Nhắc đến vấn đề quản lý tài chính trong gia đình, nhiều người thường mặc định câu chuyện sẽ chỉ quẩn quanh trong việc “ai giữ lương ai?”, “tiêu bao nhiêu”, “tiết kiệm thế nào?”. Đương nhiên, đó là những vấn đề cơ bản của không riêng gia đình nào.

Tuy nhiên, mới đây, tâm sự của một cô vợ về vấn đề tiền bạc của 2 vợ chồng, khiến nhiều người phải “phì cười”.

Chồng vay 220 triệu từ thời chưa yêu nhau, giờ cưới rồi, liệu có nên xóa nợ?

Câu chuyện của cặp vợ chồng này có thể tóm tắt như sau:

- Thu nhập của chồng: 20 triệu/tháng. 10 triệu trích ra để trả nợ, 10 triệu đưa vợ.

- Chi tiêu chung của 2 vợ chồng (chưa có con) hàng tháng là 11 triệu đồng. Trong đó, tiền thuê nhà và điện nước là 4 triệu đồng. Chủ trọ là bố ruột của chị vợ.

- Hiện tại, anh chồng còn đang nợ chị vợ 220 triệu đồng - khoản nợ từ khi 2 người còn là bạn bè, chưa phát sinh mối quan hệ yêu đương.

Cho vay 220 triệu rồi cưới luôn con nợ, giờ không biết nên đòi hay xóa nợ mới hợp tình hợp lý?-1

“Điều khiến em lấn cấn là chồng em còn nợ em 220 triệu, tiền này anh mượn em từ khi còn là bạn bè. Giờ lấy nhau, bố em không lấy tiền trọ nữa, thì em tính là trích ra 1 triệu để trả tiền điện nước cho bố, còn dư 3 triệu để tiết kiệm. Chồng em thì vẫn cứ muốn là trả 4 triệu/tháng cho bố em.

Mọi người nghĩ em tính toán thì em cũng xin nhận, nhưng mong mọi người cho em ý kiến ạ” - Cô vợ viết.

Trong phần bình luận của bài đăng, phần lớn mọi người đều chỉ “biết cười” và tỏ ra “nể nước đi của anh chồng này”, chứ cũng không biết khuyên gì vì chưa bao giờ thấy câu chuyện tương tự.

Cho vay 220 triệu rồi cưới luôn con nợ, giờ không biết nên đòi hay xóa nợ mới hợp tình hợp lý?-2
“Ca này khó. Đọc xong tổ tư vấn hoang mang luôn”

Cho vay 220 triệu rồi cưới luôn con nợ, giờ không biết nên đòi hay xóa nợ mới hợp tình hợp lý?-3
Nhưng cũng có người “hiến kế”, gợi ý cách xử lý tình trạng có phần tiến thoái lưỡng nan này cho cô vợ

Quản lý tài chính trong hôn nhân thế nào để vợ chồng hạn chế mâu thuẫn?

Bước chân vào hôn nhân nghĩa là chúng ta cùng nhau xây dựng tương lai, bởi thế, việc cùng nhau đóng góp tiền bạc và sức lực là điều gần như hiển nhiên. Dẫu vậy, vẫn có không ít cặp vợ chồng, đặc biệt là những cặp đôi mới cưới, gặp vấn đề trong chuyện quản lý tài chính sau khi kết hôn.

Để hạn chế việc vợ chồng mâu thuẫn chuyện tiền bạc, có 2 điều rất quan trọng mà cả hai cần trò chuyện, làm rõ và thống nhất.

1 - Mức thu nhập và các khoản nợ của mỗi người

Tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát chỉ là chuyện khả thi khi chưa về chung một nhà. Chẳng ai muốn kết hôn xong lại phải đi gánh những khoản nợ mà bản thân mình chẳng phải người đi vay.

Cho vay 220 triệu rồi cưới luôn con nợ, giờ không biết nên đòi hay xóa nợ mới hợp tình hợp lý?-4

Lúc ấy, bỏ thì thương, vương thì tội. Tựu trung là cả hai chẳng ai vui vẻ, hạnh phúc được.

Vì vậy, hãy thành thật với nhau về mức thu nhập hoặc các khoản nợ, không chỉ thể hiện sự tôn trọng dành cho đối phương, mà còn hạn chế nhiều cuộc xung đột không đáng có trong hôn nhân.

2 - Làm rõ trách nhiệm tài chính của từng người trong hôn nhân

Sau khi thành thật với nhau về mức thu nhập hiện tại cũng như các khoản nợ, có 4 câu hỏi mà các cặp đôi nên làm rõ:

1. Ai là người quản lý tài chính trong gia đình?

2. Tỷ lệ đóng góp của mỗi người cho các khoản chi phục vụ đời sống, khoản tích lũy, khoản tiết kiệm phục vụ các mục tiêu lớn (sinh con, mua nhà, mua xe,...)?

3. Hàng tháng hoặc lễ Tết, sẽ biếu nhà nội - nhà ngoại bao nhiêu tiền? Số tiền này là cả hai vợ chồng cùng đóng góp và cùng lo, hay vợ lo nhà vợ, chồng lo nhà chồng?

4. Mỗi người sẽ dành bao nhiêu % thu nhập để phục vụ sở thích cá nhân của mình?

Phải làm rõ được 4 vấn đề này, việc quản lý tài chính trong hôn nhân, cũng như việc tích lũy tiền bạc để thực hiện các mục tiêu lớn trong tương lai, mới bớt phần trắc trở. Vì chắc chắn, chẳng ai muốn vợ chồng cứ tối ngày cãi vã, xích mích chuyện tiền bạc, đúng không?

Theo Người đưa tin