Công trình in trên tờ tiền 50 nghìn đồng.
Từ lâu, di tích Phu Văn Lâu trở thành một trong những biểu tượng tiêu biểu của xứ Huế. Nhìn vào hình ảnh công trình rất duyên dáng ấy, chắc chắn mọi người nhận ra đó chính là Cố đô Huế.
Xa xa là Nghinh Lương Đình.
Càng đặc biệt hơn, công trình này còn xuất hiện trên tờ tiền 50 nghìn đồng đang được lưu hành của nước ta. Có bao giờ khi nhìn tờ tiền ấy, bạn thắc mắc công trình in phía sau tờ tiền này là gì, nằm ở đâu và bây giờ ra sao không?
Phu Văn Lâu nhìn từ phía trước.
Trong tờ tiền này, Phu Văn Lâu trở thành chủ thể chính, xa xa là công trình Nghinh Lương Đình, cạnh đó là dòng sông Hương có những chiếc thuyền trôi lững lờ, tiếp đến là một ngọn núi hùng vĩ.
Tấm bia "Khuynh cái hạ mã".
Di tích này nằm ở đường Lê Duẩn.
Phu Văn Lâu tọa lạc trước mặt Kỳ Đài Huế, nằm cạnh bờ bắc sông Hương thơ mộng. Công trình này nằm ngay trục chính của quần thể kiến trúc Cố đô Huế, bao gồm Điện Thái Hòa - Ngọ Môn - Kỳ Đài - Phu Văn Lâu - Nghinh Lương Đình - Hương Giang - Ngự Bình. Công trình này đã và đang trở thành điểm đến của nhiều du khách khi đặt chân đến mảnh đất Huế.
Tầng dưới của Phu Văn Lâu.
Phu Văn Lâu là di sản đặc sắc trong quần thể kiến trúc Cố đô Huế. Đi dọc con đường Lê Duẩn, người dân, du khách dễ dàng nhận ra công trình này. Đó là tòa nhà lầu cao gần 12m, hệ thống lan can bao quanh, không gian tầng dưới để trống. Tòa nhà có 16 cột sơn màu đỏ.
4 trong số 16 cột sơn màu đỏ.
Ở hai bên và phía trước Phu Văn Lâu, có bậc cấp dẫn lên nền tầng dưới, riêng bậc cấp phía trước có lan can hình rồng. Ở giữa tầng dưới, có cầu thang dẫn lên tầng trên.
Công trình trải qua nhiều lần trùng tu.
Tại tầng hai, cả 4 mặt dựng đố bản, hai bên có cửa sổ hình tròn, lan can phía ngoài bằng gỗ. Ở cửa sổ mặt tiền của công trình này, có treo hoành phi sơn son thếp vàng, trang trí cách điệu “lưỡng long triều nguyệt”.
Bậc cấp phía trước có lan can hình rồng.
Phía trước hai bên Phu Văn Lâu đặt hai khẩu súng thần công nhỏ bằng đồng hướng vào nhau. Ngoài ra, có 2 tấm bia "Khuynh cái hạ mã" ở hai bên quy định ai đi qua đây đều phải nghiêng lọng, xuống ngựa nhằm tỏ lòng tôn trọng nhà vua và những văn bản được niêm yết trong Phu Văn Lâu.
Công trình in trên nền trời xanh tuyệt đẹp.
Trải qua khoảng 200 năm tồn tại, di tích Phu Văn Lâu được trùng tu khoảng 10 lần, lần gần nhất vào năm 2015, tập trung vào các hạng mục như vách đố bản sơn vàng cùng các họa tiết chạm khắc trang trí thếp bạc phủ kim hoàn, mái lợp ngói âm dương men vàng...
Ở tầng hai, hai bên có cửa sổ hình tròn.
Sau các lần trùng tu, Phu Văn Lâu không có thay đổi đáng kể về phương diện kết cấu kiến trúc, vẫn giữ nguyên cốt cách đặc trưng của kiến trúc thời nhà Nguyễn.
Hoành phi sơn son thếp vàng, trang trí cách điệu “lưỡng long triều nguyệt”.
Ngược dòng lịch sử, vào đầu thời vua Gia Long, triều đình cho xây công trình tương đối nhỏ mang tên Bảng đình làm nơi công bố chiếu thư, chỉ dụ của nhà vua hoặc các bảng thi Hội, Đình.
Công trình duyên dáng bên bờ sông Hương.
Vào năm 1819, công trình này thay thế bằng toà nhà 2 tầng mái với 16 cột, xung quanh không có vách tạo nét thanh tú với tên gọi Phu Văn Lâu. Đây còn là nơi ban phát lịch hoặc các sinh hoạt vui chơi dành cho dân chúng do triều đình tổ chức.
Các cột kèo... được sơn màu đỏ.
Thời vua Minh Mạng, nhà vua quy định sau khi các chiếu thư được tuyên đọc ở Ngọ Môn hoặc điện Thái Hoà được đặt trên long đình, có che lọng và quân lính theo hầu hai bên đưa ra niêm yết ở Phu Văn Lâu. Các quan hàng tỉnh và hương lão phải đến quỳ lạy trước chiếu thư.
Các họa tiết độc đáo. Đây là di sản đặc sắc trong quần thể kiến trúc Cố đô Huế.
Vào năm 2020, nơi đây cũng đã niêm yết thông tin chi tiết hồ sơ nhiệm vụ quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để lấy ý kiến cộng đồng dân cư.
Phu Văn Lâu và phía sau là lá cờ tung bay ở Kỳ Đài Huế.
Ngày nay, di tích Phu Văn Lâu trở thành một trong những nơi được du khách, người dân lựa chọn để tham quan, chụp ảnh. Đáng chú ý là hoạt động chụp ảnh kỷ yếu, nhiều lớp trước khi ra trường đến đây chụp ảnh, lưu lại những khoảnh khắc đẹp.
Xung quanh di tích này có nhiều cây xanh...
Kiến trúc của di tích này như điểm tô cho bộ mặt Kinh thành Huế, làm cho Cố đô Huế thêm phần cổ kính, thơ mộng...
Theo Tạp chí Du lịch TP.HCM