Hoa ưu đàm có khá nhiều tên gọi khác nhau, như: Ưu đàm bát la, ưu đàm ba la... (phiên âm Hán-Việt của từ "Udumbara" trong tiếng Phạn hay tiếng Pali), có nghĩa là “loài hoa linh thiêng mang điềm lành từ trời”.
Có truyền thuyết nói rằng loài hoa này phải mất "3.000 năm” mới nở một lần. Và nó tượng trưng cho điềm lành hiếm có của nhân gian.
Một số nhà khoa học giải thích rằng thời gian nở của hoa ưu đàm mang ý nghĩa biểu tượng hơn là nghĩa thực của nó. Và có sự “thần thánh hóa” đối với loài hoa này là vì sự xuất hiện của chúng chỉ ngẫu nhiên, nhưng ở những vị trí đặc biệt, như trên các bức tượng phật bằng đồng, đá hoặc các thanh thép, lá cây…
Và thực chất hoa ưu đàm chỉ là sinh vật bậc thấp, chưa có cấu trúc mô. Tên gọi đúng của ưu đàm là một loại nấm nhầy trong suốt. Thân của thể nhầy này khi mới phát triển, chưa có hoa và cũng trong suốt như pha lê....
Tuy nhiên cũng có ý kiến khác cho rằng nếu gọi ưu đàm là loài nấm nhầy cũng chưa đủ cơ sở vì nấm nhầy không dễ xuất hiện cả trên đồng, sắt và trên lá cây...
Riêng tại bụi trúc khu nhà trọ xuất hiện hoa ưu đàm nở ở TP.Quảng Ngãi, qua quan sát thì vị trí hoa nở trên một cành cây khô có kích cỡ to bằng cọng nhang, dài chừng 20cm. Trong đó đoạn hoa ưu đàm nở là đoạn phía ngoài, dài khoảng 10cm.
Qua đếm thấy, có khoảng 30 bông màu trắng li ti, với chiều cao khoảng 0,8cm xếp dọc cành cây này. Hoa có hình chuông, màu trắng, nhiều cánh, thân mảnh như sợi tơ.
Được biết hoa ưu đàm đã được phát hiện ở nhiều tỉnh, thành trong nước, như: Quảng Nam, Thái Nguyên, Nam Định, Phú Yên. TP.HCM ... thu hút nhiều người tò mò đến xem.
Một số hình ảnh về hoa ưu đàm được phát hiện tại TP.Quảng Ngãi mà phóng viên báo điện tử Dân Việt đã chụp lại:
Loài hoa truyền thuyết mang tên ưu đàm.
Hoa ưu đàm chụp từ nhiều phía.
Bụi trúc, nơi phát hiện hoa ưu đàm nở.
Chụp ảnh lưu niệm hoa ưu đàm nở.
Theo Dân Việt