Phụ nữ lấy chồng đôi khi không biết được cuộc sống hôn nhân sau này ra sao. Có những người đàn ông sau khi kết hôn mới lộ rõ "bộ mặt thật" khác xa khi còn yêu nhau. Họ chẳng thèm quan tâm đến cảm nhận của vợ, chỉ biết ích kỷ suy nghĩ cho bản thân mình.
Mới đây, một chị vợ đã đăng tải bài viết trên mạng xã hội kể về người chồng tệ bạc. Chuyện như sau:
"Đến bây giờ nghĩ lại mà em vẫn phẫn nộ. Em đã gọi anh trai lên, đưa em về ngoại rồi. Em cần suy nghĩ nhiều hơn về quan hệ vợ chồng và có ý định đâm đơn ly hôn hay không.
Sau khi cưới chồng được gần 2 năm thì em sinh em bé. Bình thường, em đi làm nhưng vẫn chu toàn chuyện trong nhà. Vì giờ tan tầm của em sớm hơn nên khi chồng về nhà thì nhà cửa gọn gàng, cơm nước đủ cả, quần áo em cũng cho vào máy giặt hết rồi.
Chồng em chẳng phải đụng tay đụng chân gì chuyện trong nhà. Có lẽ vì chẳng lo toan nên gần 2 năm bên nhau, quan hệ của hai vợ chồng rất êm đẹp. Kể cả khi mang bầu bụng lớn em vẫn không bỏ được cái sự chăm chỉ, chu toàn của mình. Em làm tất cả mọi việc có thể. Anh ấy đi làm về chỉ bắc chân ôm điện thoại chơi game mà thôi. Có lẽ điều này khiến anh ấy đâm ra ỷ lại, nghĩ rằng nghĩa vụ của em là phải làm mọi việc nhà.
Sau khi em sinh em bé, mẹ em lại bị ốm, mẹ chồng thì già rồi, em cũng không nhờ bà lên chăm cháu hộ nữa. Em nghĩ rằng hai vợ chồng chăm nhau cũng được bởi em cũng tháo vát, chỉ nhờ cậy chồng lo hộ cơm nước mà thôi.
Thế nhưng kể từ khi không còn 'osin miễn phí' là em đây, chồng bắt đầu tỏ ra cáu kỉnh. Em sinh thường nhưng sức khỏe cũng yếu, chẳng làm được gì. Đêm đêm con còn khóc nữa nên ban ngày em toàn tranh thủ ngủ bù vì đuối quá.
Chuyện cơm cữ ngày 3 bữa và dọn dẹp nhà cửa phải nhờ cậy chồng. Thế nhưng anh ấy không thấu hiểu, làm việc trong tức tối, đá thúng đụng nia.
Thật sự cả mấy năm yêu đương cho đến khi 2 năm kết hôn, em mới biết anh ấy là người tồi tệ đến vậy luôn. Anh ấy biết nấu ăn chứ không phải không nhưng thái độ tệ lắm, lại còn càm ràm chuyện tại sao không bảo bà ngoại lên phục vụ, chồng còn bao việc.
Em đã nói rõ ràng rằng bà ngoại ốm sốt cả tuần, muốn lên cháu lắm nhưng chẳng dám vì sợ lây. Nhà hai bên neo người neo của, không nên trông chờ vào ai cả nhưng chồng em chẳng nghe.
Bữa thứ 3 cơm cữ của em chỉ có món rau luộc và bát trứng gà luộc dầm nước mắm. Em nhìn mâm cơm mà ngỡ ngàng, chồng không quan tâm, tiếp tục ôm điện thoại chơi game. Phải nói là lúc đó em tủi thân lắm, ý kiến ngay rằng mâm cơm này không đủ chất làm gì có sữa cho con bú. Chồng em ậm ừ rồi thôi. Em cũng ăn cho xong bữa để chăm bé.
Nhưng em không ngờ hành động ngày hôm sau của anh ấy lại tệ đến thế này các chị ạ. Có vẻ trách móc em chuyện hôm trước, lần này bưng mâm, anh ấy mang theo cả nồi thịt đặt lên luôn. Chồng em nói thẳng: 'Chê cơm đạm bạc thì thịt đấy, ăn cho hết nhé'.
Có ai là chồng mà lại nói như vậy với vợ bao giờ không? Chồng phụ vợ cơm cữ được mấy ngày đầu sau sinh mà tỏ vẻ khó chịu, thậm chí giận lây sang nhà ngoại vì không lên chăm cháu.
Đến nước này em không nhịn được nữa, nói thẳng luôn:
'Anh làm vậy nói vậy là sao? Nấu cơm cữ cho vợ mà anh làm như hộ hàng xóm vậy à? Đây là trách nhiệm của anh, em mang thai, sinh con cho anh chứ chẳng phải ai khác. Anh thử hỏi anh chị em bạn bè anh xem cơm cữ chỉ có rau luộc và trứng luộc có ăn nổi không mà em muốn được đủ chất hơn anh lại thái độ vậy.
Nếu anh cảm thấy chăm sóc vợ sinh con mệt quá thì em sẽ về nhà em. Đồng thời anh cũng quên luôn cái chuyện được nấu một bữa cơm nào nữa cho tôi đi. Còn anh trách móc sao mẹ tôi không lên chăm con gái sinh thì tôi nói nhiều lần là bà bị ốm, sợ lên lây cho con, cho cháu rồi. Ngay chiều nay tôi sẽ về quê, để anh ở lại một mình cho sướng cái thân anh. Đàn ông nghĩ cách trả đũa vợ vì mâm cơm cữ, hèn lắm'.
Thật sự đó là lần đầu tiên em nói những lời nặng nề như vậy. Chồng em khi đó cũng giật mình bởi bình thường em khá hiền lành, chẳng bao giờ để bụng anh. Anh ấy có vẻ ngỡ ngàng lắm, lí nhí xin lỗi nhưng em vừa uất vừa đau lại thương con thương mình quá nên gọi điện cho anh trai lên đón về luôn. Chuyện hôn nhân sau cữ em sẽ suy nghĩ chu đáo rồi giải quyết".
Sau khi sinh em bé, phụ nữ vừa đau thân thể, vừa nhạy cảm và lo lắng nhiều thứ. Người chồng trong thời gian này nên thông cảm và thấu hiểu cho vợ, giúp đỡ cô nhiều hơn. Những anh chồng ích kỷ, có suy nghĩ lệch lạc thì nên chấn chỉnh lại bởi đôi khi chỉ vì vài hành động, lời nói không đúng mực đã có thể gây nên sóng gió cho gia đình rồi.
Theo Trí Thức Trẻ