLV Mai Đức Chung dù có nghỉ ngơi hay tiếp tục, đội tuyển nữ Việt Nam cũng phải bước sang một thời kì mới. Đó là bước chuyển giao đầy những khó khăn.

Theo VTC