Bảo Thy chia sẻ, niềm vui của vợ chồng cô trong chuỗi ngày "ai ở đâu ở yên đó" là vào bếp làm những món mới học được bằng các nguyên liệu sẵn có tại gia.

Trên trang cá nhân, cô thường khoe đủ món do ông xã trổ tài, đa phần đều chiều theo khẩu vị của nữ ca sĩ.

Mới đây nhất, tô bún bò đầy đủ thành phần như giò, gân, thịt bò bắp... với nước dùng có lớp váng dầu màu vàng khiến Bảo Thy thích mê.

Giọng ca Công Chúa Bong Bóng đùa rằng sau tô bún bò này, cô xin giơ cờ trắng đầu hàng trong cuộc thi nấu ăn mùa dịch của hai vợ chồng vì doanh nhân Phan Lĩnh quá siêng.

Chồng Bảo Thy chăm nấu ăn mùa dịch-1
Bún bò chồng Bảo Thy nấu.

Từ lâu, bún bò Huế đã rất phổ biến trên bản đồ ẩm thực Sài thành. Và khi không mua được ở ngoài do dịch, nhiều người có thể tự nấu tại gia với viên gia vị bán sẵn.

Cách nấu bún bò không khó. Tuy nhiên, để làm ra nồi bún chuẩn vị thì không đơn giản chút nào. Trong đó, nồi nước dùng chính là linh hồn của món ăn. Nếu sử dụng viên gia vị thì bạn chỉ cần đun sôi nước, thả viên gia vị vào nấu cho tan hết, nêm nếm vừa ăn là xong phần nước lèo.

Thế nhưng không muốn dùng viên gia vị mà vẫn có độ ngọt tự nhiên thì bạn phải hầm xương bò, móng heo, giò heo, bắp bò, gân bò... Khi ninh xương, thịt, bạn cho vào nồi nước vài nhánh sả đập dập, củ gừng nướng, đun trên lửa nhỏ trong nhiều giờ tới khi thịt chín mềm.

Tiếp đến bạn vớt thịt ra, nêm mắm, muối, đường, bột ngọt và một chút mắm tôm tạo mùi đặc trưng. Muốn nước dùng có màu đỏ đẹp mắt, bạn phi thơm tỏi, sả, cho thêm chút dầu điều vào chảo dầu tỏi sả, rồi đổ vô nồi nước lèo, đun sôi thêm một lúc là hoàn thành.

Không có giá trụng nên đĩa rau ăn kèm của nhà Bảo Thy chỉ gồm rau muống và rau thơm trụng. Khi ăn bạn vắt lát chanh, thêm chút sa tế, ớt sừng cay đã miệng.

Chồng Bảo Thy chăm nấu ăn mùa dịch-2
Phở bò không nước béo.

Nấu bún bò thì có nước màu sóng sánh, giò heo ngậy... nhưng khi chuyển sang nấu phở bò, doanh nhân Phan Lĩnh lại chế biến không nước béo chiều lòng vợ.

Tương tự bún bò, phở bò cũng có viên gia vị để rút gọn công đoạn nấu nướng, nhất là khâu hầm xương có khi mất cả nửa ngày. Không dùng viên gia vị phở bán sẵn thì bạn phải hầm xương với đủ thứ gia vị đặc trưng như: quế, thảo quả, hoa hồi, rễ hành, rễ mùi. Tất cả cho vào một túi lọc, buộc kín miệng rồi thả vào nồi nước hầm cùng với xương.

Lưu ý, bạn phải đảm bảo nước hầm luôn sôi liu riu trong nhiều giờ, đồng thời liên tục vớt bọt để có nước hầm trong, đẹp.

Sau khi nấu xong nồi nước dùng, bạn chuẩn bị bánh phở cùng nhiều topping khác như thịt bắp bò, tái, nạm, bò viên tùy thích.

Chồng Bảo Thy trụng sơ bánh phở cho vào bát, thêm thịt lên trên và đầu hành lá, sau đó chan ngập nước, điểm thêm ngò gai thái mỏng thay vì rau quế. Bên cạnh đó, do anh nấu nước phở không nước béo nên ăn sẽ ít bị ngấy.

Mùa dịch này, không chỉ rành các món nước, chồng Bảo Thy còn có thể làm món gà nướng chảo từng gây sốt thời gian trước. Ngoài thịt gà ra, món ăn cần thêm vài loại gia vị cơ bản như: hành, tỏi, nước tương, hạt nêm, muối, tiêu, đường, nước dừa tươi...

Chồng Bảo Thy chăm nấu ăn mùa dịch-3
Gà nướng chảo rướm mỡ của doanh nhân Phan Lĩnh.

Thịt gà để nguyên miếng to, rửa thật sạch với nước muối loãng. Tiếp đến, bạn ướp tỏi, hành tím, tiêu trong ít nhất 4 tiếng đồng hồ cho thật thấm vị. Hành, tỏi giã nát sẽ thơm hơn so với băm.

Bắc chảo dầu lên bếp, sau đó bạn cho miếng gà vào nhưng gạt bỏ hết phần tỏi, hành để không bị cháy khét. Lưu ý, nên đặt phần da vào trước, chiên cho vàng rồi trở mặt.

Cuối cùng, bạn rưới nước dừa tươi, nước ướp thịt gà vào rim trên lửa nhỏ đến khi nước xốt sánh lại. Liên tục dùng muỗng múc nước xốt rưới lên thịt gà tạo lớp da bóng mướt, không bị khô. Kiểm tra gà chín bằng cách dùng nĩa xiên vào, nếu không có máu chảy ra là đã đạt.

Gà nướng chảo rất dễ làm, không khác mấy so với gà chiên nước mắm và rất thích hợp dành cho những gia đình không có lò nướng, hay thỉnh thoảng muốn thử vị một kiểu gà nướng mới lạ. Thịt gà không bị khô, da vàng giòn hấp dẫn, lý tưởng ăn kèm dưa leo, cà chua, xà lách.

Theo Ngoisao.net