Ngọn cao nhất của dãy núi này có độ cao 3.046 m so với mực nước biển. Để lên tới đỉnh, du khách phải leo quãng đường dài khoảng 30 km, qua nhiều địa hình khác nhau như đồi trọc, rừng tre nứa, rừng gỗ lớn, rừng trúc lùn đến những vách đá cheo leo toàn rêu phủ.
Bắt đầu cuộc hành trình, chúng tôi xuất phát từ Sa Pa, thuê xe máy đến bản Kỳ Quan San (xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát). Tại đây bạn phải gửi xe máy tại nhà dân để bắt đầu chinh phục Bạch Mộc Lượng tử. Trước khi đi, chúng tôi đã được nghe những anh porter kể về những biển mây cuồn cuồn trên đường đi lên Bạch Mộc Lượng Tử. Cả đoàn hừng hực khí thế nghĩ tới viễn cảnh trên thiên đường, được cưỡi mây ngắm gió, mà ngay đoạn đầu tiên tôi gần như bị “đánh phủ đầu” bằng liên tiếp những dốc cao. Chiếc ba lô từng theo tôi đi leo đỉnh Fansipan nặng 10 kg mà giờ nặng như đá.
Cố gắng được khoảng vài trăm mét, tôi bị choáng, lần đầu tiên biết thế nào là thở cùng lúc bằng cả tai, mũi và miệng, bị chóng mặt, hoa mắt, ù tai, sa sầm mặt mũi, rồi cảm giác buồn nôn xâm chiếm. Bị tụt lại cuối cùng, tim đập như trống khua lồng ngực, hai chân run rẩy đứng không vững, tôi phải dừng lại để thở, mặc cho các bạn đồng hành của tôi đi xa.
Đúng lúc ấy, người bạn chốt đoàn của chúng tôi đến dừng lại động viên tinh thần. Hắn trêu trọc tôi vì sức trai yếu thế, rồi vẽ ra viễn cảnh đứng trên biển mây, làm tôi hừng hực trở lại. Sau đso, bạn ấy cầm ba lô cho tôi. Thoát được gánh nặng, lại được bạn đồng hành cho một thỏi chocolate tăng cường thể lực, tôi bắt đầu bám đoàn và vào guồng. Nếu là người ít leo núi, với địa hình dốc cao liên tục ngay đoạn đầu như vậy, 1 km đầu tiên sẽ luôn là thử thách khủng khiếp nhất bạn phải đối mặt và vượt qu a.
Bắt đầu từ đây, chúng tôi băng qua những thảo nguyên rộng lớn, không một bóng cây.
Đoàn đi khoảng 8 tiếng để đến được điểm hạ trại, cao 2.100m. Dù đã quá lạnh, mệt và sắp lả đi khi vượt núi băng rừng liên tục, chúng tôi chẳng ai bảo ai, xúm vào mỗi người một việc. Người nhóm lửa, người mổ gà, nhặt rau chuẩn bị cho bữa tối. Trong ảnh là hình cả đoàn dừng chân ở lán nghỉ 2.100m, ăn uống và nghỉ ngơi.
Ngày thứ 2, chúng tôi thức dậy lúc 5h. Trong đêm, đoàn lần mò qua những đoạn sình lầy trơn trượt, dốc đá cheo leo mà một bên vực sâu thăm thẳm, một bên vách núi dựng đứng.
Có nhiều đoạn phải dò dẫm qua cầu khỉ bắc ngang dòng suối lạnh ngắt, lởm chởm đá. Mãi mới đến được chỗ lán dê (lán của gia đình một người dân dựng lên để chăn thả dê), chúng tôi ngồi phệt xuống, chia nhau từng miếng bánh mì mang theo cho bữa sáng.
Khi lên đến độ cao 2.800 m là lúc mặt trời bắt đầu hé lộ. Nhìn từ trên xuống, khung cảnh thật kỳ vĩ.
Mọi mệt mỏi gần như tan biến...
Chúng tôi mải miết đi trên những con đường mòn. Đầu tháng 3 đến tháng 4 là thời điểm rất nhiều loài hoa rừng ra hoa, khung cảnh rất đẹp.
Chặng đường từ 2.800 m lên đến 3.046 m, ai nấy đều mệt và khá đuối sức, đi một chút lại nghỉ một chút. Nhưng cả đoàn cần mẫn xuyên rừng trúc, xuyên qua những cánh rừng già, bò trên những vách đá đầy rêu trơn trượt cần mẫn để đến được đỉnh cao nhất 3.046 m.
Hoa đỗ quyên có rất nhiều trên đường đi.
Trong sương mờ trên đỉnh Bạch Mộc Lượng Tử, các thành viên trong đoàn thay lá cờ Tổ quốc đã bị những cơn gió quật rách, hát vang Quốc ca với niềm tự hào sâu sắc và niềm hạnh phúc khi chinh phục thành công nơi này. Sau lễ cắm cờ, chúng tôi nghỉ ngơi ăn trưa trên đỉnh rồi tiếp tục di chuyển về lán 2.100 m để nghỉ đêm, để sáng sớm hôm sau có thể ra núi Muối cách lán nghỉ khoảng 30 phút.
Bình minh ở núi Muối. Đây là một trong những điểm săn mây đẹp nhất Việt Nam.
Cảnh đẹp hùng vĩ không bút nào tả xiết.
Ngắm mặt trời mọc ở núi Muối trước khi trở về là mong muốn của tất cả những người leo Bạch Mộc Lượng Tử.
Bản Kỳ Quan San (xã Sàng Ma Sao, huyện Bát Xát) là địa danh kết thúc chuyến leo núi ba ngày hai đêm vô cùng đáng nhớ của chúng tôi.
Bạch Mộc Lương Tử hiểm trở nhưng tuyệt đẹp, mang lại những trải nghiệm rất đặc biệt cho từng thành viên trong đoàn.
Theo Zing