Vụ một chú chó Pitbull nặng 60kg bất ngờ tấn công người khiến một thanh niên bỏ mạng, chủ của nó trọng thương đang khiến dư luận dậy sóng. Người dùng mạng tranh cãi dữ dội những vấn đề xung quanh việc nuôi chó dữ trong thành phố cũng như ý thức của chủ nuôi.

Muốn sống an toàn, nên cấm cửa chó dữ?

Pitbull vốn là giống chuyên dùng để đấu và tấn công, cần được nuôi dưỡng, dạy dỗ theo chế độ rất đặc biệt, người nuôi phải được đào tạo kiến thức, chứ không phải chó cảnh. Vì thế, khi vụ tấn công người nổ ra, nhiều người nghĩ ngay đến cơ chế cấm nuôi những động vật hung dữ, đặc biệt là chó dữ như Pitbull trong thành phố.

Dân mạng phân tích, ở nhiều quốc gia khác, nuôi chó phải có giấy tờ chứng minh rằng có thể chăm sóc tốt cho con chó và phải có kinh nghiệm mới cho nuôi. Pitbull vốn có đặc tính là hung hãn, nên người nuôi phải chắc chắn mình có thể huấn luyện được, thuần hóa được nó, chứ không phải quan tâm chăm sóc là nó sẽ ngoan.

Ở Việt Nam, nhiều khi chủ nuôi là để… cho oai, để giữ nhà chứ không có kinh nghiệm huấn luyện bài bản từ nhỏ. Thậm chí, có người còn cho chó dữ ăn thịt tươi để nuôi dưỡng bản năng hung dữ của nó. Điều này khiến số đông lo ngại, và đề xuất nên cấm cửa tuyệt đối những loài chó hung dữ, có khả năng tấn công chết người như Pitbull.

Chó Pitbull cắn chết người ở Long An: Có nên cấm tuyệt đối nuôi chó dữ?-1
(Ảnh minh họa)

Facebook Thanh Tùng, một người am hiểu về các giống chó bình luận: “Nuôi mà không tìm hiểu hoặc vô ý thức đó là tội ác. Giống Pitbull là loại nuôi để chọi nhau, không phải thú cưng trong nhà. Con chó này cắn luôn cả ông chủ chứng tỏ ông chủ nuông chiều quá mức. Đây cũng là một bài học cảnh giác cho đa số người nuôi chó dữ hiện nay.

Tôi thấy rất nhiều người không hề hiểu biết gì về những giống chó dữ (becgie, rottweiler, pitbull, bulldog ...) nhưng vẫn nuôi và nuông chiều quá mức dẫn tới con chó không biết vâng lời và hậu quả để lại rất đau lòng. Mong rằng đây là một bài học cho những người đã, đang và sẽ nuôi những giống chó dữ rút kinh nghiệm để những chuyện như thế này không còn xảy ra trong tương lai”.

Với người nuôi, chó là thú cưng, với người ngoài, đó là “ác thú”

Trước ý kiến trên, nhiều người yêu chó và yêu thích các loài chó dữ đã nổi đóa. Họ cho rằng, không thể cấm những người yêu chó được nuôi chó. Luật pháp cần tôn trọng những nhu cầu chính đáng của cộng đồng yêu động vật, chứ không phải hở ra là cấm.

Phe này cũng viện dẫn luật cho thấy, ai cũng có quyền nuôi chó, kể cả chó dữ, miễn là có ý thức rọ mõm và “quản lý” chặt chó của mình. Họ cho rằng, bản thân giống chó pitbull và những giống khác không có tội, mà tội là ở… người nuôi. Đem chó dữ ra đường chơi, đi cafe đông người mà không đeo rọ mõm, để xảy ra sự cố thương tâm, đáng trách là ở người chủ.

Trên thực tế, không ít người chủ cưng chiều và coi thú cưng như con. Họ tự tin rằng thú cưng nhà mình được nuôi từ lâu nên hiểu tâm tính của chúng, và lơ là chuyện rọ mõm vì điều đó ảnh hưởng đến sự thoải mái của thú cưng.

Chó Pitbull cắn chết người ở Long An: Có nên cấm tuyệt đối nuôi chó dữ?-2
(Ảnh minh họa)

Nhưng dù có gắn bó với thú cưng lâu năm đến thế nào đi nữa, động vật vẫn là động vật, bản tính của chúng không phải muốn là kiểm soát được. Khi gặp phải một tác động ngoại cảnh nào đó thì tính “thú” trong nó sẽ trỗi dậy.

Trong nhà, bạn cho chó ngủ cùng giường, sáng dậy đánh răng, rửa mặt, chăm sóc như người thân, đó là việc của cá nhân bạn. Còn khi đưa chúng ra ngoài, để chúng làm ảnh hưởng đến môi trường và sự an toàn của người khác, đó là điều không thể chấp nhận được.

Chúng ta được quyền làm những điều mà pháp luật không cấm, song luật pháp cũng cần đảm bảo cộng đồng người nuôi chó tôn trọng quyền không bị… chó làm phiền của những người còn lại. Trong mắt người yêu chó, nó là thú cưng, là “con”, nhưng với người khác, đó là mãnh thú. Nếu vì sở thích của bản thân để ảnh hưởng đến môi trường và sự an toàn của người khác, sự “tự do” đó thật sự có vấn đề!

Theo quy định tại Điều 4c quy định về quản lý chó nuôi, Thông tư số 48/2009/TT-BNNPTNT, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nuôi chó ở các thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư khi dắt chó ra nơi công cộng phải có dây xích, phải rọ mõm (đối với con dữ) và có người dắt, không để chó đi lang thang ngoài đường, phố làm mất vệ sinh nơi công cộng.

Theo Pháp Luật & Bạn Đọc