Chiếm đoạt hơn 40 triệu USD, ông Nguyễn Cao Trí đối diện mức án nào?

Với hành vi chiếm đoạt hơn 40 triệu USD, ông Nguyễn Cao Trí có thể bị xử lý tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 Bộ luật Hình sự.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, đại diện Bộ Công an thông tin, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Cao Trí (SN 1970, Tổng giám đốc của Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh) về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo khoản 4, điều 175 Bộ luật Hình sự.

Trong quá trình mở rộng điều tra vụ án tại Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) xác định Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Vạn Thịnh Phát) có quan hệ đầu tư làm ăn với Nguyễn Cao Trí. Bà Trương Mỹ Lan đã chuyển cho Trí số tiền hơn 40 triệu USD để mua bán dự án, kinh doanh. Khi bà Lan bị bắt, Trí đã nảy sinh ý định chiếm đoạt số tiền bà Lan đã chuyển cho Trí. Nguyễn Cao Trí chỉ đạo một số nhân viên tiêu hủy giấy tờ, chứng cứ việc bà Lan chuyển tiền cho Trí với mục đích chiếm đoạt toàn bộ số tiền kể trên.

Trả lời PV, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp) cho biết, thông tin từ cơ quan điều tra, ông Nguyễn Cao Trí được xác định là có hành vi gian dối để chiếm đoạt số tiền tới 40 triệu USD của bà Trương Mỹ Lan. Hành vi thủ đoạn gian dối thể hiện là tiêu hủy giấy tờ tài liệu chứng minh có việc nhận tiền nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả lại số tiền này cho bà Trương Mỹ Lan và doanh nghiệp của bà Lan.

Hành vi gian dối nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản xuất hiện sau khi đã nhận được tài sản thông qua một giao dịch hợp pháp nên hành vi này có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự.

Chiếm đoạt hơn 40 triệu USD, ông Nguyễn Cao Trí đối diện mức án nào?-1
Ông Nguyễn Cao Trí.

"Theo quy định của pháp luật, người nào nhận tài sản của người khác trị giá từ 4 triệu đồng trở lên thông qua giao dịch dân sự hợp pháp, sau đó gian dối hoặc bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến mất khả năng trả lại tài sản hoặc đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ trả lại tài sản nhưng cố tình không trả lại tài sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với mức hình phạt cao nhất của tội danh này có thể tới 20 năm tù", Tiến sĩ Cường cho biết thêm.

Luật sư Cường phân tích, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đều có hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, nếu hành vi gian dối có trước, sau đó mới nhận được tài sản của nạn nhân và chiếm đoạt thì sẽ bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Nếu trường hợp nhận tài sản thông qua một giao dịch hợp pháp rồi mới gian dối để chiếm đoạt thì người thực hiện hành vi sẽ bị xử lý hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 Bộ luật Hình sự.

Theo quy định, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có tính chất nguy hiểm hơn hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì số tiền từ 2 triệu đồng trở lên có thể xử lý hình sự, còn với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì số tiền chiếm đoạt phải từ 4 triệu đồng trở lên. Ngoài ra mức hình phạt của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng nghiêm khắc hơn mức hình phạt của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hình phạt cao nhất là tù chung thân, còn với hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hình phạt cao nhất chỉ tới 20 năm tù.

Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp cho hay, thông tin từ cơ quan điều tra, ông Nguyễn Cao Trí sẽ phải nộp lại toàn bộ số tiền này để khắc phục hậu quả, cơ quan điều tra đã kê biên, phong tỏa nhiều tài sản của Nguyễn Cao Trí để đảm bảo thi hành án. Nếu trong quá trình điều tra vụ án, ông Trí thành khẩn khai báo và động viên gia đình tự nguyện khắc phục hậu quả, thì đây là tình tiết giảm nhẹ một phần đáng kể trách nhiệm hình sự vì hậu quả đã được khắc phục và bị can thành khẩn khai báo, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả.

Nếu bị can và gia đình bị can không khắc phục hậu quả, cơ quan tố tụng sẽ niêm phong, kê biên, phong tỏa tài sản của bị can.

Trường hợp có đủ căn cứ để kết tội thì những tài sản này sẽ được xử lý trong quá trình thi hành án theo nguyên tắc xử lý vật chứng trong vụ án hình sự.

Cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguồn gốc số tiền 40 triệu USD này từ đâu, có phải là tài sản do phạm tội mà có của bà Chương Mỹ Lan và các đồng phạm hay không để xác định trách nhiệm dân sự đối với số tiền này.

Trong trường hợp số tiền trên có nguồn gốc do phạm tội mà có thì khi ông Nguyễn Cao Trí hoặc gia đình nộp lại số tiền này, cơ quan điều tra sẽ thu giữ để nộp vào ngân sách Nhà nước theo nguyên tắc xử lý vật chứng trong vụ án hình sự quy định tại Điều 106 Bộ Luật tố tụng Hình sự.

Nếu kết quả điều tra cho thấy nguồn gốc số tiền này là hợp pháp, thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bà Trương Mỹ Lan hoặc của doanh nghiệp thì sau khi ông Nguyễn Cao Trí nộp lại số tiền này, cơ quan tố tụng có thể trả lại số tiền này cho người bị hại, trừ trường hợp số tiền này được giữ lại để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của chủ sở hữu khoản tiền này vì có liên quan đến vụ án hình sự.

Ngoài ra, để buộc tội ông Nguyễn Cao Trí, cơ quan tố tụng sẽ làm rõ việc giao nhận số tiền 40 triệu USD được thực hiện như thế nào, thông qua các giấy tờ, chứng từ nào. Thông thường trong các giao dịch dân sự, kinh tế mà giao dịch số tiền lớn như vậy thì sẽ thông qua ngân hàng, và các giấy tờ chứng từ, kế hoạch kinh doanh của hai doanh nghiệp sẽ thể hiện rất rõ và chi tiết. Hoạt động kinh doanh này sẽ có nhiều người cùng tham gia, biết rõ về sự việc này.

Bởi vậy, nếu nếu một bên đơn phương hủy bỏ hợp đồng, giấy tờ chứng từ về giao dịch thì thông tin giao dịch vẫn còn lưu giữ thể hiện qua hệ thống tài liệu của đối tác và việc giao nhận tiền vẫn có thể được chứng minh qua sao kê ngân hàng. 

"Vụ án vẫn đang trong quá trình điều tra, những thông tin mà cơ quan điều tra công khai chỉ là một phần kết quả điều tra. Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ hành vi của bị can, xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, làm rõ mặt khách quan, mặt chủ quan của tội phạm để xác định nguyên nhân động cơ phạm tội, xác định làm rõ hành vi phạm tội, bản chất của sự việc làm cơ sở giải quyết theo quy định của pháp luật", Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường nhận định.

Theo VTC

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vtc.vn/chiem-doat-hon-40-trieu-usd-ong-nguyen-cao-tri-doi-dien-muc-an-nao-ar810941.html

chiếm đoạt tài sản

Tin tức mới nhất