Thương binh trẻ nhất trung tâm

Hơn 3 năm sau vụ tai nạn rơi máy bay Mi-171 mang số hiệu 01 của Trung đoàn Không quân trực thăng 961, chúng tôi tìm gặp Thượng úy Đinh Văn Dương. Anh Dương là người sống sót duy nhất sau vụ tai nạn máy bay mà 20 chiến sĩ đã hy sinh. Tuy nhiên, cơ thể bị thương rất nặng, các vết thương chi chít trên da mặt, cơ thể do bỏng, đôi bàn tay, bàn chân cũng bị mất đi vĩnh viễn, thị lực giảm sút, sức khỏe yếu. 

Anh Đinh Văn Dương, nạn nhân sống sót sau vụ máy bay rơi ở Hòa Lạc
Anh Đinh Văn Dương, nạn nhân sống sót sau vụ máy bay rơi ở Hòa Lạc

Gần 30 tháng nằm viện (891 ngày) với 24 ca mổ, sự giúp đỡ của những bác sĩ giỏi nhất Viện bỏng quốc gia, các bệnh viện hàng đầu Việt Nam, sự hỗ trợ của nhiều chuyên gia nước ngoài, nghị lực của bản thân, thượng úy Dương đã từ "cõi chết" trở lại dần tỉnh táo và có cuộc sống như ngày hôm nay.

Tháng 9/2016, anh chính thức xuất ngũ, nhận chế độ thương binh và từ cuối năm 12/2016, anh ra viện, chuyển về điều dưỡng, chăm sóc tại Trung tâm điều dưỡng thương, bệnh binh Thuận Thành (Bắc Ninh).

Tại đây, anh thương binh nặng nhưng trẻ nhất trung tâm được phân một căn phòng riêng chừng hơn 30m2 với khá đầy đủ các tiện nghi để hai mẹ con cùng ở và hàng ngày sinh hoạt với hơn 90 thương, bệnh binh.

Chia sẻ với PV, anh Dương không muốn nhắc nhiều đến những gì đã xảy ra trong vụ tai nạn máy bay nhưng nỗi nhớ đồng đội, nhớ bầu trời vẫn chưa bao giờ bị lãng quên trong tâm trí. "Tôi là một người may mắn được trở về dù không còn lành lặn nhưng 20 đồng đội đã mãi mãi ra đi. Đó là nỗi đau, là kỷ niệm mà chưa khi nào tôi quên.

Nhiều khi ngủ, tôi vẫn hình dung ra các anh đang mỉm cười cùng với mình và động viên mình tiếp tục sống tốt. Còn giờ mình bị thế này rồi thì dù muốn, thèm lắm cái cảm giác ngồi trên máy bay, bồng bềnh trên không nhưng chẳng thể làm gì được nữa cả", anh Dương nói.

Anh cũng kể lại, ngày 7/7 vừa qua, anh cùng người thân các chiến sĩ đã hy sinh và đồng đội đã trở lại nơi xảy ra vụ tai nạn để thắp hương tưởng nhớ, đồng thời, tổ chức một buổi lễ cầu mong các anh được siêu thoát.

Tại đây, khi gặp lại những người thân của đồng đội đã ngã xuống, một cảm giác mừng tủi đã đan xen trong anh. "Thú thực đi về đó, ngồi trên xe lăn nhìn lại 20 tấm di ảnh, nhìn lại người thân của đồng đội là một cảm giác không thể diễn tả được đối với tôi.

Bản thân tôi rất muốn khóc nhưng cũng không thể vì vết thương đã làm cho mình bị ảnh hưởng nặng. Chỉ mong sao, mọi người luôn khỏe để hàng năm có thể cùng quây quần về đây để thắp cho đồng đội nén hương tri ân", anh Dương tâm sự.

Anh Dương cũng bày tỏ, cá nhân anh cùng người thân của đồng đội, người dân địa phương cũng mong muốn, trong thời gian tới, có thể kêu gọi được nguồn kinh phí, sự đồng ý của chính quyền nhằm xây dựng một ngôi nhà tưởng niệm 20 cán bộ, chiến sỹ hy sinh tại đây.

"Giờ ở đó người dân cũng lập bàn thờ và dựng một nhà tôn nhưng tâm nguyện của tôi và mọi người là mong muốn xây dựng được một nhà thờ đàng hoàng để có một chỗ thờ phụng, tưởng nhớ các anh. Tâm nguyện này chắc chắn tôi và mọi người sẽ cố gắng thực hiện được trong thời gian sớm nhất", anh Dương bộc bạch.

Mong ước về một đôi tay giả

Anh Dương cũng tâm sự về những niềm vui gia đình, nhất là về hai người con kể từ khi được xuất viện, chuyển về Trung tâm. Theo anh, những ngày nằm viện, đau đớn, khổ sở vì bị các vết thương hành hạ liên tục nên có lúc anh đã yêu cầu mẹ đẻ mua thuốc chuột về cho uống để "chết đi cho đỡ khổ.

Nhưng rồi sự động viên của mẹ, vợ và hai con nhỏ đã khiến anh tìm lại được niềm tin. Cũng theo anh, ngày anh bị tai nạn cũng là lúc vợ sinh cậu con trai thứ hai Hải Anh và giờ cậu bé cũng đã lớn, biết quan tâm, yêu thương bố.

"Ngày còn nằm viện cứ thi thoảng vợ lại đưa hai con lên thăm bố, lúc đầu, nhìn thấy hình hài của mình các con cũng sợ, không nhận ra, nhưng rồi được bà, mẹ kể, các cháu dần hiểu và quấn quýt với bố. Cô con gái lớn giờ mỗi lần bố ở nhà là tranh ra đút cơm, lấy nước còn anh cu con thì cứ chạy quanh bố, đòi cho đi chơi... Niềm hạnh phúc, khi thấy mẹ, vợ và các con khỏe mạnh chính là động lực cho mình cố gắng sống có ích hơn", anh Dương chia sẻ

Anh Dương bên bữa cơm trưa được mẹ đút tại Trung tâm điều dưỡng thương binh.
Anh Dương bên bữa cơm trưa được mẹ đút tại Trung tâm điều dưỡng thương binh.

Nhưng điều anh buồn tủi nhất và mong muốn là có được một đôi tay giả hoàn thiện để tự mình làm các công việc, tuy nhiên, ước mơ này khó thực hiện khi chi phí làm tay giả lên tới cả tỷ đồng. Khi được hỏi về việc tại sao không liên hệ để xin tay thật của những người qua đời vì tai nạn hoặc bệnh tật mà có di nguyện hiến thi thể để ghép có thể chi phí thấp hơn.

Anh Dương cho hay, thực tế, khi nằm điều trị tại Viện bỏng cũng đã có ý kiến đề xuất xin tay thật về để ghép nhưng việc này rất khó, khả năng thành công thấp và ở Việt Nam chưa thực hiện được, cùng với chi phí rất cao. "Chính một giáo sư phẫu thuật chỉnh hình người Mỹ khi sang thăm khám cho tôi cũng nói, mấy chục năm nghiên cứu ông mới ghép thành công được cho hai người và để làm được một ca đó thì phải qua thử nghiệm vài chục ca khác.

Chưa kể, nếu muốn làm ở Việt Nam thì phải chuyển toàn bộ đội ngũ nhân viên, phòng thí nghiệm sang đây trong vài năm để làm thử nghiệm mà chưa biết có thành công hay không. Chi phí lúc đó, không phải vài trăm triệu, vài tỷ mà có thể lên tới vài chục, thậm chí trăm tỷ. Vì vậy mà có hiến cho tôi tay thật cũng không thể ghép nổi vào phần tay đã mất mà chỉ có thể làm cánh tay giả là tốt nhất", anh Dương nêu rõ.

Người thương binh này cũng chia sẻ thêm, thời gian qua, một số cá nhân, tổ chức cũng đã liên hệ, hứa sẽ giúp đỡ anh trong việc lắp bàn tay giả. Và khi có được bàn tay hoàn chỉnh, ngoài việc làm công việc sinh hoạt, anh nói, sẽ dự định viết một cuốn hồi ký, trong đó, kể về ngày trong quân ngũ, thời khắc gặp nạn và những tháng ngày điều trị với 24 lần phẫu thuật. "Nhưng dự định thì có lẽ vẫn là dự định và phải chờ thôi đúng không bạn...", anh nói với PV rồi lại nhìn ra xa.

Theo Trí Thức Trẻ