Amy Polacko bị "nổ" tin nhắn điện thoại trong lúc đón con đi học về. Là nhà báo, huấn luyện viên ly hôn, chuyên gia bênh vực nạn nhân bị lạm dụng, Polacko biết có nhiều phụ nữ đang cảm thấy bế tắc khi phong trào #MeToo bị ảnh hưởng sau vụ kiện Depp - Heard.
"Giải thưởng nam diễn viên xuất sắc trong vụ kiện phỉ báng thuộc về Johnny Depp vì anh ta đã đánh lừa được bồi thẩm đoàn, thẩm phán, giới truyền thông và tòa án dư luận", một phụ nữ từng ly hôn chồng vì bị bạo hành, nói với Polacko.
Người phụ nữ này, cùng với nhiều khách hàng khác của Polacko, đã phẫn nộ khi Depp được tuyên bố sẽ nhận khoản bồi thường 10,35 triệu USD. Ngay cả người trong ngành như Pokacto cũng sốc trước kết quả.
Tuy nhiên khi nhìn sâu hơn, Pokacto và các chuyên gia #MeToo không coi phán quyết là chiến thắng tuyệt đối giống như "viễn cảnh chiến thắng huy hoàng của Depp trong Cướp Biển Vùng Caribbean".
Chiến thắng pháp lý của Johnny Depp được chuyên gia trong ngành mang ra mổ xẻ. Ảnh: NBC News.
"Ngay cả khi Depp thắng, anh ấy vẫn thua"
Theo NBC News, tòa án đã tháo mác "kẻ đánh vợ" cho Johnny Depp nhưng thực tế nam diễn viên không bao giờ khôi phục thanh danh hoàn toàn. Chính Depp từng khẳng định cuộc đời anh đã bị hủy hoại bởi Heard, sự hủy hoại ấy được tiết lộ qua từng phiên điều trần kéo dài từ giữa tháng 4.
Depp có lượng người hâm mộ hùng hậu và số người phản đối anh cũng không ít. Nhiều người - nhất là phụ nữ đã đổ vỡ trong hôn nhân - sẽ không bao giờ cảm mến "thuyền trưởng Jack Sparrow" lần nữa, dù anh có làm sống dậy vai diễn biểu tượng này.
Domenic Romano - luật sư giải trí và kinh doanh hàng đầu New York - khẳng định với Amy Polacko: "Ngay cả khi Depp thắng, anh ấy vẫn thua".
Chuyên gia giải thích rõ hơn: "Thắng trên phương diện pháp lý không đồng nghĩa là chiến thắng về danh tiếng, và chắc chắn không phải chiến thắng về mặt đạo đức cho Depp hay xã hội nói chung".
Romano công nhận nhóm luật sư của Depp có thực lực trong việc thuyết phục bồi thẩm đoàn rằng nam diễn viên đáng tin hơn Heard - yếu tố cốt lõi để thắng kiện phỉ báng. Nhưng để thành công trong việc đó, tài tử phải trả giá.
"Hành trình chứng minh sự thật của Depp là ý tưởng khủng khiếp. Ý tôi là, Depp muốn mọi người thấy bản thân anh ấy trong sạch, tốt đẹp, song lại để lộ những khoảnh khắc chẳng đẹp đẽ chút nào", Romano đề cập vụ Depp viết thông điệp tục tĩu trên tường bằng máu của chính mình, mắng chửi vợ cũ, Elon Musk bằng ngôn từ thậm tệ...
Những hình ảnh này khiến những người ghét Depp có cơ sở khẳng định anh chẳng tốt đẹp hơn Heard là bao.
Johnny Depp chi 60.000 USD mở tiệc mừng thắng kiện Amber Heard. Ảnh: New York Post.
Romano gọi chiến thắng của Depp là "chiến thắng kiểu Pyrros" - thành ngữ chỉ một thắng lợi gây ra những tổn thất khủng khiếp ở phe chiến thắng mà nó tương đương với thất bại. Ai nhận chiến thắng kiểu Pyrros cũng chịu thiệt hại nặng nề hoặc ảnh hưởng đến sự tiến bộ lâu dài.
Tất nhiên, Heard cũng không hiện lên như thiên thần vì cô đã thừa nhận đánh Depp và không quyên góp đủ tiền từ thiện hậu ly hôn. Dưới góc nhìn của Polacko, Heard đáng trách, cũng đáng thương khi là nạn nhân của hàng loạt chiến dịch vùi dập trực tuyến cả trước và sau khi có phán quyết cuối cùng.
Polacko chia sẻ trên NBC News: "Sự điên cuồng chống lại Heard trên mạng xã hội đối lập hoàn toàn những lời tán dương Depp như thể anh ấy là tổng thống vậy".
#MeToo sẽ phát triển sau vụ kiện?
Theo NBC News, những nạn nhân của lạm dụng tình dục, bạo hành gia đình lo ngại chiến thắng của Johnny Depp sẽ làm suy yếu phong trào #MeToo. Nạn nhân vốn đã sợ hãi trong việc lên tiếng lại càng trở nên im lặng.
Tina Swithin - nhà sáng lập tổ chức One Mom's Battle - cho biết: "Hàng thập kỷ trước, phụ nữ bị chồng đánh đã được khuyên nên giữ im lặng và chịu đựng, nếu không sẽ phải hứng chịu sự phẫn nộ của dư luận, và đôi khi nhận hậu quả đau đớn hơn cả thủ phạm".
Huấn luyện viên ly hôn Amy Polacko không cho rằng phát biểu trên hợp lý trong giai đoạn này. Theo cô, khi phong trào cải cách hệ thống tòa án gia đình ngày càng lớn mạnh, phụ nữ càng nhiều cơ hội vạch mặt những kẻ mang tội bạo hành.
Thay vì coi chiến thắng của Depp là bước lùi đối với #MeToo, Polacko nhìn nhận ở khía cạnh khách quan hơn: Các phiên xét xử người nổi tiếng đã tạo động lực, lan tỏa thông điệp mạnh mẽ tới phía sau những cánh cửa đóng kín - nơi sự thật đang chờ được làm sáng tỏ.
Polacko nói rằng nạn nhân của bạo lực hiện có hai lựa chọn: Rút lui vì sợ hãi hoặc tận dụng trường hợp của Heard làm ví dụ điển hình cho lập luận "lạm dụng gia đình không phải lúc nào cũng về thể chất".
Theo Women's Aid, Polacko đang nhắc đến khái niệm "coercive control" (tạm dịch: kiểm soát cưỡng chế). Đây được hiểu là kiểu hành động tấn công, đe dọa, sỉ nhục, đe dọa hoặc lạm dụng khác được sử dụng để làm hại, trừng phạt hoặc khiến nạn nhân sợ hãi.
Những người hành động vì #MeToo tin rằng Amber Heard ít nhiều bị Johnny Depp kiểm soát cưỡng chế. Ảnh: Latercera.
Khái niệm này đã được mở rộng trong bộ luật của bang Connecticut có hiệu lực từ tháng 10/2021. Luật mới đang cân nhắc áp dụng cho các phiên tòa gia đình.
"Nếu bạn không nhận ra sự kiểm soát cưỡng chế này, hãy nhìn vào sự điên rồ và phản ứng kinh khủng của Heard khi cô ấy kể tội chồng cũ", Polacko vẫn tin tưởng dù ít nhiều, Depp từng kiểm soát cưỡng chế vợ cũ.
Trở lại phiên điều trần ngày 4/5, tiến sĩ tâm lý Dawn Hughes - người đánh giá tâm lý cho Heard - khẳng định nữ diễn viên gặp chứng rối loạn tâm lý hậu sang chấn PTSD một phần do bị Depp kiểm soát cưỡng chế.
Bà nói: "Phụ nữ luôn sợ không ai tin tưởng họ. Khi ai đó gọi họ là đồ bịp bợm khiến họ tổn thương nặng nề hơn. Không chỉ đánh và la mắng, chỉ cần nhìn vào việc kiểm soát cưỡng chế, ám ảnh ghen tuông, chiếm hữu, bạo lực tình dục, đe dọa giết người... cũng đủ để kết luận. Những điều này thường thấy trong các trường hợp bạo lực gia đình gây chết người".
Theo People, Heard tuyên bố sẽ kháng cáo dù được nhiều chuyên gia, trong đó có Jeff Lewis - luật sư chuyên về các vụ kiện phỉ báng và phúc thẩm ở Los Angeles (Mỹ) - nhận định chiến thắng với cô khó xảy ra.
Trả lời NBC News, luật sư giải trí Domenic Romano cho rằng khả năng lội ngược dòng của Heard thấp nhưng không đồng nghĩa không có. Vấn đề là cô có đủ bằng chứng, lời khai đanh thép để củng cố lập luận hay không.
Và với Romano, dù tiếp tục thua hay thắng, Heard cũng đã ảnh hưởng nhất định đến #MeToo.
Theo Zing