Sáng 29/6/2024, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thông qua Luật BHXH (sửa đổi) với 454/465 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, bằng 93,42% tổng số đại biểu Quốc hội.
So với Luật BHXH 2014, Luật BHXH sửa đổi có nhiều thay đổi hướng tới các mục tiêu lớn.
Sửa đổi quy định hưởng BHXH một lần
Nghị quyết số 28 của Trung ương đề ra định hướng, có quy định phù hợp để giảm tình trạng rút BHXH 1 lần theo hướng: Tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH 1 lần.
Để triển khai nghị quyết 28, Luật BHXH sửa đổi đã có nhiều quy định theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH 1 lần.
Cụ thể, điều kiện hưởng lương hưu dễ dàng hơn khi Luật sửa đổi quy định giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm; được hưởng trợ cấp hằng tháng và được ngân sách nhà nước đóng BHYT trong trường hợp có thời gian đóng BHXH không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Đồng thời, tăng mức trợ cấp 1 lần khi nghỉ hưu bằng 2 tháng lương bình quân đóng BHXH (hiện nay là 0,5 tháng) cho mỗi năm đóng BHXH sau độ tuổi nghỉ hưu cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%.
Luật BHXH sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua quy định người lao động đóng BHXH 15 năm được hưởng lương hưu. Ảnh: Hoàng Hà
Luật BHXH sửa đổi quy định cụ thể để thể chế hoá nội dung tại nghị quyết về việc hưởng BHXH một lần. Cụ thể, đối với người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực thi hành, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng chưa đủ 20 năm, có nhu cầu thì được nhận BHXH 1 lần.
Như vậy, đối với nhóm người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ khi Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực trở đi (từ 1/7/2025) sẽ không được nhận BHXH 1 lần theo điều kiện này.
Việc giải quyết chế độ rút BHXH một lần từ 1/7/2025 chỉ áp dụng cho các trường hợp: Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng BHXH để hưởng lương hưu hoặc ra nước ngoài để định cư; đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS hoặc người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; người khuyết tật đặc biệt nặng.
BHXH Việt Nam cho rằng, ưu điểm của quy định này đã thể hiện lộ trình từng bước khắc phục tình trạng hưởng BHXH 1 lần trong thời gian qua; tiến tới tiếp cận theo tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế, giúp người lao động được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, góp phần ổn định cuộc sống khi về già.
Đóng BHXH 15 năm được hưởng lương hưu
Nghị quyết số 28 đã đặt ra nhiệm vụ cải cách với nội dung: Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.
BHXH Việt Nam cho biết, qua khảo sát thực tiễn, một trong những nguyên nhân được chỉ ra đối với việc nhiều người hưởng BHXH một lần là do số năm tích lũy hưởng lương hưu (20 năm) quá dài, làm giảm động lực tham gia, gắn bó lâu dài để hưởng lương hưu của người lao động.
Do vậy, Luật BHXH sửa đổi quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu hằng tháng. Quy định này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc tham gia không liên tục có cơ hội tích lũy đủ 15 năm đóng để hưởng lương hưu hằng tháng. Quy định về số năm đóng tối thiểu này không áp dụng với người hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động.
Luật BHXH sửa đổi cũng quy định tỷ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nam và lao động nữ có 15 năm đóng BHXH, quy định mức tối đa là 75%, đồng thời quy định việc tính mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu mà có thời gian đóng BHXH theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên nhưng có thời gian đóng BHXH ở Việt Nam dưới 15 năm thì mỗi năm đóng trong thời gian này được tính bằng 2,25%.
Với mức lương hưu hằng tháng ổn định, định kỳ được Nhà nước điều chỉnh mức hưởng và trong thời gian hưởng lương hưu được quỹ BHXH mua thẻ BHYT thì sẽ góp phần đảm bảo tốt hơn cuộc sống của người lao động, sẽ có thêm nhiều người được đảm bảo lương hưu và được hưởng BHYT khi về già.
Theo Vietnamnet