Một số người đàn ông có suy nghĩ rằng mẹ anh ấy là người tốt nên chắc chắn sẽ yêu thương và đối xử tốt với con dâu như con trai. Song nhiều khi sự thật lại không phải như vậy, để rồi đến khi hiểu ra vấn đề thì người chồng mới biết thương vợ vô hạn.
Người chồng tên Tr. (30 tuổi) đã chia sẻ câu chuyện của gia đình anh như sau:
“Khi vợ gần sinh con, tôi đã về quê đón mẹ lên chung sống với chúng tôi. Tôi là con trai một, sớm muộn gì cũng đón bà lên. Hơn nữa có bà đỡ đần việc nhà và con cái, còn gì may mắn hơn nữa?
Vợ sinh được 1 tháng thì tôi có chuyến công tác xa nhà kéo dài 2 tháng. Hơn tháng qua thấy vợ và mẹ ở chung hòa thuận, vợ ở nhà đã có mẹ giúp đỡ, tôi yên tâm xách hành lý lên đường.
Những ngày đầu gọi điện về hỏi han, thấy vợ cằn nhằn, ca thán mẹ chồng mà tôi thầm không hài lòng. Phụ nữ bây giờ tư tưởng hiện đại quá mức, thành ra chỉ vài xích mích nhỏ trong gia đình đã khiến họ bất mãn, khó chịu. Họ không hiểu gia đình nào chẳng vậy, ở với bố mẹ đẻ cũng còn có lúc cãi vã cơ mà.
Ảnh minh họa
Mẹ tôi là người làm nông, bà rất chịu khó, không ngồi yên được một chỗ. Thời gian qua ở với các con, mẹ hết dọn dẹp nhà cửa lại bế cháu rồi chăm sóc con dâu ở cữ đâu ra đấy. Ở với mẹ chồng chăm chỉ như thế cô ấy sướng hơn tiên rồi còn đòi hỏi cái gì? Gọi hỏi thăm mẹ, bà vui mừng nói mọi chuyện ở nhà vẫn bình thường. Qua đó đủ biết vợ tôi chính là người đòi hỏi lắm, không biết kính trọng mẹ chồng.
Nể tình vợ mới sinh con nên tôi không trách cứ, lên án thẳng mặt. Mỗi lần vợ chuẩn bị ca thán về mẹ chồng, tôi liền kiếm cớ cúp điện thoại. Sau vài lần như vậy thì vợ đã hiểu ý chồng, bớt hẳn chuyện nói xấu mẹ chồng.
Hết 2 tháng công tác trở về, mẹ và vợ vui mừng bế con ra cửa đón tôi. Sau màn chào hỏi, vợ đẩy tôi đi tắm, nói rằng đã chuẩn bị sẵn nước ấm rồi. Vợ còn chu đáo đi lấy quần áo khô sạch cho tôi thay. Lúc đón lấy bộ quần áo trên tay vợ, tôi mỉm cười định cảm ơn thì giật mình khi ánh mắt chạm phải đôi bàn tay cô ấy. Vội chụp lấy tay vợ để nhìn cho rõ thì tôi không khỏi kinh hoảng.
Đôi bàn tay vốn trắng trẻo, mềm mại của vợ tôi lúc này xù xì, thô ráp và nứt toác đến mức rướm máu. Chẳng những thế hai bàn tay vợ còn có những nốt cước đáng sợ do bị lạnh quá mức. Lúc tôi nắm tay vợ, hai bàn tay cô ấy vẫn lạnh ngắt như đá.
Tôi hoảng hốt hỏi vợ tại sao lại như thế này? Chỉ ở nhà bế con và cơm nước, quét dọn nhà cửa mà bàn tay lại ra nông nỗi ấy? Vợ bảo tôi cứ tắm xong đi, có gì cô ấy sẽ kể lại cho tôi nghe. Để rồi sau khi nghe xong mọi chuyện mà tôi thẫn thờ không thể tin nổi.
Hóa ra tôi vừa đi công tác, mẹ tôi thấy con dâu đã ở cữ được 1 tháng bèn bảo cô ấy dậy làm việc. Bà bảo ngày xưa bà sinh con 1 tháng cũng đã làm đủ việc nhà, còn lội ruộng đi cấy lúa.
Chưa hết, thấy con dâu ở nhà không kiếm ra tiền trong khi cháu đã có bà bế, mẹ tôi thương con trai một mình cáng đáng kinh tế nên đã tạo công ăn việc làm cho vợ tôi. Vừa hay nhà hàng hải sản ở đầu ngõ cần tuyển nhân viên, mẹ liền bảo con dâu đi làm thuê cho người ta, con ở nhà đã có bà trông. Vợ không phải đầu bếp nên công việc của cô ấy là ngồi sơ chế nguyên liệu, nói đúng hơn là đánh vảy, mổ cá, rửa ốc...
Ảnh minh họa
Thời tiết bây giờ đã vào giữa đông, trời rét buốt cắt da cắt thịt, bàn tay vợ cả ngày ngâm trong nước lạnh nên mới thảm hại đến thế. Công việc chân tay đó tiền công cũng chẳng được bao nhiêu nhưng mẹ tôi vẫn bảo vợ đi làm, cô ấy không cãi lại được đành phải nghe lời.
Biết sự thật mà tôi thương cô ấy khôn xiết. Mẹ tôi suy cho cùng không phải người xấu nhưng bà quá tham công tiếc việc và còn giữ nhiều lối suy nghĩ cũ. Vừa sinh xong chưa lâu mà vợ đã phải làm việc vất vả như thế, tôi thật sự thấy có lỗi với cô ấy và bố mẹ vợ. Vợ chỉ cằn nhằn vài câu trên điện thoại đã là quá nín nhịn rồi, nếu như người khác thì sợ rằng họ lập tức ôm con bỏ đi ngay…".
Anh Tr. chia sẻ sau đó anh đã chân thành xin lỗi vợ và tất nhiên không cho cô đi làm ở nhà hàng hải sản nữa. Đồng thời anh có cuộc nói chuyện nghiêm túc với mẹ, dù bà chưa thể thay đổi được suy nghĩ và cách hành xử nhưng chắc chắn anh sẽ đấu tranh với mẹ đến cùng để bảo vệ vợ con.
Theo Pháp luật và Bạn đọc