Chiếc khẩu trang xanh trở thành hình ảnh quen thuộc, phụ kiện không thể thiếu với mọi người trong mùa dịch. Nó đã giúp nhiều nhà thiết kế có cảm hứng tạo nên các món đồ độc đáo.
Một trong những phụ kiện đang "làm mưa làm gió" trên mạng xã hội là chiếc túi tote khổng lồ hình khẩu trang y tế. Sản phẩm được tạo nên từ một xưởng in vải nổi tiếng tại Indonesia.
Thiết kế này mang màu xanh dương đặc trưng và được gắn quai ở 2 đầu. Để giúp chiếc túi thêm sinh động hơn, họ cũng tạo 3 nếp gấp to ở mặt trước.
Chiếc túi khẩu trang khổng lồ được nhiều người hỏi mua. Ảnh: @percetakankain.
"Những ý tưởng của các bạn đều có thể trở thành tác phẩm độc đáo. Chúng tôi làm điều này bằng việc in vải", người đại diện của xưởng in vải cho hay.
Hiện tại, bài đăng thu hút gần 2.000 lượt thích và bình luận. Đa số dân mạng thấy thích thú, hỏi giá sản phẩm để mua.
"Tôi sẽ nổi nhất phố nếu đeo chiếc túi này", "Không chỉ bảo vệ mặt, tôi còn có thể che chắn cho những đồ dùng cá nhân của mình", "Thế thì tôi sẽ đặt cái túi to gấp 2 lần thế này nữa"... là những lời bình luận hài hước của cộng đồng mạng.
Tuy nhiên, một số người lại cho rằng sản phẩm này chỉ mang tính nhất thời, chạy theo trào lưu. Họ cho rằng chiếc túi không thể đựng được vật nặng hay nhiều đồ. Hơn nữa, chiếc túi sẽ trông nhăn nheo, xấu đi nếu để đồ vào bên trong.
Ngoài túi khổng lồ, dân mạng cũng dành sự quan tâm cho chiếc khẩu trang xuyên thấu được hai nhà thiết kế nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.
Chiếc khẩu trang xuyên thấu được cấy từ vi khuẩn. Ảnh: Fast Company.
Sản phẩm này được tạo ra bởi 2 nhà thiết kế Garret Benisch và Elizabeth Bridges. Trong thời điểm các mặt hàng y tế trở nên khan hiếm, họ quyết định thực hiện thí nghiệm tạo ra khẩu trang cellulose vi sinh vật, đảm bảo tính bền vững.
Hai nhà thiết kế này cho biết: "Thực tế, bạn có thể sử dụng một số thành phần đơn giản để nuôi cấy vi khuẩn trong chính ngôi nhà của mình. Những gì bạn cần là nước, trà, đường và một mẫu vi khuẩn Acetobacter nhỏ có thể được tìm thấy trong Kombucha chưa uống".
Những vi khuẩn này có tác dụng dệt các sợi cellulose thành một tấm màng. Khi được sấy khô, kính hiển vi cho thấy chúng tạo thành mạng lưới sợi cellulose dính chặt.
Theo tạp chí Fast Company, sản phẩm này vẫn chưa được kiểm nghiệm bởi các nhà khoa học và cần nghiên cứu thêm nếu muốn áp dụng vào thực tiễn.
Theo Zing