Trái với kỳ vọng từ game show ca nhạc Việt đình đám, không ít sản phẩm kém chất lượng, vướng ồn ào được tung ra khiến công chúng ngao ngán. Hầu hết sản phẩm đều nằm ở nghệ sĩ trẻ, dù họ có ê-kíp chuyên nghiệp hậu thuẫn.

“Đạo nhái”, “stop copying BTS” (ngừng sao chép BTS - PV)… là hai trong số nhiều từ ngữ tiêu cực gắn với Hùng Huỳnh những ngày qua. MV Chẳng thể nhắm mắt của anh bị tố "xào y nguyên" MV Standing next to you của Jungkook (BTS).

Chiêu thức truyền thông sau show Anh trai-1
Hùng Huỳnh ẩn MV "Chẳng thể nhắm mắt", lên tiếng xin lỗi nhưng không đề cập rõ ràng sự việc sau khi bị cáo buộc đạo nhái Jungkook (BTS).

Sự việc leo thang khi nhà sản xuất âm nhạc Kewtiie ẩn ý sản phẩm của Jungkook cũng mượn ý tưởng từ Michael Jackson. Anh khiến các fan của nam ca sĩ Hàn Quốc nổi giận mà không biết rằng Jungkook được cố vấn của Michael Jackson - Diana Ross - khen ngợi vì tri ân “ông hoàng nhạc pop”.

Từ gương mặt tân binh đang nhận hiệu ứng tốt sau show Anh trai say hi, hình ảnh Hùng Huỳnh nay gắn với sự tiêu cực, không ít người nói anh muốn đánh bóng tên tuổi nhờ tai tiếng.

Văn hóa không phải là thứ để "copy-paste"

Trước câu hỏi một số nghệ sĩ đang thiếu tỉnh táo hay tất cả chỉ là chiêu trò, chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh nhận định với Tiền Phong, cả hai yếu tố đều có thể xảy ra. Xét về chuyên môn truyền thông, điều này thường phản ánh chiến lược không đủ chiều sâu.

Nếu là chiêu trò, đó là chiến thuật thiếu khéo léo và ngắn hạn, chỉ nhằm gây chú ý tạm thời mà không xây dựng giá trị lâu dài. Còn nếu thiếu tỉnh táo, nghệ sĩ có thể bị cuốn theo áp lực phải nổi tiếng nhanh, từ đó đưa ra những quyết định nóng vội hoặc thiếu cân nhắc về hậu quả lâu dài.

Chiêu thức truyền thông sau show Anh trai-2
Đỗ Phú Quí - ca sĩ bước ra từ show Anh trai say hi - phát hành ca khúc Pickleball bị chê nhảm, sáo rỗng, "viral" trên mạng xã hội khi cư dân mạng chế "meme".

Trong truyền thông giải trí, khán giả ngày nay tiếp nhận sản phẩm nghệ thuật và họ còn quan tâm đến câu chuyện, hành trình, và giá trị mà nghệ sĩ đại diện. Khi sản phẩm gây tranh cãi, khán giả có thể nhìn thấy nghệ sĩ đang cố tình thu hút sự chú ý, nhưng họ sẽ đặt câu hỏi: ‘Sau sự ồn ào này, bạn có gì để giữ chân chúng tôi?’ Và nếu không có một giá trị thật sự, nghệ sĩ sẽ nhanh chóng mất đi niềm tin từ công chúng” - ông Hồng Quang Minh cho biết.

Lùm xùm đạo nhái Kpop vẫn nhan nhản ở showbiz Việt, nhiều trường hợp thất bại ê chề sau một thời gian tạo sóng dư luận, nhưng cách thức này vẫn được áp dụng. Chuyên gia cho rằng sao chép là con đường ngắn nhất để bước vào vùng nhận diện, nhưng cũng là con đường ngắn nhất dẫn tới sự bão hòa và thất bại.

Trong truyền thông, việc học hỏi và truyền cảm hứng từ những mô hình thành công không sai, nhưng nghệ sĩ cần hiểu rằng văn hóa không phải là thứ để "copy-paste"

Chiêu thức truyền thông sau show Anh trai-3
Tân binh Hùng Huỳnh và ê-kíp im lặng trước cáo buộc đạo nhái Kpop.

Soi chiếu vào quy chuẩn Kpop, thành công của họ không chỉ đến từ hình ảnh, âm nhạc mà là cả hệ thống đào tạo bài bản, đầu tư dài hạn và chiến lược xây dựng thương hiệu quốc tế: “Khi nghệ sĩ Việt sao chép mà không hiểu rõ tinh thần hay cấu trúc văn hóa đằng sau, sản phẩm sẽ mất đi tính chân thực. Khán giả ngày nay rất tinh tế, họ có thể dễ dàng nhận ra một sản phẩm không có dấu ấn cá nhân”.

Một lý do khác khiến nghệ sĩ vẫn chọn cách này là do thiếu tầm nhìn chiến lược dài hạn. “Một số nghệ sĩ và ê-kíp nghĩ rằng chỉ cần gây sốt một lần là đủ, nhưng họ quên rằng, trong ngành giải trí, sự bền vững đến từ việc xây dựng giá trị độc bản. Nghệ sĩ không chỉ cần sản phẩm tốt, mà còn cần một câu chuyện độc đáo, có tính kết nối cao với khán giả”, chuyên gia nêu ý kiến.

Nghệ sĩ tự “tẩy” mình khỏi thị trường nếu cứ cố tình tạo scandal

Thành công của hai show Anh trai thực chất là một thử thách lớn cho nghệ sĩ. Sau một cơn sốt, áp lực luôn xuất hiện: làm thế nào để giữ nhiệt và không bị cuốn theo những xu hướng bề nổi. Nghệ sĩ phải nhìn nhận rõ rằng, sức hút từ một chương trình chỉ là điểm khởi đầu, không phải đích đến.

Theo chuyên gia, đầu tiên, cần quay về gốc rễ. Nghệ sĩ phải biết mình là ai, điều gì làm nên giá trị cốt lõi của họ. Một chiến lược truyền thông tốt sau cơn sốt là tiếp tục kể câu chuyện riêng, tạo ra các dự án mới nhưng vẫn giữ được bản sắc.

Ví dụ, nghệ sĩ có thể đầu tư vào các sản phẩm âm nhạc gắn liền với hình ảnh của mình, tổ chức các buổi fanmeeting tạo sự kết nối, hoặc hợp tác với những thương hiệu lớn để tăng độ nhận diện.

Chiêu thức truyền thông sau show Anh trai-4
Quang Hùng MasterD (áo đỏ) tất bật chạy show, mở fanmeeting sau cơn sốt Anh trai say hi.

Điều thứ hai là tỉnh táo trước áp lực cạnh tranh. Khi thị trường đang chú ý, sẽ có rất nhiều lời mời, dự án đến từ các nhãn hàng hoặc các chương trình giải trí. Nghệ sĩ cần chọn lọc kỹ, làm việc với đội ngũ truyền thông chuyên nghiệp để đưa ra những lựa chọn phù hợp với định hướng lâu dài.

Thành công thực sự không chỉ nằm ở việc bạn có bao nhiêu khán giả hôm nay, mà là bạn sẽ giữ được bao nhiêu khán giả trong 10 năm tới” - chuyên gia nói.

Ông Hồng Quang Minh nhận thấy khán giả không dễ dàng tẩy trắng nghệ sĩ, nhưng họ sẵn lòng tha thứ nếu nghệ sĩ biết cách chuyển hóa khủng hoảng thành động lực. Đây là bài toán truyền thông về việc quản trị hình ảnh công chúng.

Một scandal có thể được nhìn nhận là ‘điểm đen’ nếu nghệ sĩ không xử lý đúng cách, nhưng nó cũng có thể là cơ hội để chứng minh bản lĩnh, thái độ cầu thị và khả năng sáng tạo thực sự của họ.

Ví dụ, nếu một nghệ sĩ mắc lỗi nhưng biết nhận sai một cách chân thành, sau đó ra mắt những sản phẩm tốt hơn, phù hợp hơn với kỳ vọng của khán giả, họ hoàn toàn có thể lấy lại niềm tin.

Tuy nhiên, nếu cứ cố tình tạo scandal để gây chú ý mà không có kế hoạch dài hạn, thì không những mất khán giả mà còn tự ‘tẩy’ chính mình khỏi thị trường.

Điều quan trọng là nghệ sĩ phải đặt khán giả làm trọng tâm và hiểu rằng, giá trị của nghệ thuật nằm ở sự kết nối chân thật, không phải những chiêu trò hời hợt” - chuyên gia nêu quan điểm.

Theo Tiền Phong