Nằm gần bến xe Chợ Lớn, “chợ” trầu cau trên đường Lê Quang Sung (quận 6, TP HCM) tồn tại đã hơn nửa thế kỷ qua.
“Chợ” hoạt động từ sáng sớm đến chiều tối và chỉ buôn bán mặt hàng “kết duyên” cho các đôi uyên ương. Qua thời gian, hiện tại chỉ còn khoảng 20 người bám trụ với nghề buôn bán trầu, cau.
Người nhỏ tuổi nhất cũng ngoài 50, người cao tuổi thì đã trên 80. Trong ảnh là cụ Sáu Lên (83 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn), người có thâm niên bán trầu cau lâu nhất tại đây.
Hằng ngày, cụ Lên đi xe buýt từ Hóc Môn xuống quận 6 để bán trầu cau. Đến chiều tối lại đón xe buýt về. “Tôi bán trầu, cau ở đây từ lúc còn con gái đến giờ đã ngoài 80 tuổi. Hồi xưa, người ăn trầu nhiều nên chợ cũng nhộn nhịp lắm. Thời đó, trầu cau chủ yếu là lấy từ Bà Điểm vì có hương vị rất riêng”, cụ Sáu Lên nói.
“Lúc trước, chợ rất nhộn nhịp vì nhiều người ăn trầu. Có thời điểm cả con đường chật cứng người bán và người mua. Thời đó, nơi đây được xem là chợ đầu mối để cung cấp trầu cau cho thành phố và khu vực các tỉnh khác”, bà Gái người bán trầu có thâm niên gần 40 năm kể về thời hoàng kim ở chợ trầu cau
Theo thời gian, người ăn trầu cũng ít dần. Nhiều người phải bỏ nghề vì buôn bán ế ẩm. Đa phần buôn bán tại đây chủ yếu là những phụ nữ lớn tuổi. Nơi đây được xem là khu vực buôn bán trầu cau lớn nhất còn sót lại của thành phố.
Lá trầu được kiểm tra kỹ và xếp ngay ngắn. “Giờ còn ai ăn trầu nữa đâu. Buôn bán ở đây chủ yếu để phục vụ người ta mỗi dịp cúng kiếng, cưới hỏi. Phong tục mình thì cưới hỏi phải có trầu cau để kết duyên nên nghề này vẫn còn sống được”, người phụ nữ tên Ngọc nói.
Giá cả ở đây cũng đủ loại, chủ yếu được tính dựa vào số lượng và xuất xứ trái cau, lá trầu. Nếu loại trồng tại miền Tây sẽ rẻ hơn loại trồng tại Bà Điểm vì có nhiều vị chát, trái không tròn đều.